TCCSĐT - Chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9 (02-9-1945 – 2-9-2015), nhiều hoạt động kỷ niệm đã diễn ra sôi nổi trong cả nước.

Hội thảo “Tuyên ngôn độc lập - giá trị dân tộc và thời đại”

“Tuyên ngôn độc lập - giá trị dân tộc và thời đại” là chủ đề của Hội thảo khoa học do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp tổ chức ngày 28-8. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9.

Cách đây 70 năm, với lực lượng cách mạng đã được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, lập ra chính quyền cách mạng trên toàn quốc. Sau khi cách mạng giành được thắng lợi, ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với đồng bào trong nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới.

Với dung lượng 1.021 từ, bản Tuyên ngôn độc lập đã nêu lên những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; đồng thời, lên án đanh thép tội ác của chế độ thực dân, phát xít ở Việt Nam, từ đó khẳng định lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc Việt Nam về quyền được hưởng tự do và độc lập. Tuyên ngôn độc lập là văn kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam và mang giá trị thời đại sâu sắc.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tham luận tập trung vào các chủ đề: Tuyên ngôn độc lập - văn kiện kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; Tuyên ngôn độc lập - văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam mới, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc; Tuyên ngôn độc lập - văn kiện đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc; Tuyên ngôn độc lập - ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và chủ đề Tuyên ngôn độc lập - kết tinh các giá trị nhân văn cao cả của dân tộc và nhân loại.

Các ý kiến cho rằng, Tuyên ngôn độc lập là văn kiện khẳng định và kết tinh giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc từ bao đời; khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Cùng với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam, từ đó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức, mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập khẳng định không phải chỉ thiếu sổ người, mà tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng và được hưởng các quyền thiêng liêng của con người, nhất là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Từ quyền chỉ dành cho một thiểu số trở thành quyền dành cho tất cả mọi người, đó thực sự là một đóng góp quan trọng, một bước tiến lớn về giá trị nhân văn, nhân bản, là sự bổ sung và phát triển tư tưởng của nhân loại về quyền con người. Không chỉ dừng ở đó, trên cơ sở bổ sung và phát triển tư tưởng về quyền con người, Tuyên ngôn độc lập đã tiến tới xác lập quyền của cả một dân tộc, của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Tất cả mọi người trong xã hội đều có quyền bình đẳng, cho nên tất cả các dân tộc cũng đều có quyền bình đẳng. Quyền được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả mọi người, cũng như của tất cả các dân tộc. Đây là một đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc.

Theo các nhà khoa học, ra đời đã 70 năm nhưng Tuyên ngôn độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế. Quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, độc lập, chủ quyền và tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc... vẫn đang là những vấn đề dân tộc Việt Nam và cả loài người hết sức quan tâm. Tuyên ngôn độc lập thực sự là bản tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn. Tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn độc lập vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình củng cố, giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc.

Ngày nay nhân loại đang sống trong thế giới toàn cầu hóa. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài “nhân quyền”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, với bản Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 và nội dung hai bản Công ước quốc tế về nhân quyền năm 1966 cho thấy Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn trong việc thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản và phổ biến của con người, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ quyền con người. Những thành tựu đó là dựa trên những giá trị nhân văn cao cả được kết tinh trong Tuyên ngôn độc lập.

Xuất bản chùm sách kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật giới thiệu tới bạn đọc chùm sách: Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945 - 2015); Việt Nam trên đường phát triển; Bộ Nội vụ - 70 năm xây dựng và phát triển; Bộ Ngoại giao - 70 năm xây dựng và phát triển; Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn; Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam; 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam; Lịch sử Việt Nam giản yếu; Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế - Lịch sử và vấn đề; Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013; Bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cuộc phối ngẫu không tương xứng: Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ và số phận của miền Nam Việt Nam; Việt Nam trên đường phát triển; Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000...

Cuốn sách "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời đại mới. Sách gồm 1.084 trang, tập hợp một số bài phát biểu, bài viết được chọn lọc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2011 đến nay. Nội dung cuốn sách tập trung vào các vấn đề: đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...

Bộ sách "Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam" gồm 5 tập là công trình khoa học nghiên cứu lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam qua các thời đại, từ buổi đầu dựng nước và giữ nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng quân sự Việt Nam được nhìn nhận một cách khách quan, sâu sắc từ thời Hùng Vương - An Dương Vương đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những nội dung quan trọng nổi bật như: tư tưởng kháng chiến vì hòa bình, vì độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ; tư tưởng quyết chiến quyết thắng giặc ngoại xâm; tư tưởng phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc… Đặc biệt, tư tưởng quân sự Việt Nam phát triển rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh, là hạt nhân của đường lối quân sự của Đảng, là cội nguồn chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Những cuốn sách trọng tâm được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Việt Nam là những tài liệu quý về lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, khơi gợi lòng yêu nước và tự hào dân tộc ở mỗi người.

Triển lãm “70 năm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh”

Cùng ngày 28-8, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã phối hợp khai mạc triển lãm “70 năm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đến dự, có đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đông đảo khách mời.

