Nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc của cán bộ, công chức hiện nay
TCCSĐT - Thời gian qua, trước thực trạng một bộ phận công chức chấp hành không nghiêm quy định giờ làm việc, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những biện pháp chấn chỉnh. Thực hiện tốt những biện pháp này sẽ giúp cho công tác cải cách hành chính ngày càng hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính.
Hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của công chức, viên chức nhà nước góp phần rất lớn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Nếu thời gian làm việc không được sử dụng hiệu quả sẽ làm cản trở sự vận hành thông suốt của bộ máy chính quyền, ảnh hưởng đến công việc của người dân, doanh nghiệp.
Nhận thức được vai trò của việc sử dụng hiệu quả giờ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều quy định về sử dụng thời giờ làm việc như: Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17-9-1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ; Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghiêm chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO-9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg, ngày 31-01-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước làm việc thiếu tích cực, bớt xén thời gian làm việc như đi trễ, về sớm, chơi điện tử, đánh bài, uống rượu, bia và dành nhiều thời gian làm việc riêng, điện thoại, chát,... trong giờ làm việc. Vào tuần cuối cùng của tháng 11-2012, Tổ kiểm tra của Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại bảy sở, ngành; UBND bốn huyện, thành phố và UBND bốn xã, phường trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra có đến 224 cán bộ, công chức của hầu hết các đơn vị bị kiểm tra đến cơ quan chậm so với giờ quy định, trong đó có hơn 100 người đi trễ 30 - 105 phút.
Thực tế đáng buồn đó đã tồn tại khá phổ biến từ nhiều năm nay, gây bức xúc trong xã hội bởi nó đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến tác phong, lề lối, uy tín, hình ảnh của cán bộ, công chức nhà nước, làm giảm hiệu quả, chất lượng xử lý công việc, gây khó khăn cho công dân và doanh nghiệp khi cần liên hệ công tác.
Nguyên nhân chủ yếu của những khuyết điểm trên là do người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước chưa chú trọng quản lý thời giờ làm việc; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn yếu kém; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thời giờ làm việc không nghiêm.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế pháp luật, làm căn cứ xác định nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm, đánh giá, khen thưởng, xử phạt, các điều kiện thực thi công vụ của cán bộ, công chức cũng như làm căn cứ xây dựng các tiêu chí văn hóa, văn minh, dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật nơi cơ quan, công sở. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm các quy định của công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; thành lập các tổ kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những người vi phạm.
Hai là, tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa công sở. Để chấn chỉnh ý thức chấp hành thời gian làm việc của công chức, viên chức, bản thân mỗi cán bộ, công chức cần nhận thức được ý nghĩa của việc tiết kiệm, nâng cao hiệu quả giờ làm việc và nhận thức việc sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả giờ làm việc theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần xây dựng văn hóa công sở nhằm hình thành thói quen, phong cách chấp hành kỷ luật giờ làm việc của cán bộ, công chức.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ trong việc quản lý giờ làm việc của cán bộ, công chức hiện nay. Nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức không chỉ đơn thuần là quản lý hành chính về mặt thời gian mà cần gắn công tác này với nâng cao chất lượng công việc. Chúng ta thấy hiện tượng có nơi công chức rỗi rãi đến mức chơi cờ, chơi điện tử, tán gẫu hàng giờ,... nhưng cũng có nơi cán bộ làm quá tải công việc. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ trong việc quản lý thời gian làm việc của cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị; xác định rõ từng chức danh của từng công chức, viên chức; chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy làm việc và tổ chức một cách khoa học quá trình lao động của công chức, viên chức. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế quản lý việc sử dụng thời gian làm việc của công chức theo tính chất, đặc điểm, đặc thù công việc của từng đối tượng.
Bốn là, thực hiện công bằng trong đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Để làm tốt việc này, cần có biện pháp khuyến khích, đãi ngộ, động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành kỷ luật lao động, làm việc có năng suất, hiệu quả cao; đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm khắc những người vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy định của pháp luật, quy chế của cơ quan, đơn vị về thời giờ làm việc.
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc để nâng cao năng suất làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chính là một trong các mục tiêu của cải cách hành chính. Thực hiện tốt nội dung này góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước và hiệu quả quản lý nhà nước ta hiện nay./.
Con đường cứu nước Hồ Chí Minh - sự lựa chọn lịch sử  (16/05/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Putin  (16/05/2013)
Thông cáo chung Việt Nam - Liên bang Nga  (15/05/2013)
Phản đối việc Trung Quốc cấm bắt cá ở Biển Đông  (15/05/2013)
Họp báo giới thiệu Lễ ra mắt Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam  (15/05/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên