Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2006 và triển vọng 2007
Năm 2006 tình hình chính trị - xã hội nước ta tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh. Với việc triển khai các luật mới, thủ tục đầu tư được đơn giản hóa, thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng và minh bạch. Nhờ đó, hoạt động đầu tư nước ngoài đã gia tăng đáng kể và năm 2006 vốn đăng ký đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2006 cả nước thu hút được gần 10 tỉ USD vốn đăng ký mới, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có khoảng 800 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký trên 7,6 tỉ USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước và 490 lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất với số vốn tăng thêm khoảng 2,4 tỉ USD. Quy mô vốn đầu tư trung bình cho một dự án trong năm 2006 đạt 9,4 triệu USD/dự án, điều này chứng tỏ số lượng dự án có quy mô lớn đã tăng lên.
Bức tranh về đầu tư nước ngoài ở nước ta trong năm 2006 có màu sắc phong phú hơn với sự xuất hiện của một số dự án mới có quy mô lớn từ các tập đoàn xuyên quốc gia Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, như dự án của Công ty thép Posco có vốn đầu tư 1,126 tỉ USD, dự án của Tập đoàn Intel với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD, dự án của Tập đoàn Tycoons với tổng vốn đầu tư 556 triệu USD, dự án Tây Hồ Tây vốn đầu tư 314,1 triệu USD, dự án Winvest Investment với vốn đầu tư 300 triệu USD... Nhiều dự án được cấp phép đã tích cực triển khai thực hiện như các nhà máy của Công ty Hoya Glass Disle, Canon, Matsushita, Brothers Industries, Honda… Ước tính vốn thực hiện trong năm 2006 đạt khoảng 4,1 tỉ USD, tăng 24,2% so với năm 2005.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khả quan. Doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong năm 2006 đạt 29,4 tỉ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá trị xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt 14,6 tỉ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ. Nếu tính cả dầu thô thì giá trị xuất khẩu năm 2006 đạt 22,6 tỉ USD, chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,5%, cao hơn mức tăng sản xuất công nghiệp bình quân của cả nước (18,5%). Nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong năm 2006 đạt 16,35 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm 2005. Trong năm 2006, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nộp ngân sách nhà nước đạt 1,26 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ và tạo việc làm cho trên 1,12 triệu lao động trực tiếp, chưa kể hàng triệu lao động gián tiếp khác.
Thời gian gần đây, có nhiều yếu tố để đưa ra nhận định về khả năng xuất hiện một làn sóng đầu tư mới của nước ngoài vào Việt Nam. Làn sóng này dường như âm ỉ từ sau các động thái khi Việt Nam đàm phán vòng cuối để gia nhập WTO, khi các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ gửi các đoàn vào Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh để tìm kiếm cơ hội đầu tư ... Rồi hàng loạt các sự kiện diễn ra tại Việt Nam trong năm 2006 đã góp phần làm nổi lên làn sóng đầu tư mà đỉnh cao là vốn đăng ký và vốn thực hiện của năm 2006 đều đạt mức đỉnh điểm kể từ khi nước ta thực thi Luật Đầu tư. Rõ ràng nước ta đang đứng trước những cơ hội mới và cả những thách thức để có thể thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn FDI, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về các yếu tố thuận lợi: Nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích về xu hướng chuyển dịch đầu tư của các công ty xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực theo mô hình "Trung Quốc + 1" nhằm phân tán rủi ro và khai thác tối đa những lợi thế của cả khu vực về mặt thị trường, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên... Việt Nam được đánh giá là một trong những "ứng cử viên" sáng giá được nhiều tập đoàn lớn quan tâm do có sự ổn định về chính trị, nguồn nhân lực dồi dào và tương đối có kỹ năng, có nguồn tài nguyên đa dạng và thị trường tiềm năng với hơn 80 triệu dân đang được kết nối với thị trường hơn 500 triệu dân của ASEAN.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2006 với mức tăng GDP trên 8,2%. Giá trị xuất khẩu đạt trên 39,6 tỉ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,2% kể cả dầu thô (trừ dầu thô đạt 35,6%). Số lượng mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD đã tăng lên so với năm 2005 (gồm: dầu thô, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, gạo, cao su). Cơ cấu kinh tế đã có chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa.
Trong năm 2006 vị thế của nước ta trên thế giới tiếp tục nâng cao hơn sau khi trở thành thành viên thứ 150 của WTO, tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14 và được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR. Bên cạnh đó là việc triển khai các luật mới và thủ tục đầu tư được đơn giản hóa. Các yếu tố trên không chỉ mở ra triển vọng và động lực mới cho đầu tư của các thành phần kinh tế mà còn củng cố và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.
Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, kinh doanh của nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thông thoáng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng là yếu tố quan trọng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Đặc biệt, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cùng với Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và một số luật khác được ban hành và có hiệu lực trong năm 2006 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá kinh tế thị trường và đường lối mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Chính sách đổi mới, thể chế kinh tế thị trường đang được hoàn thiện, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm đang là những yếu tố tạo lòng tin cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, quan hệ chính trị giữa Việt Nam với hầu hết các nước đang diễn biến theo chiều hướng tích cực cũng là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế, đầu tư.
Những yếu tố trên cùng với nỗ lực nhằm nâng cấp kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, tăng cường chống tham nhũng đang tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của nước ngoài vào nước ta.
Về các yếu tố không thuận lợi: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 đánh dấu sự tiến bộ về môi trường pháp lý đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện 2 luật này trong giai đoạn đầu khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc do có nhiều quy định mới đòi hỏi phải được hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, việc phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy và nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư của các địa phương để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Tuy trong thời gian qua kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nước ta đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng thiếu vốn bảo dưỡng và duy trì, vẫn thuộc diện kém phát triển, còn nhiều bất cập, kém hấp dẫn hơn so với nhiều nước trong khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Tình trạng quá tải, gây ách tắc giao thông; nguy cơ quá tải của hệ thống mạng thông tin viễn thông, cảng biển và cấp - thoát nước đã và đang ảnh hưởng, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cải cách hành chính tuy đang được đẩy mạnh song chưa đạt kết quả mong muốn. Khâu quy hoạch, xây dựng và công bố danh mục dự án thu hút đầu tư nước ngoài còn chậm và nhiều bất cập. Tình trạng khan hiếm lao động có trình độ tay nghề cao và cán bộ quản lý đang có chiều hướng gia tăng là cản trở lớn đối với việc thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng kỹ thuật cao.
Chi phí sản xuất gia tăng do giá cả một số mặt hàng, nhất là giá nhiên liệu tăng đáng kể, chi phí tiền lương tăng sau khi nâng mức lương tối thiểu... đang gây khó khăn cho nhà đầu tư và có nguy cơ làm giảm sự hấp dẫn đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cạnh tranh thu hutt vốn FDI giữa các nước trong khu vực ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nước ta; đồng thời, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, sâu rộng hơn trên bình diện quốc gia, giữa sản phẩm của ta với sản phẩm các nước do thuế nhập khẩu cắt giảm từ mức trung bình 17,4% hiện nay xuống 13,4% trong vòng từ 3 đến 4 năm tới. Cùng với việc gia tăng sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ dẫn đến ngừng triển khai dự án hoặc rơi vào tình trạng phá sản. Mặt khác, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về Luật Lao động chưa tốt, tiềm ẩn tình trạng đình công bất hợp pháp tại một số doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, cần phải nâng cao nhận thức về những thách thức nảy sinh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với cả cơ quan quản lý các cấp lẫn các doanh nghiệp và người lao động, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO.
Xu hướng gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm tới. Trong 5 năm (2006 - 2010), vốn cấp mới sẽ có thể đạt trên 30 tỉ USD, bình quân mỗi năm khoảng trên 6 tỉ USD; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt khoảng 24 - 25 tỉ USD, bình quân gần 5 tỉ USD/năm. Cơ cấu đầu tư phân theo đối tác sẽ có sự chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng đầu tư từ các nước công nghiệp phát triển, nhất là từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp sẽ tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Một số dự án quy mô lớn đang đàm phán sẽ được thực thi.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng môi trường đầu tư của nước ta và các yếu tố mới có tác động đến hoạt động đầu tư nước ngoài, kể cả yếu tố thuận lợi và bất lợi, có thể dự báo tình hình FDI năm 2007 như sau:
- Vốn thực hiện đạt 4,2 - 4,5 tỉ USD, tăng 24% so với năm 2006;
- Cơ cấu ngành: công nghiệp - xây dựng khoảng 60%, nông - lâm -ngư nghiệp 6% và dịch vụ 34%;
- Doanh thu xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 17 tỉ USD (tăng 23% so với năm 2006), nhập khẩu 19 tỉ USD (tăng 16,5 % so với năm 2006).
- Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tuyển dụng thêm 24 vạn lao động trực tiếp, đưa tổng số lao động trong khu vực đầu tư nước ngoài lũy kế đến cuối năm 2007 lên 1,4 triệu người;
- Vốn cấp mới đạt 6,8 tỉ USD, (tăng 5% so với năm 2006) trong đó vốn đầu tư cấp mới đạt khoảng 5 tỉ USD, số còn lại là vốn tăng thêm.
Để tranh thủ cơ hội thuận lợi nhằm tạo một làn sóng đầu tư mới, đòi hỏi phải có những giải pháp thích hợp nhằm khắc phục khó khăn, trở ngại, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Các chính sách mới phải đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; các dự án nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng; dự án quan trọng có quy mô lớn; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; phát triển ngành nghề truyền thống và những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác cần khuyến khích.
Ngoài ra, cần tiếp tục tập trung thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) theo cả hai hướng: thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu; tạo điều kiện để một số TNCs xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển, vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Nghiên cứu để có các giải pháp thu hút đầu tư thích hợp đối với TNCs của các nước phát triển, trước hết là Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU.
Bên cạnh đó cần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005. Ngoài các Nghị định hướng dẫn đã được ban hành, cần tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn còn thiếu và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế, chính sách ưu đãi đầu tư và các chính sách khác nhằm khuyến khích hơn nữa đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên. Rà soát và có chương trình triển khai đầy đủ, theo đúng tiến độ các cam kết hội nhập liên quan đến mở cửa thị trường; công bố các cam kết của nước ta với các nước trong các Hiệp định song phương và đa phương để tạo sự minh bạch về các lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Về thủ tục hành chính, nhất thiết phải minh bạch hóa quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài; tăng cường thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư; rà soát các vướng mắc về thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực, các cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, các thủ tục liên quan tới triển khai dự án đầu tư như thủ tục về đất đai, xuất nhập khẩu, cấp dấu, xử lý tranh chấp... Đồng thời, cần quan tâm xử lý dứt điểm các vướng mắc trong quá trình cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và các vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Về kết cấu hạ tầng, phải tiếp tục tập trung sức nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, trước mắt giải quyết tốt vấn đề nhu cầu năng lượng cho các nhà đầu tư, bảo đảm trong mọi trường hợp không để xảy ra tình trạng thiếu điện đối với cơ sở sản xuất. Có cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có các nhà máy điện độc lập, các công trình giao thông, cảng biển...
Về xúc tiến đầu tư, công bố Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010 và chuẩn bị các tài liệu đầu tư làm cơ sở tiến hành vận động đầu tư theo các phương thức mới, nhằm vào các tập đoàn lớn và các dự án trọng điểm. Chủ động tiếp cận và hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam; chuẩn bị để sớm đặt thêm các văn phòng đại diện xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài.
Nếu các giải pháp cơ bản nói trên được thực hiện nhất quán với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương thì triển vọng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ rất sáng sủa, mặc dù phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức.
Nhìn lại thế giới năm 2006  (15/01/2007)
Những xu hướng lớn của thế giới trong 20 năm tới  (15/01/2007)
Ba mươi nhăm năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ  (15/01/2007)
Về xã hội thông tin và xã hội tri thức hiện nay  (15/01/2007)
Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2006 và triển vọng năm 2007  (15/01/2007)
Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh trước nhiệm vụ chính trị năm 2007  (15/01/2007)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên