Nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp

PGS. TS Vũ Văn Phúc Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
21:02, ngày 28-08-2011

TCCSĐT - Từ khi đổi mới (năm 1986), thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, chủ động hội nhập quốc tế, doanh nghiệp ở nước ta ra đời ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại; công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp cũng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng trân trọng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức Đảng còn nhiều, số tổ chức Đảng đã có thì không ít nơi hiệu quả hoạt động hạn chế. Do vậy, tìm giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của công tác xây dựng Đảng.

Doanh nghiệp thời hội nhập và các loại hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến cuối năm 2010, cả nước có 544.394 doanh nghiệp đăng ký, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 500.000 doanh nghiệp vào thời điểm này. Tuy nhiên, mặc dù số lượng đăng ký tăng nhanh nhưng số lượng hoạt động thực tế lại thấp hơn nhiều, thường chỉ bằng một nửa số đăng ký. Như vậy, có thể ước tính, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động vào thời điểm cuối năm 2010 là khoảng 250.000.

Theo Quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở do Ban Bí thư Trung ương khóa IX, X ban hành thì tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ở nước ta hiện nay được chia thành 5 loại cơ bản, có cơ cấu và số lượng đảng viên như sau:

- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), có 4.732 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 206 đảng bộ bộ phận, 13.846 chi bộ trực thuộc, với 199.864 đảng viên.

- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, có 4.307 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 191 đảng bộ bộ phận, 10.558 chi bộ trực thuộc, với 163.004 đảng viên.

- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài có 202 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 4 đảng bộ bộ phận, 346 chi bộ trực thuộc, với 6.355 đảng viên.

- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là doanh nghiệp tư nhân), có 1.591 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 24 đảng bộ bộ phận, 1.486 chi bộ trực thuộc (chiếm 1,8% tổng số doanh nghiệp), với 34.185 đảng viên.

- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có 207 đảng bộ, chi bộ cơ sở, 222 chi bộ trực thuộc, với 5.442 đảng viên.

Ngoài ra, trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có 74 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 175 chi bộ trực thuộc, với 1.136 đảng viên.

Tính đến 31-12-2010, trong 10.991 tổ chức cơ sở Đảng ở các loại hình doanh nghiệp, có 425 đảng bộ bộ phận, 26.533 chi bộ trực thuộc, với 409.806 đảng viên. So với tổng số tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên của toàn Đảng thì tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp chiếm 19,56%  (10.991/56.195); đảng viên trong các doanh nghiệp chiếm 11,07% (409.806/3.700.542). Hiện còn 155 doanh nghiệp nhà nước chưa có tổ chức Đảng, chiếm 3,1%; số doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa có tổ chức Đảng là 118, chiếm 2,4%. Doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức Đảng chiếm 87,6%.

Như vậy, số doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng chiếm một tỷ lệ lớn trong các loại hình doanh nghiệp hiện có ở nước ta hiện nay.

 Sự hướng dẫn, chỉ đạo của Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp

Trong những năm qua, để tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả, nền nếp, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp. Để triển khai thực hiện, Ban Tổ chức Trung ương đã có nhiều văn bản cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, trong đó, có các loại hình tổ chức Đảng ở doanh nghiệp. Trong năm 2010-2011, Ban Tổ chức Trung ương đã và đang triển khai một loạt nội dung về công tác xây dựng Đảng, trong đó có: Hướng dẫn về xây dựng mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở Đảng; Kế hoạch tổng kết sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số loại hình cơ sở Đảng... Đây là những định hướng lớn, và là căn cứ quan trọng, cơ bản nhất để các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp thực hiện.

Tình hình hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp

Thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương, với sự năng động, linh hoạt vận dụng sáng tạo của các cấp ủy Đảng, nên công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu đáng trân trọng. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-6-2008, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đã chỉ rõ ưu, nhược điểm trong hoạt động của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng, bài học rút ra và các quan điểm, mục tiêu và giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. Ở đây, chúng tôi chỉ đánh giá một cách khái quát nhất:

- Đối với tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước hoạt động tương đối nền nếp, vai trò của tổ chức Đảng được tôn trọng. Tổ chức Đảng ở loại hình doanh nghiệp này đã lãnh đạo và đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên.

- Tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có một số giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều cấp ủy viên, đảng viên được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua thực tiễn công tác; kiên định lập trường giai cấp công nhân, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; thể hiện vai trò tiền phong gương mẫu, có đạo đức và lối sống trong sạch, có tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao; có quan hệ gần gũi với quần chúng, được cán bộ, công nhân tín nhiệm.

Tuy nhiên, trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Đảng và đảng viên còn rất thấp, lại hạn chế về phong trào và kết quả hoạt động. Biểu hiện chính là:

+ Tổ chức Đảng chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, cá biệt có nơi chỉ tồn tại một cách hình thức, thực tế là làm theo sự chỉ đạo, điều hành của giám đốc, chủ doanh nghiệp.

+ Các tổ chức Đảng ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phần đông lúng túng trong xác định nội dung và phương thức hoạt động. Chưa xác định và thể hiện được vai trò lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ và mối quan hệ với các thành tố trong doanh nghiệp. Ở những nơi đảng viên ít, lại chủ yếu là lao động trực tiếp nên vai trò lãnh đạo rất hạn chế.

