Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
TCCSĐT - Ngày 26-9-2017, tại thành phố Cần Thơ, Hội nghị về “Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đã chính thức khai mạc, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự Hội nghị có khoảng 600 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nhà khoa học, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển đồng bằng sông Cửu Long, tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Là một trong bốn đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, tình trạng khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, các hoạt động nhân sinh khác cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp. Những ưu thế tự nhiên vốn có của đồng bằng sông Cửu Long sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước ngọt, phù sa; gia tăng nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ tổ chức Hội nghị này với tầm nhìn về một đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mê Kông, trên cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, những truyền thống văn hóa quý báu vừa kết hợp áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của vùng và của đất nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận 4 nội dung chính:
Một là, phân tích, nhận diện đầy đủ các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông.
Hai là, dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn, làm cơ sở cho việc định hình mô hình phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long và các định hướng chuyển đổi lớn.
Ba là, thảo luận và đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hóa thách thức, thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, tập trung vào cơ chế đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học - công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Bốn là, xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện cụ thể trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của Chính phủ, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận, nhất là thành phố Hồ Chí Minh.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị đã tiến hành đồng thời ba Hội thảo chuyên đề. Hội thảo chuyên đề 1: “Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà chủ trì; Hội thảo chuyên đề 2: “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì; Hội thảo chuyên đề 3: “Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì.
Tại Hội thảo chuyên đề 1, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề: Thực trạng, thách thức và những định hướng quản lý, sử dụng tài nguyên nước để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; định hướng chuyển đổi quy mô lớn mô hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long; quan điểm của các đối tác phát triển về việc xác định những giải pháp chuyển đổi phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp, tổng hợp tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu vùng hỗ trợ chuyển đổi mô hình phát triển bền vững; định hướng nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu; nguồn nước sạch - an toàn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tại Hội thảo chuyên đề 2, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là: Giải pháp chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long; định hướng cải tạo, phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; các giải pháp chuyển đổi sinh kế bền vững cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở bờ sông, bờ biển và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; cách tiếp cận chuyển đổi có tính đến rủi ro khí hậu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Nội dung được tập trung thảo luận tại Hội thảo chuyên đề 3 là: Lập quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long; chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long - đề xuất chiến lược ứng phó và phát triển; thực trạng, giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp - công nghiệp và phân bố lại không gian sản xuất của vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch sử dụng đất và định hướng phát triển đô thị nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; định hướng phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.
Cuối ngày, tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Huy động, điều phối nguồn lực phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan về phát triển vùng, đề xuất một số giải pháp để thực hiện Quy hoạch tích hợp - công cụ điều phối, phân bổ nguồn lực phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long; cơ chế điều phối nguồn lực cho đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh điều chỉnh cơ cấu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu;…
Ngày 27-9-2017, theo chương trình, Hội nghị tiếp tục họp toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc./.
Hội thảo tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa đế quốc ở Bangladesh  (26/09/2017)
Nhân Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga: Chia sẻ kinh nghiệm tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực và chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI  (26/09/2017)
Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc: Nhấn mạnh những nhiệm vụ then chốt trong phiên bế mạc  (26/09/2017)
Một số vấn đề xung quanh tích tụ, tập trung ruộng đất  (26/09/2017)
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo châu Á tăng trưởng nhờ tăng trưởng thương mại toàn cầu  (26/09/2017)
Đức đặc biệt quan tâm hợp tác với Việt Nam trong bảo vệ môi trường  (26/09/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên