Trí thức Việt Nam với phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Dung Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
22:37, ngày 10-07-2018

TCCSĐT - Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về thi đua yêu nước vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng thời phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho Đảng ta, nhân dân ta những quan điểm về thi đua yêu nước, mà phong trào thi đua yêu nước do Người và Đảng ta phát động đã để lại những kinh nghiệm phong phú về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, về tổ chức vận động phong trào thi đua cho các cấp, các ngành, đặc biệt là phong trào thi đua của trí thức Việt Nam.

Trong Lời kêu gọi thi đua yêu nước đầu tiên (ngày 11-5-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước”(1). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các tầng lớp nhân dân, dù ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải tham gia vào cuộc thi đua yêu nước. Bởi theo Người, đã là người Việt Nam yêu nước thì phải thi đua “thi đua tức là yêu nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hàng ngày, mà còn là biểu hiện của lòng yêu nước, là tình cảm của mỗi con người Việt Nam đối với Tổ quốc, quê hương; lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước được thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và ngược lại lấy lòng yêu nước để nâng cao hiệu quả thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nói yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(2). Người đã làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Bản sắc đó là lòng yêu nước được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, là đạo đức, văn hóa, cốt cách của dân tộc Việt Nam.

Trí thức Việt Nam là một tầng lớp xã hội rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói về vai trò của trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng”(3). Trí thức là một bộ phận trong lực lượng cách mạng. Không có những trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Bởi vì: “Để hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, ngoài việc quân sự, ắt phải phát triển kinh tế, cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp. Cần phát triển giao thông vận tải cho nên cần có những kỹ sư thông thạo việc đắp đường, bắc cầu. Cần giữ gìn sức khỏe của nhân dân, cho nên cần có thầy thuốc. Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành, cho nên cần có thầy giáo. Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(4). Không những là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, mà “trí thức còn là vốn liếng quý báu của dân tộc”(5). Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được. “Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”(6). Trí thức phục vụ nhân dân bao giờ cũng cần, “kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần, tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần”(7). Cách mạng rất cần trí thức và chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức. Những trí thức đáng trọng là những trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân”(8).

Để phong trào thi đua của trí thức đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiệm vụ chính và nội dung thi đua của trí thức phù hợp với từng lĩnh vực. Đối với trí thức văn nghệ sĩ, Người nêu rõ: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(9). “Các nhà văn hóa phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”(10). Đối với trí thức ngành y: “Phải yêu thương, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”(11). Đối với trí thức ngành giáo dục: “Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em… Cái vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng”(12). Đối với trí thức ngành tư pháp: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”(13). Đối với trí thức ngành khoa học - kỹ thuật: “Phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật một cách có trọng điểm, có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng… thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh, mở rộng sự hợp tác với các nước anh em trong nghiên cứu khoa học - kỹ thuật”(14). Đối với trí thức làm việc trong các cơ quan Đảng, Chính phủ: Phải giữ kỷ luật, giữ bí mật, phải đoàn kết, phải có bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính; phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Đối với sinh viên, những trí thức tương lai: Phải thi đua học tập tốt, lao động tốt; thi đua giữ gìn kỷ luật, bảo vệ của công; chống tâm lý tự tư tự lợi, ham sung sướng, tránh khó nhọc, lười biếng xa xỉ, kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc”(15).

Thực hiện lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tich Hồ Chí Minh, trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trí thức Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Một số trí thức trực tiếp tham gia công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, đồng vai sát cánh với bộ đội và nhân dân; một số khác thì thi đua hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài, họ thực sự là một bộ phận quan trọng trong lực lượng cách mạng, là vốn quý của dân tộc. Chúng ta có thể kể đến những trí thức dưới chế độ phong kiến tham gia sự nghiệp kháng chiến và bảo vệ chính quyền cách mạng, như Cụ Bùi Bằng Đoàn - Thượng thư Bộ hình của triều Nguyễn, dù tuổi cao, sức yếu vẫn trèo đèo, lội suối, đi lên chiến khu cùng toàn Đảng, toàn dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp; cụ Nguyễn Văn Tố - đi theo cách mạng, bị đế quốc Pháp bắt và tra tấn dã man, vẫn không hé răng nửa lời, chấp nhận hy sinh, nêu cao khí tiết của người trí thức cách mạng; cụ Huỳnh Thúc Kháng - một trí thức nổi danh đã không chọn con đường làm quan, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Trở về, Cụ ra giúp việc nước khi đất nước ở tình thế vô cùng hiểm nghèo và Cụ đã làm việc hết sức mình, xứng đáng với niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, có nhiều trí thức khoa học đã đóng góp trí tuệ, tài năng vào sự nghiệp xây dựng đất nước, như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Hoàng Xuân Hãn… Nhiều trí thức trở thành những nhà cách mạng chuyên nghiệp, như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai,... Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: Phải chăng vì danh, vì lợi, vì địa vị mà họ thi đua như vậy? Không phải. Đó là vì lòng nồng nàn yêu nước, đó là lòng chí công vô tư mà chúng ta nên học tập.

Ngày nay, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, của kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia. Trong thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đề cao vai trò của tầng lớp trí thức. Đảng xác định: “Trí tuệ là nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia; bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài là vấn đề có tầm chiến lược, là yếu tố quyết định tương lai của đất nước”(16). “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế”(17). Quan điểm nhất quán của Đảng ta xác định trí thức xác định tài sản quý báu và là nguồn động lực phát triển của đất nước. Không có trí thức, không có nhân tài thì không thể tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Hưởng ứng các phong trào thi đua do Đảng phát động, trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ trí thức đã có những đóng góp quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, luôn phát huy vai trò của mình và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong lĩnh vực khoa học - xã hội, trí thức đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhiều kết luận khoa học đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều trí thức đã tham gia trực tiếp vào công tác lý luận của Đảng, góp phần xây dựng Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về dân chủ và phát huy dân chủ, về đổi mới hệ thống chính trị, về xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Một bộ phận trí thức còn là lực lượng đắc lực trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho hệ tư tưởng này giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đảng ta nhận định: Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực và xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới(18). Nhiều trí thức trực tiếp tham gia đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nhiều trí thức đã sáng tạo nên những công trình có giá trị về mặt văn hóa.

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, trí thức đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu, điều tra điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, dầu khí, hàng tiêu dùng... góp phần quan trọng vào việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, từng bước nâng cao trình độ khoa học - công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận trình độ khu vực và trên thế giới.

Bộ phận trí thức tham gia lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần thiết thực và sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động, từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều tấm gương trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Có thể nói, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua yêu nước, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với sự chung sức, chung lòng của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, chúng ta có thể tin tưởng rằng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 513
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8. tr. 54
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 71-72
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.184
(6), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.56, tr. 59, tr. 297
(9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 157, tr. 577
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 343
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 556
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 382
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 77
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 472
(16) Phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Đại hội lần thứ V Hội sinh viên Việt Nam, ngày 22-11-1993
(17) Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(18) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, khóa X (9-2008), về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”