TCCSĐT - Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, ngày 05-8-2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố tiên phong, góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thực trạng nguồn nhân lực ở nông thôn hiện nay

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nông nghiệp, nông thôn nước ta cần có những đổi thay để thích ứng và phát triển bền vững. Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04-6-2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tiếp tục tạo cơ sở để cơ cấu, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với thực tiễn, đưa ngành nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện, hiện đại; nông sản có năng lực cạnh tranh cao, quy mô hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Để có thể thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, thì việc nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn ở cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là điều kiện góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và bền vững. Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, các tiêu chí về giáo dục, trường học, cơ cấu lao động đều hướng tới việc nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này thể hiện sự coi trọng của các cấp, ngành, từ trung ương đến địa phương đối với chất lượng của lao động nông thôn - chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Với truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó và số lượng lao động chiếm tỷ lệ cao, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay rất dồi dào và có nhiều tiềm năng. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, 70% dân số nước ta đang sống ở khu vực nông thôn và lao động nông thôn hiện chiếm 75% tổng lực lượng lao động cả nước, lao động có tỷ lệ các nhóm tuổi 15 - 29 chiếm tới 1/3 tổng dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, lao động nông thôn nước ta chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp với năng suất lao động còn thấp. Tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn thiếu việc làm còn cao, trình độ chuyên môn thấp. Hiện nay, việc làm giản đơn, không cần kỹ năng chiếm gần 40% tổng việc làm của cả nước (ở khu vực thành thị, tỷ lệ này là 18,1% nhưng khu vực nông thôn thì chiếm gần 50%); hơn 30 triệu lao động nông thôn trong độ tuổi, nhưng mới có khoảng 17% được đào tạo chủ yếu thông qua các lớp tập huấn khuyến nông, còn lại là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ kỹ thuật, chuyên môn. Trong số 16,5 triệu thanh niên nông thôn đang cần có việc làm ổn định thì chỉ có 12% tốt nghiệp trung học phổ thông; 3,11% có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên (thấp hơn 4 lần so với thanh niên đô thị).

Lao động nông thôn nước ta vốn quen với nền sản xuất nông nghiệp trình độ thấp, mang nặng tính nhỏ lẻ, phân tán, năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn còn hạn chế, vẫn còn tâm lý thụ động, tư duy cạnh tranh kém, tính tự do và manh mún cao. Với trình độ như vậy, lao động nông thôn khó có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều lao động thuộc các hộ nông dân mất đất cho sản xuất công nghiệp khó có thể tìm được những công việc có mức thu nhập cao, khó thích nghi được môi trường lao động công nghiệp vốn đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật nhất định, tính kỷ luật cao và các kỹ năng mềm khác; khó tiếp nhận những nghề mới (dù có những cơ hội chuyển đổi nghề); do đó khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chất lượng lao động nông thôn thấp đã làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng rộng, làm giảm tiến trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở nước ta còn thấp, dẫn đến tình trạng yếu kém, thiếu khả năng vận động tổ chức, chỉ đạo quần chúng ở các địa phương. Lực lượng lao động khoa học - kỹ thuật nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong lao động trực tiếp ở nông thôn.

Môi trường kinh tế, văn hóa - xã hội nông thôn chưa có sự thay đổi lớn theo hướng phát triển bền vững trên lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra còn mang tính tự phát nên công nghiệp, dịch vụ nông thôn khó phát triển; môi trường bị ô nhiễm; thu nhập của nông dân tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Tác động của quá trình mất đất và sự thiếu chuẩn bị việc chuyển đổi nghề cho nông dân đã thúc đẩy di dân tự do, nông dân rời bỏ làng quê tìm việc làm ở đô thị hoặc các khu công nghiệp; dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thiếu tính bền vững.

Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” - một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đề án đã thu hút sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nhận được sự quan tâm các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng dân cư trong việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn; nhận thức của bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và người dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thôn cũng có chuyển biến tích cực. Số người đăng ký học nghề hằng năm đều tăng; người dân có sự nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học - kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần hiệu quả vào phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Sau 6 năm (2010 - 2015) thực hiện, trên 4,1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề với tổng kinh phí trên 8.170,53 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, số lao động nông thôn học nghề cả nước đạt 91,5% kế hoạch hỗ trợ lao động nông thôn học nghề (thực hiện được 2,7/kế hoạch 2,95 triệu lao động nông thôn học nghề). Hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra tiêu thụ rất khó khăn. Việc triển khai quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn chậm, chất lượng chưa cao, là trở ngại lớn đối với việc xác định nghề đào tạo và nhu cầu học nghề… Do vậy, trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần có những đổi mới, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn

Những năm gần đây, nhờ áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, nông dân nước ta đã sản xuất ra số lượng nông sản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, người nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập, tích lũy vật chất, ổn định cuộc sống, làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cả giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm của ngành nông nghiệp đạt 140,6 tỷ USD, bình quân tăng 9%/năm, thu nhập của cư dân nông thôn đạt bình quân 24,4 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn còn thiếu bền vững và chưa xứng với tiềm năng.

Do đó, thời gian tới, để đạt được mục tiêu năm 2020 tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5 - 4%/năm; phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay; lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, thì chất lượng cho lao động nông thôn - nguồn nhân lực có vị trí quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cần được tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng. Một số giải pháp được đề xuất là:

Một là, đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông để nâng cao hơn nữa nhận thức của người nông dân về vai trò chủ thể của mình trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khơi dậy ở người dân tinh thần chủ động, tích cực học tập và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

Hai là, nghiên cứu, đánh giá sát, đúng thực trạng giáo dục và đào tạo tại các địa bàn nông thôn trên cả nước để áp dụng chính sách hợp lý. Tích cực triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tập trung đầu tư đồng bộ cho hệ thống giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Triển khai tốt các chương trình trọng điểm quốc gia để tăng cường cơ sở vật chất, trường học và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

Ba là, tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tạo cơ sở thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo; chú trọng các tiêu chí liên quan đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đổi mới hoàn thiện chính sách đối với nông dân, thực hiện có hiệu quả giữa chính sách kinh tế, chính sách xã hội, an sinh xã hội (nhất là chính sách hỗ trợ học sinh nghèo nông thôn tới trường) trong quá trình phát triển, bảo đảm tính bền vững.

Bốn là, đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” nhằm nâng cao trình độ tay nghề, từng bước hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được đề xuất là một trong những nội dung dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 5.500.000 lao động nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã. Do đó, cần tiếp tục có sự phối hợp hành động hiệu quả giữa các địa phương và Trung ương trong việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, gắn với nhu cầu của thị trường và nhu cầu của người học. Xây dựng được giáo trình dạy nghề chuẩn với cơ chế cập nhật, hiệu quả. Hỗ trợ đầu tư đồng bộ các yếu tố bảo đảm chất lượng dạy nghề theo các nghề trọng điểm được quy hoạch của các trường cao đẳng, trung cấp trên từng địa bàn và hình thành các trường nghề chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực ưu tiên phát triển và nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở dạy nghề có năng lực và kinh nghiệm trong hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, những cơ sở đào tạo nhân lực cho một số ngành kinh tế được xác định là trọng tâm ở nông thôn để xây dựng mô hình thí điểm về tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, nghề công nghiệp - dịch vụ cho lao động nông thôn (cần đặc biệt coi trọng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu lao động). Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhằm đáp ứng tối đa các yêu cầu của người học, nhất là những lao động nông thôn nghèo, các nhóm người yếu thế. Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề cho nông dân theo hướng đào tạo chuyên canh tại các vùng nguyên liệu, đào tạo ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo ở tất cả các cấp dạy nghề, trong đó chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân và đẩy mạnh phát triển đào tạo dài hạn trong tương lai. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho nông dân thông qua mô hình khuyến nông trên địa bàn, trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương, nhằm giúp người nông dân nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường, hướng tới nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; từ đó giúp người nông dân có thể tự sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, đặc biệt là với những hộ nông dân mất đất do phát triển công nghiệp và đô thị hóa.

Năm là, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực. Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách gắn kết giữa hoạt động dạy nghề với thị trường lao động (bao gồm cả thị trường lao động ở nông thôn cũng như ở các khu đô thị, nông nghiệp và phi nông nghiệp). Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo hoặc tự đào tạo công nhân. Điều chỉnh mạng lưới cơ sở đào tạo cho phù hợp với yêu cầu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng nông thôn. Tăng cường và đa dạng hóa các phương thức tiếp cận thông tin việc làm và dạy nghề tới người dân nông thôn; giải quyết tốt việc làm sau đào tạo.

Sáu là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở; nâng cao kiến thức tổ chức quản lý kinh tế - xã hội cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tăng cường lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp. Củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân. Có chính sách khuyến khích và sử dụng tốt những cán bộ trẻ có năng lực, những sinh viên học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp về phục vụ ở khu vực nông thôn./.