Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sau một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ
1. Triển khai thực hiện nhiệm vụ đó, ngày 16-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu: Xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết số 35 đã xác định rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế, mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp: Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện qua nhiều nội dung, song quan trọng và chủ yếu là tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Để tạo lập được môi trường thuận lợi đó, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nhất là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc triển khai Nghị quyết 35 đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Công tác phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đã được các địa phương quan tâm. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm doanh nghiệp… được triển khai và nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính (về thời gian thành lập doanh nghiệp, về thời gian thông quan hàng hóa,..) vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Mô hình Trung tâm hành chính công hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính tập trung (Quảng Ninh, Bình Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Phước,…), tập trung giải quyết thủ tục hành chính tại một địa điểm nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Có tỉnh như Quảng Ninh đã xây dựng Trung tâm hành chính công đến cấp huyện. Mô hình Trung tâm Hành chính công đã khẳng định hiệu quả, tăng tính minh bạch, thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh và các địa phương, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, làm tăng hiệu quả làm việc trong quá trình hoạt động, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân. Ngoài ra, tất cả các địa phương đều triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Các tỉnh, thành phố đều tích cực triển khai thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử (đa số đạt từ 96-100%), nhất là ở các địa phương như Đồng Nai, Quảng Trị, Gia Lai (đạt 100%), Bình Thuận (99,84%), TP. Hồ Chí Minh (99,37%), Cần Thơ (99,51%), Hưng Yên (99,6%), Hà Tĩnh (99%). Theo báo cáo tổng kết của cơ quan Thuế, tính đến hết ngày 17-3-2017, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với 575.208 doanh nghiệp tham gia. Số doanh nghiệp này đạt tỷ lệ 99,83% doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Đồng thời đã có trên 37,8 triệu hồ sơ khai thuế điện tử. Trên cơ sở phối hợp với 43 ngân hàng thương mại để hoàn thành kết nối triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ, đã có 565.406 trên tổng số 576.203 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (đạt tỷ lệ 98%).
Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong 3 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã tiếp tục triển khai cung cấp và hỗ trợ sử dụng 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, gồm: Website tra cứu thông tin người nộp thuế, Website hỏi đáp chính sách thuế, Dịch vụ hỗ trợ nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân trực tuyến, tra cứu hóa đơn, dịch vụ hỗ trợ kê khai hồ sơ khai thuế qua mạng internet, dịch vụ hỗ trợ kê khai báo cáo hóa đơn qua mạng internet, dịch vụ hỗ trợ kê khai báo cáo biên lai phí, lệ phí qua mạng internet, dịch vụ hỗ trợ kê khai báo cáo tài chính qua mạng internet, dịch vụ nộp thuế qua mạng, đăng ký mã số thuế cá nhân và mã số thuế người phụ thuộc của cá nhân thông qua cơ quan chi trả.
Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương quan tâm, tổ chức định kỳ, thường xuyên. Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong đối thoại với doanh nghiệp như tổ chức đối thoại theo loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI theo từng nước), đối thoại trên truyền hình… Đặc biệt, mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Phần lớn các kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chính quyền các địa phương quan tâm giải quyết kịp thời, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù chính quyền các cấp đã vào cuộc tích cực, có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế; còn diễn ra tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà vẫn còn nhiều. Một số địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Không ít trường hợp doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã có những tiến bộ, tuy nhiên, vẫn còn có địa phương thực hiện chưa nghiêm yêu cầu một năm gặp gỡ, đối thoại 2 lần với đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp; các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các cấp chưa chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nên chưa đề ra được các giải pháp cụ thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp.
2. Những nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, chính quyền các cấp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đã mang lại những kết quả quan trọng. Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Riêng 4 tháng đầu năm 2017 đã có thêm 39.580 doanh nghiệp mới thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập tính đến 30-4-2017 lên 1.090.731 doanh nghiệp. Đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2016 đã giảm đáng kể so với năm 2015 với 73.145 doanh nghiệp (giảm 9,5% so với năm 2015), trong đó có 12.478 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể và 60.667 doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động. Đặc biệt, một số vùng vốn rất khó khăn như khu vực Tây Nguyên, đã có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kinh doanh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cả nước.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35 góp phần quan trọng nâng cao số lượng doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả ở nước ta. Doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2007-2015, từ con số 149.082 doanh nghiệp đang hoạt động năm 2007, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam năm 2015 đạt 442.486 doanh nghiệp, gấp 3 lần so với năm 2007. Tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp bình quân trong giai đoạn 2007-2015 đạt 14,8%/năm. Nếu tính cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập, ngừng hoạt động, giải thể và quay trở lại hoạt động trong năm 2016, thì đến 31-12-2016 cả nước ước có 546.281 doanh nghiệp đang hoạt động.
Bên cạnh mức tăng trưởng cao về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, các yếu tố tích cực khác là chỉ số tăng trưởng dương về tổng nguồn vốn, số lượng lao động tương đối ổn định trong giai đoạn 2007-2015 cũng là những tín hiệu lạc quan về bức tranh phát triển của doanh nghiệp nước ta. Đây là những cơ sở cho kỳ vọng đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như Nghị quyết 35 đã đề ra.
Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu tích cực nêu trên, tuy nhiên, trong phát triển doanh nghiệp một năm qua vẫn có nhiều tín hiệu cho thấy tính không bền vững, cụ thể là:
Năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Sự yếu kém về quản trị cũng làm cho doanh nghiệp Việt Nam đông về số lượng, nhưng yếu kém về chất lượng. Cả nước mới có khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây đang là một thách thức lớn để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh của mình và phát triển thương hiệu.
Nhìn chung, năng lực của doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng lao động trong giai đoạn 2007-2015 đã không được cải thiện nhiều mà còn giảm đi. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp cũng ngày càng giảm; sản phẩm sản xuất chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tăng cao trở lại trong giai đoạn 2011-2015 với mức trung bình khoảng 40,9%.
Quy mô doanh nghiệp không có nhiều cải thiện, số lao động trung bình trên một doanh nghiệp dao động khoảng 30 người - thấp hơn rất nhiều so với tiêu chí doanh nghiệp nhỏ (dưới 50 lao động). Khối các doanh nghiệp trong nước bị lép vế so với khối doanh nghiệp ngoại trên các phuơng diện: năng lực cạnh tranh, hiệu quả, quản trị.
3. Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 vẫn còn những hạn chế: Một số cơ chế, chính sách đang áp dụng chưa phù hợp; việc triển khai thực hiện một số giải pháp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; còn có khoảng cách giữa chính sách và thực thi ở nhiều lĩnh vực, nhất là thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, giấy phép con, tiếp cận đất đai, vốn, tài nguyên, công tác thanh tra kiểm tra doanh nghiệp còn chồng chéo...; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất, chưa chặt chẽ trong việc hướng dẫn doanh nghiệp.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện và khắc phục những hạn chế sau một năm thực hiện Nghị quyết số 35, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ:
Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp; chú trọng hướng liên thông thủ tục đầu tư với thủ tục đất đai, xây dựng, đấu thầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ thông qua theo hướng sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan nhằm tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thực hiện cho doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý và tổ chức thực hiện việc kê khai và nộp thuế điện tử.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính nhất quán, công khai minh bạch thông tin và khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Hàng năm, phối hợp giữa các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính để tiếp cận tốt hơn tín dụng; tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mức chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp./.
-------------------------------------------------------
• Bài viết sử dụng số liệu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức ngày 17-5-2017
Phát triển toàn diện và sâu rộng quan hệ đối tác Việt Nam - Belarus  (27/06/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đặc phái viên của Thủ tướng Australia  (27/06/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ  (27/06/2017)
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017: Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững  (27/06/2017)
Việt Nam - Belarus thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực  (27/06/2017)
Những “cơn gió ngược” tác động đến đà phục hồi kinh tế của EU  (27/06/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên