WB: Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi

Trịnh Cường
16:40, ngày 03-12-2014

TCCSĐT - Ngày 03-12-2014, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo, đã có các chỉ số ban đầu cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và đang có dấu hiệu phục hồi.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam bao gồm hai phần, gồm: cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và chuyên đề đánh giá khu vực tài chính Việt Nam.

Báo cáo nhận định, mức tăng trưởng GDP của quý 4-2014 đạt 6,2% (so với cùng kỳ năm ngoái) nâng mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm lên 5,6% so với mức 5,4% năm 2013 là các chỉ dấu sớm về phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chỉ số lạm phát cơ bản hay các tỷ lệ lạm phát khác đều cơ bản ổn định trong năm 2014 ở mức 4,5%. Trong năm 2015, tăng trưởng vẫn giữ được mức 5,6% và lạm phát kiềm chế khoảng 5%. Viễn cảnh khả quan này chủ yếu là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tốt. Điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực cũng giúp cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về rủi ro quốc gia, giúp Chính phủ phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế, huy động được 1 tỷ USD với điều kiện khá hợp lý.

Thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời, tổng chi ngân sách cũng tăng 11,5%, chủ yếu do tăng chi thường xuyên. Mức độ rủi ro nợ của Việt Nam tuy vẫn ở mức thấp, nhưng nợ công gia tăng đang gây ra nhiều quan ngại.

Trong năm 2014, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp mạnh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, dự tính sẽ mang lại hiệu quả trong năm 2015. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 19 về cắt giảm thủ tục và chi phí hành chính, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong các cơ quan hành chính nhà nước. Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ tăng cường quản trị doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Trong đà phục hồi chung của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước có nhiều nét tương phản. Tâm lý kinh doanh trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang được cải thiện, thể hiện trong chỉ số quản lý mua hàng (PMI) ngành chế tạo vượt trên ngưỡng 50 kể từ tháng 9-2013, cho thấy niềm tin của giới doanh nghiệp trong quý 3 năm nay đã đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động vẫn gia tăng.

Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước có tích cực hơn nhưng vẫn chậm so với mục tiêu đề ra. Tuy Chính phủ đã đưa ra quan điểm rõ ràng về cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhưng chưa được triển khai thực hiện một cách nhất quán và quyết liệt.

Trong trung hạn, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam là tương đối tích cực, trong đó GDP sẽ tăng khiêm tốn và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn đứng trước hai rủi ro: Thứ nhất, tiến độ tương đối chậm trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng có thể gây tác động bất lợi với tình hình tài chính vĩ mô; Thứ hai, định hướng xuất khẩu mạnh của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi những diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu.

Báo cáo chuyên đề đánh giá lĩnh vực tài chính Việt Nam đã tóm tắt các kết quả của Chương trình đánh giá lĩnh vực tài chính, đồng thời đưa ra một khuôn khổ toàn diện cho việc xác định các yếu kém của hệ thống tài chính. Báo cáo nhận định, hiệu quả hoạt động kém của khu vực tài chính là do một loạt phức hợp các vấn đề về thể chế và quy định pháp lý. Các cơ quan chức năng trung ương và địa phương vẫn còn can thiệp vào các quyết định về đầu tư và tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại nhà nước; cơ cấu quản trị của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước chưa phù hợp và năng lực quản trị rủi ro còn yếu; một số ngân hàng thương mại cổ phần có hoạt động tín dụng với khách hàng có quan hệ; kết cấu hạ tầng tài chính còn yếu kém, các tiêu chuẩn báo cáo tài chính còn bất cập; việc quản lý và giám sát đối với khu vực tài chính còn nhiều lỗ hổng.

Báo cáo đã đề xuất đẩy nhanh chương trình cải cách của Chính phủ với mục tiêu là giải quyết những thách thức cơ bản trong ngành tài chính theo 3 giai đoạn gồm: đáp ứng các điều kiện tiên quyết để thực hiện cải cách thành công; phát động các hợp phần trong chương trình cải cách; củng cố chương trình cải cách.

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo, bà V. Ka-oa (Victoria Kwakwa), Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Tiềm năng để kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng - những vấn đề hiện đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Do vậy, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới”./.