Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 29-5 đến 04-6-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
23:18, ngày 06-06-2017

TCCSĐT - Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tháng Năm, vốn đầu tư xã hội thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 23.049 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 5.145 tỷ đồng và vốn địa phương 17.904 tỷ đồng. Như vậy tính chung 5 tháng qua, vốn đầu tư giải ngân từ nguồn ngân sách là 88.800 tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.


Thủ tướng chỉ thị thực hiện giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 24/CT-TTg giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Chỉ thị nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2017, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I-2017 đạt 5,1%, tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm 2012, 2013 và 2014, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây là 2015 và năm 2016. Mặc dù nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng nhiệm vụ của những tháng cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực.

Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2017 là khoảng 6,7%. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nghiêm túc quan điểm của Chính phủ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; nỗ lực và quyết tâm tối đa thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế. Căn cứ nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế, các cơ quan chức năng xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho từng ngành cụ thể, tạo động lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành, lĩnh vực; triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp đã đề ra; đồng thời tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các giải pháp; hàng tháng, quý báo cáo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện.

Về các giải pháp cơ bản năm 2017 và trong trung, dài hạn, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; trong tháng 8-2017 có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chi tiết sự chuyển biến của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách. Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10-5-2017 của Chính phủ.

Các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sớm triển khai niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo quy định của pháp luật. Trong tháng 6-2017, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình xây dựng và kế hoạch tổ chức triển khai các giải pháp sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2017; định kỳ hàng tháng có báo cáo tình hình và kết quả thực đẩy tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.

Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khó có cơ hội trốn thuế ở Việt Nam

Dư luận gần đây “nóng” với văn bản ngành thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và thanh tra doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh bán lẻ. Mới đây đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện các đơn vị vẫn đang tiến hành thanh tra, đến ngày 31--2017, Tổng cục Thuế sẽ công bố kết quả.

Trước thực trạng một số tập đoàn đa quốc gia sản xuất kinh doanh ở Việt Nam có hiện tượng tránh thuế bởi báo lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng đầu tư, lãnh đạo ngành thuế cho biết, quy định mới tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã buộc các tập đoàn phải công bố lợi nhuận tại từng quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP mới có hiệu lực, công ty mẹ tối cao của các tập đoàn có trụ sở chính tại Việt Nam mà doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế. Đây là quy định được đưa ra sau khi cơ quan chức năng đã thu thập kinh nghiệm quốc tế và báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng yêu cầu doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai; cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các giao dịch liên kết của người nộp thuế.

“Việc quản lý giao dịch liên kết này thực hiện theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức, không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước. Qua đó, điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định”, bà Lan Anh nói.

Tổng cục Thuế cũng cho hay, từ năm 2010 tới năm 2015, cơ quan thuế đã thanh tra giá chuyển nhượng với 130 doanh nghiệp. Sau thanh tra, cơ quan chức năng đã quyết định giảm lỗ 2.962 tỷ đồng, tăng thu nhập chịu thuế là 3.430 tỷ đồng, truy thu 724 tỷ đồng. Nghị định 20/2017/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành có những quy định mới siết chặt quản lý về thuế đối với các tập đoàn nước ngoài hay doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo giới phân tích, với những quy định mới này, nhóm doanh nghiệp này sẽ khó có thể tiếp tục trốn thuế, chuyển giá trong thời gian tới. Để người nộp thuế và cơ quan thuế dễ dàng xác định như thế nào được gọi là giao dịch liên kết, tới đây Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Trước đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu (doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài). Trên cơ sở thông tin rà soát, thông tin quản lý thuế, cục thuế địa phương thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại địa bàn quản lý và đề xuất bổ sung vào kế hoạch thanh tra năm 2017 của các cục thuế.

Giải ngân vốn ngân sách Nhà nước trong năm tháng đạt 88.800 tỷ đồng

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tháng Năm, vốn đầu tư xã hội thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 23.049 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 5.145 tỷ đồng và vốn địa phương 17.904 tỷ đồng. Như vậy tính chung 5 tháng qua, vốn đầu tư giải ngân từ nguồn ngân sách là 88.800 tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đó, vốn Trung ương quản lý đạt 19.500 tỷ đồng và vốn địa phương là 69.300 tỷ đồng, tương ứng 29% và 31,1% kế hoạch năm đồng thời tăng 5,9% và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Báo cáo, trong tháng Năm, các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, do đó vốn thực hiện từ nguồn ngân sách có mức cao hơn tháng Tư và cùng kỳ năm trước.

Tại Báo cáo, Đại diện từ Tổng cục Thống kê cho rằng, tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 5 tháng của năm vẫn còn chậm. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, bảo đảm kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (đến thời điểm 20-5) đã thu hút 939 dự án cấp phép mới, vốn đăng ký đạt 5.595 triệu USD, tăng 3,5% về số dự án và giảm 26,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Thêm vào đó, có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.742 triệu USD. Ngoài ra, cả nước có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.792 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký theo các hình thức đạt 12.130 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước đồng thời vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngừng bơm tiền mặt vào thị trường

Ngày 31-5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ngừng bơm tiền mặt vào thị trường do năng lực thanh khoản liên ngân hàng bằng tiền mặt của nước này vẫn đang ở trong trạng thái ổn định.

PBOC cho biết đã thực hiện các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) trị giá 210 tỷ nhân dân tệ (tương đương 30,6 tỷ USD), được bù đắp bằng cùng một lượng giao dịch các hợp đồng mua lại đảo ngược sắp đáo hạn, do đó trên thị trường hiện không thiếu hụt tiền mặt hoặc cần phải bơm thêm tiền mặt vào thị trường.

Theo PBOC, các giao dịch này bao gồm các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn bảy ngày, có trị giá 180 tỷ nhân dân tệ và được định giá mang lại lợi suất 2,45%; và các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 14 ngày, có trị giá 30 tỷ Nhân dân tệ và được định giá mang lại lợi suất 2,6%.

Hiện chi phí cho vay trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Ngày 31-5, điểm chuẩn của tỷ lệ lãi suất qua đêm liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor) - chi phí các ngân hàng Trung Quốc cho vay lẫn nhau - đã tăng 3,55 điểm cơ bản, lên tới 2,6365%.

Trong năm 2017, Trung Quốc đã thiết lập chính sách tiền tệ một cách thận trọng và trung lập, theo đó tiếp tục giữ mức thanh khoản hợp lý nhưng tránh các hoạt động bơm tiền thanh khoản quá mức. Cùng ngày, Cục Thống kê quốc gia, Hiệp hội lưu thông và tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc công bố số liệu cho thấy trong tháng Năm, Chỉ số giám sát tiêu thụ (PMI) trong ngành chế tạo Trung Quốc là 51,2%, tương đương chỉ số của tháng trước, cho thấy ngành chế tạo của nước này tăng trưởng ổn định.

Xét về quy mô doanh nghiệp, PMI của doanh nghiệp lớn là 51,2%, mặc dù thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với tháng trước, nhưng vẫn cao hơn điểm giới hạn. PMI của doanh nghiệp vừa và nhỏ là 51,3% và 51%, lần lượt tăng 1,1 và 1,0 điểm phần trăm so với tháng trước, trong đó, PMI của doanh nghiệp nhỏ đã tăng liên tiếp ba tháng.

Xét về chỉ số phân loại, trong năm chỉ số phân loại để tạo thành PMI trong ngành chế tạo Trung Quốc thì chỉ số sản xuất, chỉ số đơn đặt hàng mới và chỉ số thời gian giao hàng của nhà sản xuất đều cao hơn điểm giới hạn. Trong khi chỉ số tồn kho nguyên, vật liệu và chỉ số nhân công hành nghề thấp hơn điểm giới hạn.

Số liệu mới công bố còn cho thấy trong tháng Năm, chỉ số hoạt động kinh doanh của ngành phi chế tạo Trung Quốc là 54,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với tháng trước, cho thấy ngành phi chế tạo nước này tiếp tục duy trì xu thế phát triển khá nhanh.

EU tiến gần tới thành lập Liên minh các thị trường vốn chung

Liên minh châu Âu (EU) đã tiến thêm một bước gần hơn tới việc thành lập Liên minh các thị trường vốn chung (CMU). Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30-5 ra tuyên bố nhấn mạnh 3 thể chế trong EU gồm Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban này đã đạt được đồng thuận về "một gói tiêu chí" cho việc thành lập một thị trường chứng khoán đơn giản, minh bạch và chuẩn hóa của EU.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết thỏa thuận lần này sẽ tự do hóa hoạt động cho vay ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty và các hộ gia đình tiếp cận các nguồn vốn.

EC cũng nhấn mạnh thỏa thuận trên đóng vai trò như một trong những nền tảng quan trọng giúp hình thành CMU - một dự án then chốt của EU và được kỳ vọng sẽ bổ sung 150 tỷ euro vốn cho nền kinh tế EU.

Cũng theo EC, việc mở cửa thị trường chứng khoán EU có thể cho phép đa dạng hóa các nguồn vốn và giảm bớt mạo hiểm bằng cách tạo điều kiện để các ngân hàng san sẻ một số rủi ro tài chính cho các thực thể khác hoặc cho các nhà đầu tư dài hạn, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm và các nhà quản lý tài sản./.