Triển lãm là hoạt động chính trị và văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc giới thiệu quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về “Nhà nước của dân chúng số nhiều”; giới thiệu những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công cuộc xây dựng Nhà nước suốt 70 năm qua, góp phần động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn qu â n ta thêm vững tin vào con đường và mô hình Nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Triển lãm gồm 4 phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong những ngày đầu độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954); Xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975); Xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1975 - 2015).

Với trên 200 ảnh và tài liệu, triển lãm giới thiệu khái quát về sự ra đời của nước Việt Nam mới; việc xây dựng, kiện toàn chính quyền các cấp và hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế và văn hóa, chăm lo đời sống của nhân dân; động viên, đoàn kết toàn dân trong công cuộc bảo vệ nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Triển lãm cũng giới thiệu những thành tựu đã đạt được trong việc tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước ta để thực sự trở thành Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; từng bước tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại phố cổ Hà Nội

Ngày 28-8, triển lãm ảnh “Hà Nội, những năm tháng không thể nào quên” do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Xưa và Nay tổ chức đã khai mạc tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Triển lãm giới thiệu gần 200 bức ảnh về Hà Nội những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cho đến cuối năm 1946. Trong đó, nhiều bức ảnh quý nằm trong bộ sưu tập ảnh Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dùng làm quà tặng các nhà ngoại giao. Những bức ảnh này vừa được các nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp tặng lại cho Việt Nam. Bên cạnh những sự kiện lớn như Tổng khởi nghĩa 19-8, Quốc khánh 0209, triển lãm giúp công chúng hiểu thêm về "những năm tháng không thể nào quên" thông qua những hình ảnh giới thiệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội sau ngày Độc lập, hoạt động của các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời... Triển lãm diễn ra đến hết ngày 02-9.

Dịp này, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với phường Đồng Xuân, phường Hàng Đào tổ chức khánh thành và gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9 cho công trình Trường mầm non Họa Mi và Trường tiểu học Hồng Hà.

Chỉnh trang, gắn biển các di tích cách mạng kháng chiến ở Thủ đô

Ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội cho biết: Trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02-9, Ban thực hiện tu bổ, chỉnh trang, gắn biển nhiều di tích cách mạng kháng chiến và các địa điểm gắn với sự kiện lịch sử cách mạng nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các di tích, địa điểm này.

Cụ thể, công tác tu bổ di tích thực hiện ở nhà 90 Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm), là một trong những cơ sở bí mật của Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Đảng. Đặc biệt, nhà 90 Thợ Nhuộm là nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam viết bản Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Cùng với đó, 4 di tích cách mạng khác cũng được chỉnh trang trong dịp này gồm: nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nhà 5D Hàm Long (quận Hoàn Kiếm), nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam; nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), nơi Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Thượng (quận Tây Hồ), nơi Bác Hồ về ở từ ngày 23 đến ngày 25-8-1945, trước khi vào nội thành để chuẩn bị cho lễ ra mắt Chính phủ lâm thời và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong dịp này, Ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội cũng gắn biển lưu niệm các địa điểm liên quan đến sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến tại hơn 10 điểm gồm: đê Quán Tình (quận Long Biên), điểm tiếp quản giải phóng Thủ đô ở cổng Bảo tàng Không quân, đê 57 (quận Thanh Xuân), nhà cụ Nguyễn Thị An (quận Tây Hồ)… Đây là những nỗ lực của thành phố Hà Nội để di tích cách mạng kháng chiến luôn được giữ gìn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân Thủ đô.

Triển lãm tranh cổ động "70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Ngày 28-8, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức triển lãm tranh cổ động "70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945 – 02-9-2015)". Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9.

Triển lãm giới thiệu 57 tác phẩm của 55 họa sĩ chuyên và không chuyên trên toàn quốc được tuyển chọn từ cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nội dung các tác phẩm được trưng bày đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Triển lãm diễn ra đến ngày 03-9.

Chương trình "Ngày hội độc lập"

Tối 28-8, tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng, 1.300 thanh thiếu niên cùng hát vang Quốc ca. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của chuỗi hoạt động “Ngày hội độc lập” được Thành đoàn Hải Phòng tổ chức chào mừng 70 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9. 

1.300 giọng hát đã đồng thanh cất tiếng hát hào hùng, tự hào về thành phố, về Tổ quốc. Chương trình còn có các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước như: “Thành phố hoa thắp lửa”, “Em là mầm non của Đảng”, “Bác Hồ - người cho em tất cả”, đồng diễn nhảy cộng đồng thanh niên. Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội độc lập”, đoàn viên thanh niên Hải Phòng đã tặng gần 100 suất quà và khám bệnh phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên.

Cùng với chương trình “Ngày hội độc lập”, các đơn vị thuộc Thành đoàn Hải Phòng còn tổ chức các hoạt động khác như ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Tham gia ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, các bạn thanh thiếu nhi, các nhóm hội sẽ mặc áo cờ đỏ sao vàng, thay ảnh đại diện trên facebook bằng hình ảnh cờ Tổ quốc; Tổ chức các điểm vui chơi, các trò chơi dân gian ngoài trời, dạy nhảy điệu dân vũ “Tôi yêu Việt Nam”, “Những trái tim Việt Nam”.

Sáng 29-8, 500 đoàn viên thanh niên sẽ tham gia hiến máu tình nguyện và hàng trăm thiếu nhi tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9./.