Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08 đến ngày 14-8-2016)
TCCSĐT - Việt Nam là nước đứng đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà doanh nghiệp Mỹ đánh giá là thị trường mục tiêu để mở rộng kinh doanh và đầu tư trong năm 2017.
Tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng cả nước chỉ đạt một nửa kế hoạch
Tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 08-8, đại diện Vụ Kế hoạch cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 ở mức thấp, chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Bảy ước đạt 14,7 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá, mức tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng một nửa so với mục tiêu tăng trưởng 10% xuất khẩu đề ra từ đầu năm. Trong đó, mặt nông lâm thủy sản đã đến ngưỡng, sau 7 tháng kim ngạch xuất khẩu nhóm này chỉ tăng 0,1% so với tháng Sáu. Ngoài ra, nhóm công nghiệp chế biến cũng không còn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước, thậm chí xuất khẩu của tháng Bảy đã giảm 0,9% so với tháng Sáu.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng Bảy giảm 1% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 95,03 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, sau 7 tháng, cả nước đã xuất siêu 1,8 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng nhưng đánh giá tổng thể bức tranh xuất nhập khẩu 7 tháng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ ra những tồn tại đối với hoạt động xuất khẩu, theo đó mức tăng trưởng xuất khẩu sau 7 tháng còn thấp, nếu không có giải pháp đột phá thì mục tiêu tăng trưởng 10% rất khó đạt được.
Trích dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm không điều chỉnh các mục tiêu kinh tế xã hội, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu toàn ngành Công thương phải tập trung đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Trước đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các Vụ, Cục chức năng tập trung vào các giải pháp để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó tập trung rà soát lại những quy định liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm khơi thông thị trường và mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh được hoạt động xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam theo đánh giá của doanh nghiệp Mỹ
Việt Nam là nước đứng đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà doanh nghiệp Mỹ đánh giá là thị trường mục tiêu để mở rộng kinh doanh và đầu tư trong năm 2017. Đây là kết quả khảo sát mới nhất về triển vọng kinh doanh thương mại năm 2017 tại các nước Đông Nam Á vừa được Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) công bố.
Theo đó, 53% doanh nghiệp được hỏi tin rằng các thị trường ASEAN trở nên quan trọng hơn đối với doanh thu toàn cầu của họ trong hai năm qua, 78% số lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán lợi nhuận năm 2017 của họ sẽ tăng so với năm trước và 49% cho biết sẽ tăng lực lượng lao động tại ASEAN trong công ty họ vào cuối năm 2016. Đa số người được khảo sát (87%) dự đoán mức độ đầu tư và giao thương của công ty mình vào ASEAN sẽ tăng trong 5 năm tới. Đáng chú ý, 40% doanh nghiệp Mỹ cho rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong ASEAN để họ mở rộng kinh doanh và đầu tư trong năm tới, xếp thứ hai là Indonesia và tiếp theo là Myanmar, Thái Lan, Phillipines.
Việt Nam cũng đứng đầu các nước trong ASEAN về thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ có kế hoạch chuyển dần đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong hai năm tới với 27%, tiếp đến là Campuchia, Malaysia và Lào. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá thế mạnh, lợi thế so sánh của Việt Nam là giá thuê nhân công cạnh tranh (65%); bảo mật an ninh cá nhân (65%); hệ thống chính trị ổn định (64%); kết cấu hạ tầng (61%); ổn định của hệ thống pháp luật (54%).
Hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, một số thách thức của Việt Nam trong những năm qua cũng như trong năm tới vẫn là tham nhũng (71%); thiếu sự bảo đảm của địa phương (46%).
Thị trường vàng và thị trường năng lượng biến động trái chiều vào phiên cuối tuần
Liên tục đi lên trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, song đà giảm của 2 phiên cuối tuần đã khiến giá vàng giao kỳ hạn chứng kiến tuần mất giá thứ tư trong vòng năm tuần qua. Giữa lúc tâm lý lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu chưa lắng dịu, giới đầu tư vẫn đổ tiền vào “thiên đường an toàn” là vàng. Đó chính là lý do giúp thị trường kim loại quý này đi lên trong cả ba phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8 đến ngày 10-8 vừa qua).