+ Trong thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp tư nhân do chưa hiểu đúng bản chất, vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nên e ngại việc có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp mình. Do vậy, họ cản trở hoặc không ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; một số khác tuy không cản trở nhưng lại không ủng hộ, không tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất... để tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng ở những loại hình doanh nghiệp này. Như vậy, nhận thức, thái độ chính trị, sự hợp tác, ủng hộ của giám đốc và chủ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ảnh hưởng lớn đến việc có hay không có tổ chức Đảng, và nếu có thì điều kiện và phương thức hoạt động thế nào còn đang là bài toán cần có lời giải.

+ Do quan niệm mình là người làm thuê cho chủ doanh nghiệp để có lương, sợ bị phân biệt đối xử, thậm chí sợ bị chủ không sử dụng nên một số đảng viên không công khai mình là đảng viên; số khác lại xác định mình là người lao động “an phận thủ thường” nên chỉ chăm lo đến lợi ích kinh tế của gia đình, bản thân, ít tham gia hoạt động chính trị xã hội. Không ít đảng viên tuy làm ở doanh nghiệp nhưng vẫn sinh hoạt đảng ở nơi cư trú, mặc dù ở doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng. Hiện tượng “giữ kỷ luật đảng” kiểu hình thức này phản ánh tình trạng sa sút tính đảng trong một bộ phận đảng viên hiện nay. Việc tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước hết phụ thuộc vào chất lượng tính đảng trong mỗi đảng viên, sự tuyên truyền, giác ngộ của Đảng đối với các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi đảng viên để đảng viên thực sự là tấm gương sáng, là tinh hoa của cộng đồng, có tác dụng thiết thực đối với sự phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, song theo chúng tôi chủ yếu là:

Một là, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập trong thực tế; chúng ta mở cửa hội nhập ngày càng sâu, rộng vào đời sống quốc tế, đã tạo nên những biến đổi rất to lớn trong cả xã hội lẫn tư duy của mỗi người. Đối với doanh nghiệp, tính chất sản xuất, kinh doanh hoàn toàn khác trước. Tuy vậy, công tác xây dựng Đảng cả về lý luận và tổ chức chỉ đạo trong thực tiễn ở từng loại hình doanh nghiệp chưa theo kịp sự biến đổi của thực tế, chưa đưa ra được những lời giải thỏa đáng trên nhiều phương diện mới của công tác xây dựng Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là sự lúng túng về nhận thức, thiếu dự báo về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới cả về chiến lược và sách lược, cả về kế hoạch lẫn giải pháp, nội dung lẫn phương thức tiến hành.

Hai là, khi trong thực tế xuất hiện nhiều loại hình doanh nghiệp, các tổ chức Đảng ở từng loại hình doanh nghiệp lần lượt ra đời, nhưng các cấp ủy Đảng chưa kịp thời quán triệt sâu sắc nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng; chưa quan tâm chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức trong hệ thống chính trị trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. “Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương chưa nghiêm túc, thiếu sáng tạo, chậm đổi mới và chưa có những biện pháp đồng bộ, cụ thể, khả thi. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy cấp trên đối với cơ sở chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, chưa làm hết trách nhiệm”(1). Ý thức xây dựng Đảng của một số đảng viên, quần chúng chưa cao.

Ba là, điều kiện chung ngoài xã hội là cơ chế thị trường, nhưng chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn bất cập, với mức phụ cấp rất thấp. Kinh phí phục vụ cho hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp

Năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp được thể hiện ở khả năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động để những người quản lý, chủ doanh nghiệp, người lao động nhận thức và tổ chức thực hiện ở doanh nghiệp mình, trên cơ sở mục tiêu sản xuất, kinh doanh đã được xác định; là khả năng tập hợp, động viên, kiểm tra người lao động tham gia tích cực, sáng tạo, có hiệu quả vào quá trình sản xuất để nuôi sống mình, góp phần thiết thực xây dựng doanh nghiệp, xây dựng đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Để năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn, có ý nghĩa thiết thực, hướng vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi đối với người lao động, đóng góp xứng đáng đối với đất nước, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

 Thứ nhất, cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp cần quán triệt sâu sắc để thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của công tác xây dựng Đảng trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết Trung ương 6, khoá X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên” và  Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) trong tình hình mới”.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức Đảng ở từng loại hình doanh nghiệp theo hướng thích hợp. Sắp xếp lại tổ chức Đảng cho phù hợp, xác định rõ mối quan hệ giữa tổ chức Đảng và các thành tố trong doanh nghiệp, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đối với các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp.

Thứ ba, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp. Cụ thể là đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

 Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng. Sinh hoạt chi bộ, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp trước hết phải trực tiếp bàn, giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, bức xúc ở đơn vị, gắn với nhiệm vụ và mục tiêu sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng và nâng cao đời sống của người lao động./.

 ____________________

(1) Nguyễn Đức Hà, Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp, bài tham luận Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp” do Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 27-8-2011