Trà Vinh: Tạo bước phát triển mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn khởi sắc
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư thực hiện 93 dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, 17 dự án phục vụ nuôi trồng thủy sản; hoàn thành đưa vào sử dụng 2.356 công trình thủy lợi nội đồng, góp phần nâng tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới tiêu nước chủ động lên trên 85% diện tích (tăng hơn 7% so với năm 2008), bảo đảm nguồn nước cho 6.000 ha đất nuôi thủy sản. Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm được nhiệm vụ kiểm soát mặn, giữ ngọt, tháo chua, rửa phèn, bảo vệ sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp 5 năm qua của Trà Vinh phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 7,76%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2012 là 15 triệu đồng/năm; năm 2013 ước đạt 16,5 triệu đồng/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã giảm từ 23,69% năm 2008 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 18,39% năm 2012 (theo tiêu chí mới), ước tính đến cuối năm 2013 giảm còn 15,84%. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ước đến cuối năm 2013 chiếm 33%, tăng 11,63% so với năm 2008. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên ước đến cuối năm 2013 chiếm 98,2%, tăng 3% so với năm 2008.
Về giao thông nông thôn, 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 1.273 km đường và 382 cầu; duy tu, bảo dưỡng 228 km đường tỉnh, 454 km đường huyện và 4.670 m cầu. Đến nay, hầu hết các đường tỉnh lộ đều đạt tiêu chuẩn cấp IV và các đường hương lộ đều đạt tiêu chuẩn cấp VI đồng bằng; các tuyến giao thông nông thôn từng bước đưa vào cấp hạng kỹ thuật theo tiêu chí nông thôn mới; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Nhìn chung, mạng lưới đường giao thông nông thôn trong tỉnh cơ bản phủ kín địa bàn, tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Trà Vinh cũng đã đầu tư thực hiện 105 công trình điện nông thôn, với tổng vốn đầu tư 328,7 tỷ đồng; kéo điện, lắp đặt điện kế mới cho 38.590 hộ dân. Đến nay, 100% xã có điện lưới quốc gia, 97,64% số hộ có điện sử dụng. Từ năm 2008 - 2012, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo 15 chợ, nâng tổng số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh lên 99 chợ, trong đó có 48 chợ được xây dựng kiên cố, 20 chợ bán kiên cố, góp phần đáng kể cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa nông sản ở nông thôn. Trong lĩnh vực giáo dục, đến nay toàn tỉnh có 646 điểm trường và 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, với 6.254 phòng học, trong đó có 80% số phòng học đã được kiên cố hóa. Trong lĩnh vực y tế, tỉnh đã xây dựng, nâng cấp, cải tạo 49 trạm y tế, đến nay có 57/85 xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Nhiều cơ sở vật chất văn hóa và khu thể thao nông thôn được quan tâm đầu tư thiết bị; phát triển 612 trạm thu phát sóng thông tin di động, với kinh phí lắp đặt trên 734 tỷ đồng, đến nay mạng lưới viễn thông đã phủ 100% ấp, khóm; 100% số xã đạt tiêu chí về bưu điện.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn không ngừng được đầu tư xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn từng bước được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững; dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy. Ý thức trong cộng đồng cư dân nông thôn được nâng lên khá toàn diện, đại đa số tin tưởng vào chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn; từ đó chủ động góp phần cùng chính quyền địa phương và cộng đồng xây dựng nông thôn phát triển vững mạnh.
Một số hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), Trà Vinh còn có một số tồn tại, hạn chế. Đó là:
Sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng chưa nhiều; tỷ lệ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt thấp.
Việc chuyển đổi cơ cấu và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm, thiếu tính đột phá, phổ biến vẫn là sản xuất với quy mô nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng một số loại nông sản đạt thấp; nhiều mặt hàng nông, thủy sản chưa có tính cạnh tranh cao, chưa đứng vững trên thị trường.
Trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi ngành chăn nuôi và hoạt động dịch vụ chiếm tỷ trọng không đáng kể. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ. Cơ cấu lao động nông thôn chủ yếu là thuần nông; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ phát triển chưa tương xứng, chưa giải quyết tốt việc tạo việc làm để tăng thu nhập.
Các hình thức tổ chức sản xuất đổi mới chậm, chưa đủ sức phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế hộ vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong nông nghiệp. Trang trại là hình thức sản xuất kinh tế có hiệu quả, nhưng chưa được đầu tư đồng bộ. Một số hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động yếu kém nhưng chậm được củng cố. Các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít nên nguồn lực cho phát triển còn hạn chế.
Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, nhất là mạng lưới thủy lợi một số nơi thiếu đồng bộ đã hạn chế hiệu quả hoạt động của các công trình lớn do Trung ương đầu tư; đường giao thông nông thôn có nơi chất lượng thấp, việc duy tu bảo dưỡng kém nên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng,…
Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn tuy được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với nhiều địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; một số vấn đề xã hội bức xúc vẫn chưa được giải quyết tốt.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên do những nguyên nhân sau:
- Nông nghiệp và nông thôn của tỉnh có xuất phát điểm rất thấp; tư duy và nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa sát thực tiễn.
- Sự gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trong đầu tư sản xuất, giải quyết đầu ra sản phẩm còn hạn chế. Việc đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ đầu tư ngày càng giảm.
Mục tiêu, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Tỉnh ủy đã đề ra một số mục tiêu, nhiệm vu và giải pháp thực hiện Nghị quyết đến năm 2015. Đó là: tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn; tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các công ty cổ phần trong nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt ở các xã thuộc Chương trình 135 và các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tăng cường công tác an ninh quốc phòng, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2014 - 2015:
- Hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển thủy sản và quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan tới nông nghiệp, nông thôn trong năm 2013.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản và phát triển chăn nuôi tập trung; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông, ngư dân; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn. Bảo đảm tiến độ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai. Khống chế, dập tắt kịp thời các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với cây trồng, vật nuôi.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn nông thôn, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; xem đây là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
- Quan tâm giải quyết, khắc phục những vấn đề bức xúc ở nông thôn, trước hết là những tồn tại liên quan tới vấn đề thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, tái định cư, giải quyết việc làm cho nông dân bị mất đất.
- Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện. Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể chính trị - xã hội và của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
- Quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng nông thôn giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan môi trường, vững mạnh về quốc phòng an ninh.
- Tiếp tục củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ trong nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ, kiên quyết các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị, nhất là trong các cơ quan Nhà nước; khắc phục những yếu kém, trì trệ trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Một số kiến nghị:
Tỉnh Trà Vinh cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết một số vấn đề bức xúc của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể:
- Xem xét tăng nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cho địa phương, đặc biệt là đối với tỉnh nghèo như Trà Vinh. Sớm phê duyệt Chương trình hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn II; thực hiện rộng rãi chính sách thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp và đối tác kinh tế khác; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 63/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản.
- Ưu tiên cho tỉnh Trà Vinh tham gia các dự án đầu tư, hỗ trợ về lĩnh vực y tế của các tổ chức quốc tế; hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng và cung cấp trang thiết bị y tế cộng đồng.
- Phân bổ vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục cho Trà Vinh; có sự thống nhất trong ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
- Có chính sách, định mức chi tiêu riêng, đặc thù đối với hoạt động khoa học - công nghệ; hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất và năng lực cán bộ các trung tâm nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.
Đồng chí Tô Huy Rứa tiếp nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yu-ki-ô Ha-tô-ya-ma  (31/10/2013)
Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Ăng-gô-la  (31/10/2013)
Kỳ họp thứ VI Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Ăng-gô-la  (31/10/2013)
Quốc hội nghe báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện và chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh  (31/10/2013)
"Tiềm năng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản còn rất lớn"  (31/10/2013)
"Mỹ sẵn sàng giúp lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam"  (31/10/2013)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên