Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ nhận định Việt Nam đa dạng về tôn giáo nhưng rất ít xung đột về tôn giáo
TCCSĐT - Việt Nam đa dạng về tôn giáo nhưng rất ít xung đột về tôn giáo - đây là nhận định của Giáo sư Mary Ann Glendon, Ủy viên Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ tại buổi trao đổi với Ban Tôn giáo Chính phủ, chiều 28-8, nhân dịp đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Cảm ơn Ban Tôn giáo Chính phủ đã hỗ trợ đoàn có được chuyến công tác này, Giáo sư Mary Ann Glendon cho biết mặc dù đoàn đã ở Việt Nam gần một tuần nhưng vẫn là thời gian rất ngắn để hiểu một vấn đề rất phức tạp như tự do tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là ở nước đa dạng tôn giáo như Việt Nam. Việt Nam đa dạng về tôn giáo nhưng rất ít xung đột về tôn giáo. Giáo sư Mary Ann Glendon bày tỏ hân hạnh được thực hiện chuyến công tác vào thời điểm quan hệ hai nước có những bước tiến lớn, cả hai bên đều mong muốn tìm hiểu hơn về nhau. Năm 2009, một số ủy viên của Ủy ban đã thực hiện chuyến công tác tại Việt Nam và từ đó đến nay, đã có rất nhiều thay đổi. Đoàn đến Việt Nam với cái nhìn hoàn toàn mới và muốn lắng nghe những chia sẻ về sự thay đổi, tiến bộ trong công tác tôn giáo và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
Bày tỏ vui mừng được đón đoàn đến thăm Ban Tôn giáo Chính phủ, trao đổi những vấn đề liên quan sau khi đoàn đã đi thăm một số địa phương, gặp gỡ với các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - Bùi Thanh Hà, mong muốn đoàn có thời gian lưu lại ở Việt Nam lâu hơn để được tận mắt thấy sinh hoạt tôn giáo, thăm các cơ sở tôn giáo và hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam, để hiểu rõ hơn và có đánh giá chính xác hơn.
Xung quanh những băn khoăn của Giáo sư Mary Ann Glendon về Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - Bùi Thanh Hà cho biết, Luật đã dự thảo đến lần thứ 5, sắp tới sẽ đưa ra Quốc hội lấy ý kiến lần đầu. Theo đúng quy trình, đến tháng 10-2016 Quốc hội mới thông qua. Cho đến khi thông qua Luật, nhiều cuộc trao đổi, hội thảo, nhiều vấn đề tiếp tục được xem xét, bàn bạc, điều chỉnh phù hợp hơn, còn rất nhiều cơ hội để tham gia đóng góp vào Luật này. Nêu lên quy trình làm luật của Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - Bùi Thanh Hà khẳng định quy trình làm Luật rất kỹ, rất chặt chẽ và mất thời gian. Quá trình xây dựng Luật có tổ chức hội thảo với các chức sắc, nhà khoa học, dự thảo Luật được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến toàn dân.
Làm rõ thêm một số nội dung cụ thể, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - Bùi Thanh Hà cho biết dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng căn cứ trên thực tế tôn giáo ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 - Luật gốc của Việt Nam, các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và tham khảo nhiều quy định pháp luật của các nước để có các điểm xem xét quy chiếu sao cho phù hợp. Việt Nam là nước đa dạng về tôn giáo, đứng thứ 3 trên thế giới. Sự đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam rất phong phú, do đó để các văn bản pháp luật bảo đảm được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và các tổ chức là việc làm không đơn giản, sao cho tự do cho tôn giáo hay cộng đồng này không ảnh hưởng đến quyền tự do của tổ chức khác.
Tại buổi trao đổi, các thành viên trong đoàn cũng bày tỏ vui mừng được thăm vào thời điểm Việt Nam có nhiều lễ kỷ niệm lớn. Nhiều câu hỏi của Ủy viên Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đặt ra liên quan đến các quy định của pháp luật về thông báo, đăng ký sinh hoạt tôn giáo, việc thực thi công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của các cán bộ, công chức… đã được Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ giải đáp cụ thể.
* Cũng trong ngày 28-8, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim đã tiếp Giáo sư Mary Ann Glendon.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim đã chia sẻ về tình hình hoạt động của các tôn giáo tại Việt Nam; vai trò của tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, phòng, chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường; cơ sở pháp lý cho các tôn giáo hoạt động; những đóng góp tiêu biểu của các tôn giáo thời gian qua.
Trong khí thế cả nước chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 02-9, đồng chí Vũ Trọng Kim khẳng định: Trong sự tàn khốc của chiến tranh thế giới thứ 2, Việt Nam đã có một thời cơ thuận lợi và cũng nhờ sự tập hợp lực lượng của nhân dân, trong đó có đầy đủ các dân tộc, tôn giáo đều nhất tề đứng lên giành độc lập theo lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay thời kỳ đó, Mặt trận Việt Minh tiền thân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay đã tập hợp đông đảo các thành phần, các tôn giáo khác nhau để tham gia cách mạng. Sau gần 30 năm đất nước đổi mới, Việt Nam hiện có 14 tổ chức tôn giáo chính thống, 41 tổ chức tôn giáo nhánh được Nhà nước công nhận với 22,1 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau; nhiều cơ sở thờ tự, nhiều chức sắc của các tôn giáo đã tham gia vào phát triển, giữ gìn đất nước, nhiều tổ chức tôn giáo đã trở thành thành viên của Mặt trận và có tiếng nói chung “đồng hành cùng dân tộc”. Trên đất nước Việt Nam, từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi đều có người dân tham gia tôn giáo và các cơ sở thờ tự ngày một đẹp hơn, khang trang hơn, thể hiện rõ nét tự do tín ngưỡng tôn giáo. Mỗi tôn giáo của Việt Nam đều có giáo lý, giáo luật nhưng đều hướng vào tiêu chí pháp luật. Việt Nam có pháp lệnh tính ngưỡng tôn giáo mà hiện nay vẫn đang thực hiện.
Đồng chí Vũ Trọng Kim nhấn mạnh: Rất nhiều cơ sở tôn giáo tham gia giáo dục mầm non, chăm sóc y tế, phòng chữa bệnh cho người dân được đăng ký và mở ra một cách tự nhiên. Hiện nay, cả nước có 296 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non được các tôn giáo thành lập với 3.620 phòng học được thiết kế, xây dựng có trang thiết bị đầy đủ để phục vụ cho giáo dục… đã khẳng định sự đóng góp của các tôn giáo đối với sự phát triển của xã hội.
Thay mặt đoàn Ủy ban tự do tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, Giáo sư Mary Ann Glendon cho biết Ủy ban là một cơ quan độc lập với Quốc hội và các ngành khác. Giáo sư Mary Ann Glendon mong muốn qua chuyến thăm, Việt Nam và Hoa Kỳ có thêm cơ hội để hiểu nhau, cơ hội để trở thành đối tác của nhau trong lĩnh vực tôn giáo.
Trong khuôn khổ buổi tiếp, các thành viên của đoàn Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ đặt ra nhiều câu hỏi như: điều kiện để các tôn giáo trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyền lợi của các tôn giáo khi tham gia làm thành viên Mặt trận, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tự do tín ngưỡng tôn giáo…/.
Lực lượng Cảnh sát biển đón nhận danh hiệu Anh hùng  (28/08/2015)
Triển khai tốt công tác tổ chức quyết định thành công của Đại hội Đảng  (28/08/2015)
Chủ tịch nước sẽ dự lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến 2 ở Trung Quốc  (28/08/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên