Giáo dục và rèn luyện đạo đức của người cán bộ y tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Hiền Lương, Trường Đại học Y Hà Nội Trần Thị Quỳnh Diễn, Trường Đại học Y Hà Nội
19:23, ngày 07-08-2013
TCCS - Quan điểm về y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo thời gian, càng mang giá trị nhân văn cao cả. Ngày nay, việc vận dụng sáng tạo quan điểm của Người về giáo dục và rèn luyện y đức đối với người cán bộ y tế luôn luôn trở nên cấp thiết.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến con người và sức khỏe của con người. Người luôn coi sức khỏe của con người là nhân tố quan trọng, quyết định sự cường thịnh của một quốc gia, dân tộc. Theo Người, “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, thế là sức khỏe”. Ý tưởng này của Người có nhiều điểm tương đồng với định nghĩa sức khỏe được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra năm 1978 trong “Tuyên ngôn An-ma A-ta”: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. 

Vì luôn quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho con người nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò, nhiệm vụ của người thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người thường xuyên căn dặn, nhắc nhở cán bộ, nhân viên y tế phải có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”(1). Điều này thể hiện rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của một người thầy thuốc: không chỉ thực hiện vai trò về chuyên môn, về y thuật, mà còn phải là người bạn tinh thần, giúp đỡ, động viên tinh thần người bệnh. Quan điểm của Người về vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc đã đem lại cách nhìn tổng thể về vai trò, trách nhiệm nói chung của những người lao động trong nghề y đối với bệnh nhân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người chăm sóc sức khỏe của nhân dân, vai trò của ngành y tế không chỉ dừng lại ở việc mổ xẻ, chữa bệnh,… mà còn làm nhiệm vụ vệ sinh phòng bệnh, không để xảy ra các dịch bệnh. Tháng 2-1949, trong “Thư gửi nam nữ học viên Trường Y tá Liên khu I”, Người viết: “Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh”(2). Theo đó, xây dựng môi trường sống trong sạch, không có dịch bệnh cũng là một nhiệm vụ của ngành y tế. Đến năm 1953, vai trò, nhiệm vụ của người cán bộ y tế lại được Người nêu rõ hơn trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953”: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh…”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người sẽ thực sự hạnh phúc khi sống không có bệnh tật - “nhân sinh vô bệnh thị chân tiên” (nghĩa là, sống không có bệnh tật thì sướng như tiên vậy), và đó cũng là điều Người luôn luôn mong muốn cho sức khỏe của nhân dân. 

Từ vai trò to lớn và ý nghĩa cao cả của những người lao động trong nghề y, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm trong việc giáo dục, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cho họ để có thể xây dựng một nền y đức trong sáng, văn minh, tiến tới xây dựng một nền y tế hiện đại, theo kịp thế giới, góp phần quan trọng củng cố sức khỏe cho các thế hệ tương lai của đất nước.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức được nêu rõ trong “Thư gửi Hội nghị quân y” (tháng 3-1948): “Người ta có câu: “lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”(4). Đến năm 1953, trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953”, Người tiếp tục dặn dò: Người cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân, theo đúng nghĩa “lương y kiêm từ mẫu”. 

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ đạo lý truyền thống “lương y kiêm từ mẫu” để khẳng định vai trò của đạo đức đối với nghề y. Theo đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cán bộ, nhân viên y tế phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, trở thành “từ mẫu” (mẹ hiền). Nói cách khác, “từ mẫu” là đạo đức cao đẹp mà cán bộ, nhân viên y tế cần hướng tới. Có tình thương của “từ mẫu”, người thầy thuốc sẽ tránh được những thói hư, tật xấu, như cầu lợi, bất công, phân biệt đối xử giữa người giàu - kẻ nghèo; sự hách dịch, lạnh lùng, qua loa, tắc trách khi tiếp xúc với bệnh nhân; sự kèn cựa, đố kỵ với đồng nghiệp,... Chính vì vậy, “lương y kiêm từ mẫu” là cốt lõi của đạo đức y học. 

Ngoài việc rèn luyện y đức “lương y kiêm từ mẫu”, một nội dung rèn luyện nữa đối với cán bộ y tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu là “phải có chí, chịu khó, chịu khổ, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. Đúng vậy, nghề y là một nghề đặc biệt, bởi thế, rèn luyện đạo đức đối với nghề y lại càng đòi hỏi rất cao, khác với những nghề khác. Hơn nữa, nghề y là nghề có thời gian đào tạo lâu dài, trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cán bộ y tế phải chịu khó, chịu khổ, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành được nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó. 

Bên cạnh việc nêu lên các nội dung của rèn luyện đạo đức nghề y, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương pháp, cách thức của việc giáo dục, tu dưỡng và rèn luyện y đức cho cán bộ ngành y tế. Người nhắc nhở sinh viên Trường Quân y - những cán bộ, nhân viên y tế sau này, “phải chăm lo học hành, gắng thực hiện 5 điều: hăng hái, hy sinh, bác ái, đoàn kết, kỷ luật”(5). Hăng hái, hy sinh là hai yếu tố vô cùng cần thiết đối với cán bộ ngành y tế. Trong những hoàn cảnh cấp bách, người cán bộ y tế có khi phải hy sinh lợi ích của mình, thậm chí cả tính mạng vì người bệnh, vì sức khỏe của nhân dân. Nghề y là nghề đòi hỏi tính kỷ luật cao, bởi kỷ luật là phương pháp rèn luyện và xây dựng ý thức cho mỗi con người. Nghiêm túc, khẩn trương trong các hoạt động y tế, nhất là việc thực hiện đúng, đầy đủ, cẩn thận các bước trong quá trình khám và chữa bệnh,... là những biểu hiện cần thiết của kỷ luật nghề y. Rèn luyện bằng kỷ luật và để có tính kỷ luật là phương pháp quan trọng đối với quá trình tu dưỡng y đức của người cán bộ y tế. 

Khi nhắc nhở cán bộ y tế phải có tinh thần trách nhiệm và tình cảm trong sáng, cao đẹp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho thương, bệnh binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ”(6). Ở đây, có thể hiểu cảm hóa là làm thế nào để người bệnh cùng tham gia với các nhân viên y tế trong quá trình chữa bệnh một cách thoải mái nhất, cụ thể là làm thế nào xóa đi những mặc cảm mà người bệnh đang gặp phải, làm cho những rào cản tâm lý của họ về bệnh tật biến mất để hợp tác cùng cán bộ y tế trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Muốn vậy, cách hiệu quả nhất là người cán bộ y tế phải xuất phát từ “lòng nhân loại, tinh thần bác ái”, từ lòng thương yêu thật sự đối với người bệnh, lo lắng cho sức khỏe của người bệnh. Tinh thần nhân ái, đức hy sinh của người cán bộ y tế còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở trong “Thư gửi nam nữ học viên Trường Y tá Liên khu I”, đó là “phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. 

Ngoài phương pháp “cảm hóa” đối với người bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết của các cán bộ y tế trong sự nghiệp cao cả của mình. Đó là đoàn kết giữa các bác sĩ, các nhân viên y tế để cùng chung sức, chung lòng tìm các phương pháp chữa bệnh nhanh nhất cho bệnh nhân; đoàn kết giữa cán bộ y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh và chăm sóc. Đối với Người, sự đoàn kết trong nghề y không chỉ được hiểu theo nghĩa thông thường, mà cao hơn, đó phải là “thật thà đoàn kết”; vì nghề y là nghề liên quan trực tiếp đến con người, đến sức khỏe và thể lực của con người. Tuy nhiên, trong quá trình khám, chữa bệnh, có nhiều quan điểm, phương pháp điều trị khác nhau, cách thức chăm sóc khác nhau, ...; điều này tùy thuộc vào tài năng và y đức của từng cán bộ, nhân viên y tế. Chính vì vậy, muốn xây dựng một tập thể những người làm nghề y luôn đặt mục tiêu vì sức khỏe của nhân dân lên trên hết thì phải “thật thà đoàn kết”, đoàn kết thật sự, đoàn kết hết mức. “Thật thà đoàn kết” sẽ giúp cho từng khâu trong toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh hoạt động có hiệu quả và đạt chất lượng tốt nhất. 

Ngày nay và mãi mãi mai sau, những quan điểm về y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn ngời sáng, vẹn nguyên giá trị nhân văn cao cả và luôn là động lực, phương hướng cho sự phát triển của nền y tế nước ta. 

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế ở nước ta trong những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23-5-2005, của Bộ Chính trị đã nhận định: Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, nhiều cơ sở y tế miền núi đã được thiết lập, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng; nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng; việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều cố gắng hơn trước. Bảo hiểm y tế được hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khỏe của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. 

Tuy nhiên, ngành y tế nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém, như hệ thống y tế chậm đổi mới, chưa thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân; tổ chức và hoạt động của y tế dự phòng còn nhiều bất cập; một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ y tế chậm được khắc phục… 

Phương hướng phát triển nền y tế nước ta hiện nay đã được Đảng ta đề ra, đó là: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già; công bằng trong đãi ngộ đối với cán bộ y tế. Có thể thấy, phương hướng đó có nhiều điểm trùng hợp và kế thừa triệt để quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức, cũng như về sự phát triển của nền y tế nước nhà nói chung.

Một giải pháp có ý nghĩa quan trọng và rất cấp thiết đối với việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cho cán bộ, nhân viên y tế hiện nay là giáo dục đạo đức y học. Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp thiết thực để nâng cao đạo đức nghề y cho sinh viên ngành y. Năm học 2010 - 2011, môn học đạo đức y học đã bắt đầu được triển khai thành môn học riêng, có giáo trình riêng, có lượng giá hết môn học ở một số trường đại học, như ở Trường Đại học Y Hà Nội. Những nội dung của môn học y đức trong chương trình học chính khóa sẽ sớm giúp cho sinh viên nhận thức đúng đắn về hành vi, thái độ thực hành chuyên môn và giao tiếp với bệnh nhân; khi trở thành bác sĩ, họ sẽ có khả năng thực hành y đức tốt hơn. Năm 2011, Bộ môn Y đức và Y xã hội học của Trường Đại học Y Hà Nội đã được thành lập, có nhiệm vụ giảng dạy đạo đức y học cho các hệ sinh viên trong nhà trường. Hiện nay, môn đạo đức y học đã được 8 trường y, dược trên cả nước đưa vào giảng dạy, trở thành một môn học chính thức, có lượng giá kết thúc môn học. Mặc dù giáo trình, chương trình, nội dung về giảng dạy đạo đức y học giữa 8 trường đó còn chưa thực sự thống nhất, song bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Hiện nay, Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cố gắng thống nhất nội dung, giáo trình môn học này trong các trường y, dược cả nước.

Giải pháp đào tạo, giáo dục đạo đức y học hiện nay được coi là phương pháp cần thiết nhất đối với việc nâng cao đạo đức nghề y của cán bộ y tế. Trước khi môn học đạo đức y học có sự thống nhất về chương trình, nội dung trong cả nước, việc giáo dục và rèn luyện đạo đức người cán bộ y tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh là giải pháp hữu hiệu nhất, và đó không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là giải pháp thường xuyên, lâu dài. Hơn thế, trước mắt cũng như lâu dài, trong chương trình, nội dung của môn học đạo đức y học, nên có một dung lượng thích đáng đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức.

Sự nghiệp phát triển y tế ở nước ta hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Để vượt qua những thách thức, đưa y nghiệp phát triển, tiếp thu những tiến bộ của y học cũng như y nghiệp trên thế giới, cần phải coi trọng hơn nữa việc giáo dục và rèn luyện đạo đức đối với người cán bộ y tế. Đặc biệt, việc vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và rèn luyện y đức đối với người cán bộ y tế luôn luôn trở nên cấp thiết./.

-----------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 395

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 34

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 154

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 395

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 456

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, 1995, t. 5, tr. 395