Kinh nghiệm Đăk Hà

Trương Thị Ngọc Ánh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum
20:27, ngày 09-01-2013
TCCS - Thực  hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm  theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban  Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum chọn Huyện ủy Đăk Hà là một trong ba đơn vị làm  điểm, rút kinh nghiệm, tìm ra mô hình hay  để nhân rộng.  Sau hơn một năm thực hiện, bước đầu  đạt những kết quả tốt, trong đó có không ít cách làm mới sáng  tạo, phù  hợp với điều  kiện đặc thù của huyện.

Ban hành các quy định sát với thực tiễn và người đứng đầu các cấp thực hiện nghiêm chỉnh

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa  XI bám  sát Kế hoạch  số 03-KH/TW của Ban Bí thư Trung ương, các hướng dẫn của Ban  Tuyên  giáo  Trung ương, của Tỉnh ủy Kon Tum, huyện Đăk Hà đã triển khai  các bước cụ thể, phù  hợp với tình hình đặc thù địa phương.  Cụ thể là, Ban  Thường  vụ Huyện ủy xây dựng Kế hoạch số 20-KH/HU, ngày 01-12-2011, thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 30-KH/HU, ngày  14-3-2012, về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012; Hướng dẫn số 05-HD/HU, ngày 17-01-2012, về học tập chuyên đề: “Học tập và làm  theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn  đấu  cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân  dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” trong toàn Đảng bộ.

Huyện Đăk Hà nằm về phía bắc của tỉnh Kon Tum, được thành lập ngày 24-3-1994, theo Nghị định số 26/NĐ-CP, của Chính Phủ. Toàn huyện có 8 xã và 1 thị trấn, số dân là 60.031 người (gồm 16 dân tộc, chủ yếu là dân tộc Kinh, Xê-đăng, Rơ-ngoo, Sơ-drá, Ba-na, Giẻ Triêng…); trong đó, dân tộc thiểu số là 28.442 người, chiếm 47%.

Với truyền thống cách mạng, sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc trong huyện, nên chỉ sau 15 năm thành lập, Đăk Hà đã đạt được những kết quả nổi bật, là một trong những trọng điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm trên 16%. Với những thành tích đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trên cơ sở đó, Huyện ủy chỉ đạo  100%  số  tổ  chức  cơ sở đảng  (TCCSĐ) trực thuộc Huyện ủy, xây dựng  kế hoạch triển khai  thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, của  Bộ Chính trị, với các nhiệm vụ cụ thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về  tư  tưởng,  tấm  gương  đạo đức Hồ Chí  Minh;  về chuyên đề học tập năm  2012  tại địa phương, đơn vị với nhiều hình thức (như: tuyên truyền miệng,  hệ thống loa truyền thanh không  dây...). Trong công tác tuyên truyền, chú  ý liên hệ với điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính  trị của địa phương, đơn vị. Tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng  viên nghiên cứu chuyên đề học tập và  làm  theo tấm gương  đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 và lồng ghép  trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Mỗi tháng, tùy tình hình  thực tế, chi bộ chọn một đến hai chuyên đề sinh hoạt. Trên cơ sở chuẩn mực đạo đức đã xây dựng, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát lại các chuẩn mực đạo đức đã có, bổ sung,  xây dựng thành chuẩn mực đạo đức mới theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, phù hợp với từng ngành, địa phương,  cơ quan, đơn vị theo Hướng  dẫn  số 25-HD/TW, ngày 25-11-2011, của Ban Tuyên  giáo Trung ương.

Đồng thời, hướng dẫn các TCCSĐ, mỗi đơn vị mua hai cuốn tài liệu học tập chuyên đề tấm gương đạo đức của Bác và tác phẩm “Đường Kách mệnh” để triển khai  học tập trong chi bộ, cơ quan, đơn  vị. Chỉ  đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, viên  chức  chưa  phải  là  đảng viên  nghe  nói chuyện và học tập, liên hệ về nội dung chuyên đề. Cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và  các đoàn  thể tổ chức  giới thiệu nội dung  chuyên đề cho hội viên, đoàn viên thuộc tổ chức mình, bằng các hình thức phù  hợp với từng nhóm  đối tượng  gắn với  các  ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương. Đến nay, hầu  hết cán bộ, đảng viên,  công chức ở các TCCSĐ đã  xây dựng  chương  trình tu dưỡng, rèn luyện của bản thân. Đối với các đồng  chí bí thư các TCCSĐ trực thuộc Huyện ủy, các đồng chí ủy viên Ban  Chấp  hành Đảng  bộ huyện xây dựng  chương trình tu dưỡng, rèn luyện gửi về Ban Thường  vụ  (qua  Ban  Tuyên giáo  Huyện ủy)  để  theo  dõi. Kết quả thực hiện các nội dung theo chương  trình đăng  ký là một trong những tiêu chí  để đánh giá  cán bộ, đảng viên hằng  năm.

Để động  viên  và  thúc đẩy phong  trào trong toàn huyện, nhân dịp kỷ niệm  122 năm Ngày  sinh  Bác  (19-5-1890 - 19-5-2012), Huyện ủy  đã  tổ chức  gặp  mặt, biểu   dương, khen  thưởng 8 tập thể, 101 cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong các phong  trào thi đua  yêu nước, học tập và làm theo  tấm  gương  đạo  đức  Hồ Chí Minh.

Điểm   nổi  bật  trong  quá trình triển khai  thực hiện  Chỉ thị số 03-CT/TW ở Đăk Hà là đã  xây  dựng  được  cách  làm phù  hợp với đặc  thù của  địa phương, bước đầu mang lại kết quả tốt. Đó là, việc tổ chức sinh hoạt tư tưởng vào sáng thứ hai hằng tuần tại huyện. Cụ thể là: các TCCSĐ,  liên  hệ  việc làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  trong buổi sinh  hoạt tư tưởng đầu tuần, gắn với đề cao vai trò nêu  gương của  cán  bộ chủ  chốt (là bí thư chi bộ, bí thư Đoàn Thanh niên, chủ tịch công đoàn  cơ sở) của các TCCSĐ khối hành chính  sự nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn  thể huyện. Cũng  tại buổi  chào  cờ đầu tuần, lãnh đạo huyện biểu  dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển  hình  tiên tiến có những thành  tích  đột  xuất  trong tuần. Mặt khác,  nhắc  nhở, kiểm điểm, phê bình đối với những tập thể, cá nhân trong tuần, trong tháng không  hoàn thành  nhiệm vụ;  thông báo một số văn bản mới về chủ trương của Đảng,  chính  sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương mới của tỉnh và huyện tới  cán  bộ, công chức, đảng  viên;  đánh giá công tác tuần qua, triển khai  nhiệm vụ tuần tới. Đối với cấp xã, phường, thị trấn: Ngoài việc tổ chức  sinh  hoạt tư tưởng đầu tuần như  cấp  huyện, còn  tổ chức thí điểm sinh  hoạt tư tưởng vào sáng  thứ hai  hằng tuần tại thôn, thành phần gồm cán bộ chủ chốt ở thôn, tổ dân phố (bí thư, trưởng thôn, cán bộ Mặt trận Tổ quốc  và  các đoàn thể, công an viên…).

Thực  hiện  chủ  trương trên của Huyện ủy, tại các xã vùng sâu,  vùng  đồng  bào  dân  tộc thiểu số, như  xã Đắk  Psi Các thôn trong xã đã tổ chức chào cờ một lần/tháng, thành phần gồm toàn dân.  Xã Ngok  Réo: Các thôn trong xã đã tổ chức chào cờ hằng tuần, thành phần gồm cán  bộ chủ  chốt ở thôn. Nội dung  tổ chức sinh  hoạt tư tưởng gồm: Tổ chức học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương  đạo  đức  Hồ Chí  Minh  suốt đời phấn  đấu cần,  kiệm, liêm,   chính,   chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân,  đời tư trong sáng,  cuộc sống riêng giản dị”; thông báo một số văn bản mới về chủ trương của  Đảng,  chính  sách pháp luật của Nhà nước và các chủ trương mới của tỉnh và huyện; thông báo tình hình công  tác của  xã,  thôn tháng qua;  triển khai  nhiệm vụ tháng tới.

Hiệu quả thiết thực và kinh nghiệm bước đầu

Thực hiện  nghiêm túc sinh hoạt tư tưởng đầu  tuần có ưu điểm là: Trước số đông cán bộ, nhân dân tới hàng trăm người, thì người tiêu biểu lên báo cáo việc học và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác được kiểm nghiệm cụ thể. Mặt khác, từ gương người thực, việc thực đó, khơi dậy sự nỗ lực của từng cá nhân sẽ quyết tâm phấn đấu,  để được trở thành gương tiêu biểu  của  những lần  sau. Sinh hoạt tư tưởng tập thể có ý nghĩa thiết thực đối với đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, giúp họ kịp thời trao đổi kinh  nghiệm trong công tác, rèn luyện   đạo  đức,  lối  sống theo tấm gương của Bác.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW cho thấy, tác động tích cực của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và  làm  theo tấm gương  đạo đức Hồ Chí Minh đã bước đầu lan  tỏa đến  mọi lĩnh  vực của đời sống, xã hội, bằng việc làm cụ  thể hiệu  quả.  Cụ  thể là: Nâng  cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính  trị, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhằm thực hiện  thắng lợi kế hoạch phát triển kinh  tế - xã hội của huyện. Đẩy mạnh và cụ thể hóa  về thực hành tiết kiệm, chống  tham nhũng, lãng  phí. Do đó, các cơ quan, đơn vị hạn chế chi ngân  sách  cho quản lý hành chính,  ưu  tiên  chi  cho đầu  tư phát triển sản  xuất; thực hiện  lồng ghép  hoặc cắt, giảm các cuộc họp không cần thiết, để tăng cường cán bộ xuống  cơ sở nắm  tình hình; đồng thời, hướng dẫn,  tuyên truyền, vận  động  nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh  tế - xã hội, giữ vững an ninh  chính trị và  trật tự an  toàn xã  hội trên địa  bàn.  Công  tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính  trị, đổi mới phương thức lãnh  đạo của Đảng  được quan tâm;  các  tổ  chức  cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy  đã  thể hiện  được vai trò hạt nhân chính  trị và đã xóa được “thôn trắng” đảng  viên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã cụ thể hóa nhiều phong  trào thi đua thiết thực, như:  “Toàn dân đoàn  kết  xây  dựng  đời sống văn hoá khu  dân  cư”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Uống nước nhớ nguồn”;  “Phụ  nữ  giúp  nhau phát triển kinh  tế gia đình”’; “Thanh  niên lập  nghiệp”..., góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị. Lực lượng vũ trang thường xuyên phát động phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, triệt phá nhiều vụ  án,  góp phần giữ vững  ổn định  chính trị, trật tự an toàn xã hội và đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu.

Từ thực tiễn thực hiện  Chỉ thị số 03-CT/TW ở huyện Đăk Hà, có thể rút ra một vài kinh nghiệm bước đầu:

Một là, cán bộ lãnh  đạo chủ chốt, người đứng  đầu  các cấp phải  gương mẫu  thực hiện thường  xuyên,  liên  tục, bằng mọi hành động hằng  ngày ở cơ quan cũng như trong gia đình. Chủ động triển khai thực hiện, không  thụ động  chờ văn  bản hướng dẫn của các cấp.

Hai  là, gắn  việc thực hiện các nội dung  học tập và  làm theo với thực hiện  nhiệm vụ chính   trị của  từng cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa  những nội dung  thực hiện  bằng  chương trình, kế hoạch  rõ ràng, thiết thực, để  cán  bộ,  đảng   viên, công chức, viên chức triển khai thực hiện.

Ba  là,  việc  sinh   hoạt  tư tưởng đầu  tuần từ huyện tới các xã,  thị trấn, thôn với nội dung  liên  hệ  “làm  theo”  của cán  bộ chủ  chốt đã  góp phần tuyên truyền, giáo dục cụ thể, thiết thực việc học tập và làm theo  tấm  gương   đạo   đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng  viên; kịp thời và nhân rộng các điển hình  tiên tiến trong toàn huyện.

Bốn là, thường xuyên  kiểm tra, giám sát, đôn đốc, giúp các TCCSĐ thấy rõ ưu điểm, khắc phục  kịp thời những hạn  chế, yếu kém,  trong triển khai  học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ./.