TCCSĐT - Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, cân đối vĩ mô của nền kinh tế nhìn chung được duy trì ổn định, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để nền kinh tế phát triển bền vững.

Diễn biến CPI tháng 8 là phù hợp quy luật thị trường

Diễn biến CPI tháng 8 được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận là phù hợp quy luật thị trường khi tháng 8 thường là tháng có CPI tăng thấp. Nếu như CPI tháng 7 bất ngờ tăng cao (1,17%), chủ yếu do một số mặt hàng thực phẩm tăng giá đột biến thì tháng 8, nhóm hàng thực phẩm này vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng giá đã chậm lại, chỉ tăng ở mức 1,55%, thấp hơn mức tăng 3,2% trong tháng 7. Tương tự, CPI của nhóm lương thực và nhóm ăn uống ngoài gia đình cũng tăng thấp hơn so với mức tăng của tháng 7 (tăng 0,46% và 1,59%), khiến CPI chung của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8 chỉ tăng 1,35%, trong khi tháng 7 nhóm hàng này tăng tới 2,12%. Ðây chính là một trong những nguyên nhân khiến CPI nói chung của tháng 8 tăng thấp bởi nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI. Như vậy, sau nửa năm tích cực và quyết liệt triển khai Nghị quyết số 11 về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, CPI tháng 8 đã lần đầu tiên về dưới mức tăng 1%.

CPI của tháng 8 đã tăng chậm lại là tín hiệu đáng mừng nhưng chúng ta không thể chủ quan bởi nếu so với tháng 12-2010 thì CPI đã tăng tới 15,68% và so với cùng kỳ năm trước CPI tăng tới 23,02%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, xu thế CPI tăng chậm lại sẽ được duy trì nếu tiếp tục kiên trì và quyết liệt thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Ðặc biệt là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Ðây là thời điểm các chính sách này bắt đầu phát huy hiệu quả (sau sáu tháng thực hiện) nên không thể nới nỏng chính sách tiền tệ, nếu nới lỏng, lạm phát sẽ quay trở lại. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung thực hiện giải pháp ổn định cân đối cung - cầu hàng hóa để tránh tình trạng thiếu hàng, "sốt" giá.

Tuy nhiên, nhìn lại một năm, chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ vẫn liên tục gia tốc tháng sau cao hơn tháng trước. Tính từ thời điểm tháng 8-2010 đến nay, đã tăng thêm được xấp xỉ 15 điểm phần trăm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng thấp nhất (0,68%) trong vòng 12 tháng qua. Rõ ràng, lạm phát tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã được kiềm chế khá tốt. Đây được coi là điểm sáng trong bối cảnh chung vẫn còn nhiều lo ngại. Còn CPI tháng 8 tại Hà Nội vẫn khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại khi vẫn đạt mức đỉnh của các tháng 8 trong vòng 3 năm qua

Kinh tế - xã hội 8 tháng - những nét cơ bản

Theo ước tính của các cơ quan chức năng và các chuyên gia, một số ngành, lĩnh vực có tốc độ tăng cao nhưng cũng có những ngành, lĩnh vực giảm so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành, lĩnh vực có tốc độ tăng khá:

- Tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt tốc độ khá, có những ngành, lĩnh vực còn có xu hướng cao lên. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng tới 18,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa tốc độ tăng chung trong 8 tháng lên cao hơn tốc độ tăng của 7 tháng (17,1% so với 17%). Trong đó, khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn dẫn đầu tốc độ tăng.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao. Trong tháng 8 có 97 dự án mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đăng ký đạt 733 triệu USD. Tính chung 8 tháng có 814 dự án mới với số vốn đăng ký đạt 7,1 tỉ USD, tăng 64,6% so với cùng kỳ. Đây là lĩnh vực có tốc độ tăng hiếm thấy so với cùng kỳ từ năm 1988 tới nay và cũng là tốc độ tăng mà không có ngành, lĩnh vực nào đạt được trong 8 tháng qua. Nếu kể cả 247 lượt dự án cũ tăng vốn khoảng trên 1,2 tỉ USD thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt trên 8,3 tỉ USD, tăng tới 39,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ trọng đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp - xây dựng vẫn đạt cao nhất. Lượng vốn đầu tư vào các vùng trước nay vẫn khó thu hút đầu tư như Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Tây Ninh, Thái Bình, Hà Nam... cũng tăng.

Các ngành, lĩnh vực còn khó khăn:

- Khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước và tăng thấp hơn mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do thiên tai, dịch bệnh gây tác động không tốt đến trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Nhập siêu là vấn đề lớn hiện nay. Do nhập khẩu lớn hơn và tăng cao hơn so với xuất khẩu, nên nhập siêu đã gia tăng cả về kim ngạch tuyệt đối (6,4 tỉ USD so với 2,8 tỉ USD, tức là cao gấp gần 2,3 lần), cả về tỷ lệ nhập siêu (20,5% so với 12,1%). Mới qua 8 tháng, nhưng mức nhập siêu của Việt Nam đã cao hơn mức nhập siêu trong cả năm từ trước tới nay và khả năng cả năm có thể vượt qua mốc 9 tỉ USD.

Dự báo những yếu tố gây tăng giá cuối năm

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ nay đến hết năm, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều yếu tố gây sức ép làm tăng giá. Cụ thể:

- Giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, cùng với tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng tại nhiều nước sẽ gây tình trạng tăng giá lan tỏa của hàng hóa qua biên giới.

- Nguồn cung thực phẩm chưa thể nhanh chóng phục hồi do cần có độ trễ nhất định để tái sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng cao cũng đang hạn chế người dân tái phục hồi sản xuất, mở rộng chăn nuôi.

- Lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức cao, tỷ giá sau một thời gian ổn định có thể tăng nhẹ vào cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng.

- Tháng 10, Nhà nước thực hiện tăng lương cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo quy luật hằng năm, những tháng cuối năm, giá cả thường tăng lên theo nhu cầu thị trường. Chưa kể giá cả trên thị trường thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ tới giá cả trong nước...

- Việc thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa chắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô có thể gây ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu tăng trưởng, việc làm của dân cư; tuy nhiên, nếu sự thắt chặt đó nếu được nới lỏng từng bước lại rất dễ trở thành căn nguyên để đẩy giá cả trong nước tăng lên khi tương quan và cân đối cung - cầu chưa được duy trì ổn định và bền vững./.


Biểu đồ diễn biến CPI so với tháng trước trong hai năm 2011 và 2008