Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trở thành chủ đề nóng khi các vòng đàm phán sắp kết thúc và tạo ra một “cơn sốt” hội nhập mới.

TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng đi kèm đó cũng là những thách thức không nhỏ. Việc đàm phán để đạt được những cam kết vừa phù hợp với yêu cầu của TPP, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế vốn đã khó, song việc thực hiện các cam kết sao cho hiệu quả nhất lại càng khó hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cũng đang chủ động, sẵn sàng cho sự kiện này.

Nhiều cơ hội mới


Tham gia vào Hiệp định TPP, với nhiều nước thành viên là cường quốc thương mại thế giới, sẽ giúp Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế ở các thị trường truyền thống và tiếp cận thị trường mới nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, thông qua Hiệp định TPP, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn khi xúc tiến hàng hóa sang thị trường các nước đối tác khác.

Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá mục tiêu lớn về xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ được khơi thông, mở rộng vào các nước thành viên Hiệp định TPP (trừ một số nhóm mặt hàng có quy định lộ trình).

Đặc biệt, các mặt hàng dệt may, giày da, đồ gỗ... của Việt Nam dễ dàng xâm nhập vào các thị trường xuất khẩu khi thuế suất bằng 0%. Riêng thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã đạt 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% kim ngạch nhập khẩu, với việc gia nhập TPP, kim ngạch này cũng có điều kiện tăng nhanh hơn.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012, Việt Nam có gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt hơn 16,34 tỷ USD và năm 2013 số vốn này ước đạt hơn 21,62 tỷ USD, trong đó, dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Mỹ, Canada... Từ đó cho thấy, những năm gần đây, hoạt động đầu tư vào Việt Nam của các quốc gia tham gia TPP chiếm gần 50% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng Hiệp định TPP với nguyên tắc tự do trong hoạt động đầu tư sẽ tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; đồng thời tái đầu tư, mở rộng đối với lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải...

Ngoài ra, Hiệp định TPP mang đến cho Việt Nam cơ hội hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với yêu cầu, cam kết hướng đến môi trường pháp lý minh bạch, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chương trình xây dựng và sửa đổi một số luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu... những nguyên tắc cam kết trong Hiệp định TPP còn góp phần quan trọng vào quá trình này. Thông qua đó, Việt Nam không chỉ hấp dẫn đầu tư, kinh doanh mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù là nguồn vốn trong nước hay nước ngoài.

Đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao mang lại lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý. Sự gia tăng vai trò của các nhà đầu tư quốc tế có thể góp phần phát triển các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Thách thức cũng không nhỏ

Một số chuyên gia cho rằng, tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực, nhưng không có nghĩa đúng với mọi ngành và tất cả doanh nghiệp.

Tiến sỹ Trương Minh Sâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, những mặt yếu của Việt Nam qua thử thách tự do hóa thương mại trong Hiệp định TPP có thể kể đến gồm trở ngại về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa, kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn, khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa... Mặc dù, Việt Nam đang chủ động đầu tư và kêu gọi đầu tư nội địa để xây dựng các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện cho sản xuất công nghiệp nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm công nghiệp ở Việt Nam còn khá thấp.

Việt Nam phải mở cửa mạnh hơn nên cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, khi doanh nghiệp nội địa không đủ năng lực cạnh tranh thì nguy cơ bị đào thải là tất yếu, đặc biệt đối với những ngành vốn được bảo hộ cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cũng có thể vấp phải không ít rào cản. Cụ thể để được áp thuế suất 0% của các nước thành viên nhập khẩu, ngành hàng dệt may phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ theo tỷ lệ đầu vào kể từ khâu sợi.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, để chuẩn bị tốt cho việc thực thi Hiệp định TPP, doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực cân đối chiến lược, thực hiện liên kết chuỗi, đầu tư phát triển phù hợp với xu hướng chung của thương mại tự do. Đồng thời, các đơn vị xuất nhập khẩu nên xây dựng, củng cố cơ sở dữ liệu và lưu trữ hồ sơ chứng từ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Văn Đức Mười nhấn mạnh, so sánh với một số quốc gia thành viên Hiệp định TPP, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được xem là có thế mạnh và năng lực xuất khẩu, nhưng hiện nay nền nông nghiệp của Việt Nam chưa phát triển bền vững nên khó tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế quan để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nông sản là một trong những lĩnh vực khó đàm phán do các quốc gia có xu thế bảo hộ mạnh, dẫn đến rào cản kỹ thuật khắt khe. Vì vậy, cần có những cam kết phù hợp trong việc áp dụng các quy định nhằm tạo nền tảng cho các mặt hàng nông sản Việt Nam phát huy thế mạnh cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người nông dân trong quá trình hội nhập.

Hiệp định TPP sẽ hình thành khu vực kinh tế với hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. TPP là hiệp định khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư với phạm vi rộng nhất, bao gồm cả thương mại truyền thống, thương mại mới với những thách thức của thế kỷ 21.

Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng, cam kết và thực thi cam kết trong Hiệp định TPP tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển. Hiệp định TPP thực sự vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đòi hỏi sự chủ động tham gia và phối hợp của nhiều bên, gồm Chính phủ, bộ ngành, địa phương cùng các hiệp hội, doanh nghiệp.../.