Ngoài ra, thông tin cho hay năng suất lao động của Mỹ giảm quý thứ 3 liên tiếp trong quý 2 vừa qua đã làm dấy lên những quan ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dè dặt hơn trước quyết định nâng lãi suất trong năm nay và đẩy đồng USD hạ giá so với rổ tiền tệ, qua đó tạo thêm lợi thế cho vàng. Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 11-8, giá vàng đảo chiều đi xuống khi đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc với các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức cao kỷ lục trong ngày. Dù vậy, triển vọng chưa chắc chắn về chính sách tiền tệ của Mỹ đã phần nào hạn chế đà giảm của kim loại quý này.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (12-8), vàng tiếp tục lùi sâu vào cuối phiên dù cho đã đi lên trong hầu hết thời gian cả phiên, do các nhà đầu tư đua nhau bán ra chốt lời sau khi giá mặt hàng này “vọt” hơn 1% nhờ báo cáo đáng thất vọng về doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng Bảy vừa qua. Vào lúc 1 giờ 50 phút ngày 13-8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường London (Anh) giảm 0,3%, xuống 1.334,36 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng này tăng nhẹ 0,04%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 tới tại thị trường Mỹ cũng mất 0,5%, xuống 1.343,20 USD/ounce, sau khi chạm mức “đỉnh” của ngày là 1.362,50 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng này mất 0,09%, ghi dấu tuần giảm giá thứ tư trong vòng năm tuần qua.
Mặc cho đà sụt giảm của vàng trong ngày cuối tuần, một vài nhà phân tích vẫn giữ tâm lý lạc quan đối với triển vọng của kim loại quý trong vài tuần tới. Hiện thị trường đang chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy, dự kiến vào ngày 17-8 tới. Cũng trong phiên này, giá các mặt hàng kim loại quý như bạc, bạch kim cũng đều đi xuống.
Trong một diễn biến khác, mặc dù liên tục đi xuống trong 3 phiên giao dịch trước đó, song đà phục hồi ấn tượng phiên cuối tuần đã giúp giá dầu thế giới chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong khoảng bốn tháng qua. Thị trường năng lượng đã trải qua tháng Bảy không mấy thuận lợi giữa những lo ngại về mối quan hệ cung-cầu trở lại, nhưng tình hình có vẻ khả quan hơn trong thời gian gần đây.
Phiên đầu tuần (08-8 vừa qua), hai loại dầu chủ chốt giao dịch tại New York và London đều tăng hơn một USD mỗi thùng, nhờ những đồn đoán về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ xem xét việc “đóng băng” sản lượng. Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch sau đó, “vàng đen” liên tiếp mất giá, do hoạt động đẩy mạnh bán tháo chốt lời của giới đầu tư, bất chấp việc OPEC thông báo sẽ nhóm họp bất thường vào tháng tới. Ngoài ra, việc các kho dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng lên và sản lượng tại Saudi Arabia ở mức cao kỷ lục cũng tạo sức ép giảm lên giá dầu.
Ngày 10-8 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố báo cáo hàng tuần cho thấy lượng dầu thô dự trữ trong tuần kết thúc ngày 02-8 vừa qua vẫn ở mức cao là 523,6 triệu thùng, tăng 0,2% so với tuần trước nữa và nhiều hơn 15% so với cùng thời điểm của năm ngoái. Trong khi đó, một báo cáo khác từ OPEC cho thấy sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng Bảy ở mức gần 10,5 triệu thùng/ngày, cao hơn mức đỉnh của mùa Hè năm 2015. Tuy vậy, tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 12-8), thị trường năng lượng đã khởi sắc trở lại, nhờ kỳ vọng của giới đầu tư vào khả năng OPEC sẽ đưa ra những biện pháp kiểm soát sản lượng nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung, vốn luôn là nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng Chín tới tăng 1 USD, lên 44.49 USD/thùng - mức chốt phiên cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10 tới cũng tiến 93 xu Mỹ, lên 46,97 USD/thùng - cao nhất kể từ phiên 20-7 vừa qua. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 2,69 USD (6,4%), ghi dấu tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 08-4 vừa qua. Còn dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng 6,1% trong cả tuần, mức tăng theo tuần cao nhất kể từ tuần kết thúc ngày 29-4 vừa qua.
Ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ lập kỷ lục cùng một ngày
Trong phiên giao dịch ngày 11-8, ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ lần đầu tiên kể từ cuối năm 1999 đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong cùng một ngày, trong bối cảnh sự tăng giá của dầu mỏ và báo cáo kinh doanh tích cực của Macy's và Kohl's giúp thúc đẩy lòng tin của các nhà đầu tư.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,64% lên 18.613,52 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,47% lên 2.185,79 điểm; còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,46% lên 5.228,40 điểm. Theo Bespoke Investment Group, đây là lần đầu tiên kể từ ngày 31-12-1999, ba chỉ số đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong cùng một ngày.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của Macy's tăng 17,09%, ghi dấu ngày tăng giá mạnh nhất của doanh nghiệp này trong gần 8 năm qua, nhờ báo cáo doanh thu hằng quý tốt hơn dự kiến. Phiên này, giá cổ phiếu của Kohl's cũng tăng tới 16,17%, nhờ kết quả kinh doanh tích cực. Ngoài ra, số liệu lạc quan từ thị trường lao động Mỹ cũng tạo đà đi lên cho thị trường chứng khoán trong phiên 11-8. Trước đà phục hồi của thị trường chứng khoán từ cuối tháng Sáu, chỉ số S&P 500 đã tăng 7% trong năm 2016, nhờ báo cáo kinh doanh tích cực hàng quý của các doanh nghiệp và môi trường lãi suất thấp.
Ngân hàng Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng năng lực lãnh đạo
Chỉ 1/3 nhân viên hiểu đường hướng mà ban lãnh đạo cấp cao đang dẫn dắt. Hơn 2/3 nhân viên không tin tưởng rằng các nhà quản lý đang tạo ra một văn hóa mở và tin cậy. Đây là biểu hiện của cuộc khủng hoảng năng lực lãnh đạo đang hiện hữu tại hệ thống Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong một bức thư mới được công bố, đại diện hơn 15.000 nhân viên WB cho biết từ trước tới nay, thể chế tài chính đa phương này luôn đề cao các nguyên tắc quản trị tốt, minh bạch, đa dạng, cạnh tranh quốc tế và chọn lựa dựa trên phẩm chất. Tuy nhiên, những nguyên tắc này lại không được áp dụng để chọn lựa các đời Chủ tịch WB trước. Thay vì đó là những thỏa thuận bí mật nhằm đưa các lãnh đạo là nam giới người Mỹ lên đứng đầu thể chế cho vay này.
Trong bức thư, các nhân viên cũng kêu gọi ban lãnh đạo cân nhắc việc tái bổ nhiệm đương kim Chủ tịch Jim Yong Kim, đồng thời cảnh báo về cuộc khủng hoảng khả năng lãnh đạo tại thể chế tài chính này. Bức thư cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành cải cách quá trình tuyển chọn bộ phận lãnh đạo nhằm đảm bảo sự minh bạch. Văn kiện nêu rõ "Thế giới đã thay đổi và chúng ta (WB) cần phải thay đổi với thế giới".
Bức thư được công bố trong bối cảnh có thông tin cho rằng các cuộc thảo luận không chính thức nhằm chọn lựa người lãnh đạo tiếp theo của WB đã được khởi động. Phản ứng về bức thư này, WB cho biết ban giám đốc, đại diện cho 189 nước thành viên, cách đây 5 năm đã thông qua các điều luật nhằm bảo đảm một tiến trình bầu chọn mở và dựa trên năng lực./.
Khảo sát tìm giải pháp cho hàng trăm nghìn sinh viên thất nghiệp  (16/08/2016)
Khai mạc Chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản 2016  (16/08/2016)
Kỷ niệm 69 năm ngày Độc lập nước Cộng hòa Ấn Độ tại Hà Nội  (16/08/2016)
Xuất - nhập khẩu 7 tháng đầu năm và triển vọng 5 tháng cuối năm 2016  (16/08/2016)
Xuất - nhập khẩu 7 tháng đầu năm và triển vọng 5 tháng cuối năm 2016  (16/08/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển