Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 29-5 đến ngày 04-6-2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương - Phiên thứ ba
Ngày 30-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ ba nhằm thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay; đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian tới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, cải cách tư pháp là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quá trình triển khai thực hiện đã rút ra một số kinh nghiệm, đó là: Phải nhận thức đúng đắn về mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ và có quyết tâm cao; có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện. Phải tiến hành đồng bộ với việc đổi mới hệ thống chính trị, cải cách lập pháp và cải cách hành chính; có lộ trình hợp lý, chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; chống tư tưởng bảo thủ, cục bộ; bảo đảm sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và nhân dân. Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phân công, giới thiệu đúng người có đủ phẩm chất, năng lực tham gia thực hiện các hoạt động tư pháp, nhất là người đứng đầu các cơ quan tư pháp.
Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các địa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, đối tượng, nội dung kiểm tra là toàn bộ công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp ở cấp tỉnh (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Đoàn luật sư) từ đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) đến nay.
Thời gian tiến hành kiểm tra bắt đầu từ Quý III/2017 đến ngày 30-11-2017. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Ban Chỉ đạo phân công một thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn.
Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016
Theo Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 (PAR INDEX 2016) được Bộ Nội vụ công bố chiều 30-5, trong khối các cơ quan bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đứng đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt được là 92,68%, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả 71,91%. Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 cao nhất với Bộ có kết quả thấp nhất là 20,77%.
Trong bảng xếp hạng đối với các địa phương, thành phố Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí đầu bảng với kết quả Chỉ số đạt được là 90,32%. Ngược lại, Hậu Giang là địa phương có Chỉ số cải cách hành chính đứng cuối bảng, đạt 62,55%, thấp hơn 27,77% so với Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng: Bảo đảm chất lượng sách giáo khoa là trên hết
Ngày 30-5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa thời gian qua, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên và các tầng lớp nhân dân trên tinh thần cầu thị, khoa học.
Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phức tạp với khối lượng công việc nhiều và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, có những quan điểm khác nhau, trái chiều thì phải lắng nghe, chắt lọc để tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội.
"Tinh thần là phải bảo đảm chất lượng là trên hết. Chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn", Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017: Cơ hội để giới thiệu về di sản văn hóa Quảng Nam
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài, cho biết: Tiếp nối thành công của những kỳ tổ chức Festival Di sản trước, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, diễn ra từ ngày 07-6 đến hết ngày 14-6-2017 tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Đây là dịp để quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam và đặc trưng văn hóa Quảng Nam; trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các địa phương trong nước, giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Qua đó giới thiệu hình ảnh, thu hút đầu tư vào Quảng Nam và thúc đẩy phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Giám đốc Đinh Hài, đến thời điểm này, đã có 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, 03 tổ chức quốc tế và 35 tỉnh, thành phố trên cả nước có đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân... đăng ký tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Festival.
Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 có hơn 23 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, có các hoạt động chính như: Chương trình Khai mạc và Bế mạc Festival; Hội thi Hợp xướng quốc tế; Festival Diều quốc tế; Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới; Giải Lướt ván buồm vô địch thế giới và giải Đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng; Liên hoan Ẩm thực quốc tế; Triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”; Liên hoan Hô hát Bài chòi và Trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh; Festival thuyền Kayak; Trưng bày Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung và Chương trình nghệ thuật Huyền thoại Apsara; Ngày hội Trình diễn nghi thức dựng cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; Lễ hội sâm núi Ngọc Linh; Hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị các đô thị di sản.
Nâng cao chất lượng y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân
Để giải quyết được tình trạng tuyến bệnh viện trên luôn quá tải, phải giải bài toán từ gốc đó là nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân, tạo niềm tin trong nhân dân đối với việc khám chữa bệnh tại các trạm y tế phường, xã.
Đây là vấn đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 01-6-2017.
Theo Phó Thủ tướng, để làm được điều đó, mô hình hợp tác công - tư sẽ phát huy hiệu quả. Phó Thủ tướng hoan nghênh thành phố triển khai thí điểm đầu tiên mô hình xã hội hóa Trạm Y tế. Trên cơ sở khai thác nguồn lực sẵn có của các Trạm Y tế, thành phố tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu, tạo niềm tin với người dân.
Phó Thủ tướng lưu ý thành phố cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm từ việc thí điểm mô hình này để định hình được mô hình đầu tư trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời kêu gọi nhà đầu tư hướng tới mô hình không vì lợi nhuận, tái đầu tư tiếp tục phát triển hệ thống. Cụ thể, việc xã hội hóa cần đảm bảo thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ cũng như đối tượng phục vụ của y tế cơ sở, bao gồm đối tượng khám bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, người nghèo… bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe và tạo sự an tâm cho người dân khi khám chữa bệnh tại Trạm Y tế.
Cần làm rõ khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển dụng công chức
Ngày 03-6-2017, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức. Tham dự Hội nghị gồm 500 đại biểu ở Hội trường tại Hà Nội và trên 1.000 đại biểu đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, lãnh đạo và chuyên viên Ban Tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ tại 72 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết đây là lần đầu tiên, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức.
Đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng để trao đổi, giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và thống nhất thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị một cách nhất quán, tổng thể và liên thông. Để Hội nghị đạt kết quả tốt, ngoài các nội dung kiến nghị, đề xuất đã được giải đáp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu trao đổi, tập trung thảo luận về các nhóm nội dung chính.
Trong nhóm nội dung công tác tổ chức, cán bộ, đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ các ý kiến cần trao đổi về những bất cập đối với tổ chức, bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị hiện nay và đề xuất giải pháp. Trong phân cấp quản lý cán bộ còn bộc lộ một số điểm hạn chế, bất hợp lý; giữa Trung ương và địa phương, địa phương và cơ sở còn chưa tổng thể, thống nhất và liên thông; đánh giá thêm và đề xuất giải pháp về vấn đề công tác quản lý cán bộ ở trên thì chỉ rộng mà không sâu, ở dưới thì không chủ động được và chưa rõ trách nhiệm. Những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, thẩm định Đề án vị trí việc làm khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội và giải pháp để dễ hiểu, dễ làm và đạt hiệu quả.
Đối với nhóm nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng, vị trí việc làm, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị cần thảo luận, làm rõ về tình hình và khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác tuyển dụng, tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; xây dựng vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; đánh giá, kỷ luật, thôi việc... đối với công chức, viên chức, ở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua; đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc tại Sơn La
Ngày 04-6, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc tại tỉnh Sơn La về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện một số chính sách xã hội tại địa phương.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, những năm qua Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 tăng 9,2% so với năm 2015; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng. Trong phát triển công nghiệp, Sơn La đang tập trung để xây dựng 2 nhà máy chế biến sản phẩm quả, 1 nhà máy chế biến sản phẩm cao su.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những kết quả tỉnh Sơn La đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thực hiện chính sách hỗ trợ người có công, hỗ trợ đồng bào nghèo ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Sơn La cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dạy nghề, chú trọng việc xuất khẩu lao động để tạo thêm việc làm cho người dân.
Phó Chủ tịch yêu cầu trong thời gian tới Sơn La cần tăng cường giám sát và thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là các hoạt động hỗ trợ người nghèo ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Sơn La cần quan tâm chăm sóc, giáo dục, đào tạo nghề cho các đối tượng là người nghiện, người mắc các tệ nạn xã hội, giúp họ sớm trở về hòa nhập với cộng đồng, từ đó, khẳng định sự nhân văn và quyền con người mà Nhà nước, Quốc hội đã thực hiện từ trước đến nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  (06/06/2017)
Toàn văn Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân  (06/06/2017)
Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản  (06/06/2017)
Thủ tướng tiếp lãnh đạo một số địa phương và tổ chức của Nhật Bản  (06/06/2017)
Giữ nguyên 18 chức danh được cảnh vệ trong dự thảo Luật Cảnh vệ  (06/06/2017)
Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản  (06/06/2017)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên