Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19; tiếp xúc với lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế tham dự hội nghị
TCCS - Chiều ngày 4-10-2024 (theo giờ địa phương), tại lâu đài Villers-Cotterêts, Pháp, đã diễn ra phiên khai mạc trọng thể Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 với chủ đề “Sáng tạo, Đổi mới và Khởi nghiệp bằng tiếng Pháp” với sự tham dự của gần 100 nước thành viên cộng đồng Pháp ngữ, các thể chế Pháp ngữ, tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó gần 40 quốc gia tham dự ở cấp người đứng đầu nhà nước và chính phủ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19; tiếp xúc với lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh sự gắn kết đặc biệt giữa các quốc gia cùng sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Pháp, khẳng định cộng đồng Pháp ngữ cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ của văn hóa, giao thương và đổi mới sáng tạo. Tổng thống Pháp cũng khẳng định giá trị nền tảng của cộng đồng Pháp ngữ là đoàn kết, chia sẻ, công nhận sự đa dạng văn hoá và ngôn ngữ cũng như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng.
Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo khẳng định, cộng đồng Pháp ngữ, với các thành viên đến từ nhiều châu lục, đã và đang ngày càng trưởng thành, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, đối thoại, củng cố hoà bình và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Tổng Thư ký nhấn mạnh, OIF sẽ tiếp tục cải tổ để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của tình hình hiện nay, trong đó đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, phát triển bền vững, hỗ trợ các chương trình cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa giảng dạy tiếng Pháp, khởi nghiệp bằng tiếng Pháp.
* Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp song phương và tiếp xúc ngắn với lãnh đạo một số nước và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị:
- Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ trân trọng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, nhấn mạnh quan hệ hai nước là tài sản vô giá, là mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ xúc động và đánh giá cao việc hai bên quan tâm, thăm hỏi và ủng hộ lẫn nhau khắc phục ảnh hưởng thiên tai gần đây thể hiện tình cảm đồng chí, anh em gắn bó, truyền thống tương thân tương ái giữa hai dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; nhấn mạnh Lào đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam, luôn nỗ lực vun đắp và đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu. Việc hai bên quan tâm, thăm hỏi và ủng hộ lẫn nhau khắc phục ảnh hưởng thiên tai thể hiện tình cảm đồng chí, anh em gắn bó, truyền thống tương thân tương ái giữa hai dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào chuyển lời thăm hỏi thân tình tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nhắc lại kết quả tốt đẹp của chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam và Cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào vào tháng 9-2024.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc các ban, bộ, ngành và địa phương hai nước đang tích cực phối hợp, triển khai các định hướng lớn mà Bộ Chính trị hai nước đã thống nhất tại cuộc gặp vừa qua, trong đó có việc thúc đẩy một số dự án trọng điểm đạt bước tiến tích cực; khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao các cơ quan liên quan tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, chương trình hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và các cơ chế song phương.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hai Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh giá trị của tình đoàn kết Việt Nam - Lào, Việt Nam – Lào - Campuchia; nhất trí tiếp tục phối hợp với Campuchia đưa quan hệ hợp tác ba nước ngày càng thực chất và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của ba nước và phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác và kết nối ba nền kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia.
- Tại cuộc gặp Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng những thành tựu to lớn, đáng tự hào Campuchia đạt được trong 20 năm dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương; tin tưởng Campuchia sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện hơn nữa, đời sống người dân ngày càng cải thiện, vai trò và vị thế quốc tế của Campuchia ngày càng được nâng cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng Campuchia được tín nhiệm lựa chọn đăng cai Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 20 vào năm 2026; tin tưởng dưới sự dẫn dắt của Campuchia, Cộng đồng Pháp ngữ sẽ phát triển hơn nữa và khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ Campuchia tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.
Quốc vương Norodom Sihamoni bày tỏ rất xúc động, vinh dự gặp lại Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; chuyển lời hỏi thăm và lời chúc sức khoẻ của Hoàng Thái hậu tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; cảm ơn sự ủng hộ và lòng tin kiên định của Việt Nam dành cho Campuchia trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học - kỹ thuật...
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những thành tựu của quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia thời gian qua và mong muốn các thế hệ lãnh đạo sẽ tiếp nối truyền thống đó, tiếp tục nuôi dưỡng và thúc đẩy quan hệ phù hợp với nhu cầu trong giai đoạn phát triển mới.
- Tại cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Canada; Việt Nam sẽ cùng Canada tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ này trên tất cả các lĩnh vực, trên cơ sở cùng có lợi, tin cậy lẫn nhau, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và quốc tế.
Chúc mừng Canada đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng Canada và các nước thành viên G7 đóng góp cho các nội dung hợp tác của G7, trong đó có vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế đối thoại song phương hiện có; khai thác tốt các cơ hội của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng thực chất và hiệu quả; tăng cường hợp tác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Nhất trí với các đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về định hướng phát triển quan hệ hai nước, Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada coi trọng quan hệ với Việt Nam và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên các lĩnh vực ưu tiên, nhất là chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, quốc phòng, giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân; và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chuyển lời mời Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm Việt Nam trong thời gian phù hợp. Thủ tướng Justin Trudeau vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm sang thăm Việt Nam.
- Tại cuộc gặp Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác với Bỉ, một thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu và Cộng đồng Pháp ngữ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảm ơn Bỉ có thư chúc mừng về việc đảm nhận trọng trách mới; đánh giá cao Nghị viện Bỉ thông qua nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vào tháng 10-2023, mong muốn Bỉ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục các hậu quả của chiến tranh, nhất là hỗ trợ các nạn nhân chất độc màu da cam; đề nghị Bỉ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và ủng hộ việc Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; tăng cường hợp tác phát triển và hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, dịch vụ hậu cần, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh, giáo dục - đào tạo, giao lưu văn hóa; phối hợp tận dụng hiệu quả EVIPA.
Thủ tướng Bỉ nhất trí với đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về việc hai nước tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Bỉ, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Thủ tướng Bỉ cho biết sẽ sớm khẳng định thời gian chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ; bày tỏ mong muốn sớm sang thăm chính thức Việt Nam vào thời điểm phù hợp. Hai bên cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai Thủ tướng Canada và Bỉ đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đi sâu vào trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biên và đại dương, trong đó có Biển Đông; ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế; giải quyết trang chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
- Tại cuộc gặp Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao; đề xuất hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương phát triển tương xứng với tiềm năng của hai nước trong thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, các kênh nhằm tạo xung lực mới cho hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực; nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA); tiếp tục nghiên cứu và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh… nhằm tạo thuận lợi cho việc nâng cao quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới vào thời điểm thích hợp.
Tổng thống Amherd đánh giá Việt Nam là đối tác kinh tế ngày càng quan trọng của Thụy Sĩ trong khu vực; khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên cao về hợp tác phát triển; cho biết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên khẳng định tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, khuôn khổ Đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN - Thụy Sĩ, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos; cùng đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở hai khu vực và trên thế giới.
- Tại cuộc gặp Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao quan hệ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), cũng như những đóng góp của OIF và cá nhân bà Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo trong việc thúc đẩy đoàn kết, hợp tác Pháp ngữ vì hoà bình, ổn định và phát triển.
Trên tinh thần xây dựng, tin cậy và cởi mở, hai bên đã trao đổi về định hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp ngữ, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác về du lịch bền vững. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị OIF quan tâm thúc đẩy các mô hình hợp tác 3 bên hỗ trợ các nước châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác Nam - Nam, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy tiếng Pháp, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp bằng tiếng Pháp.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị OIF tiếp tục quan tâm, ủng hộ những nỗ lực của ASEAN đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo hoan nghênh việc Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ ở cấp cao nhất, khẳng định đây là vinh dự cho OIF. Tổng Thư ký nhấn mạnh Việt Nam là nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng Pháp ngữ, đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam, trong đó có những người Việt Nam đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các cơ quan của Pháp ngữ.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã mời Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo thăm Việt Nam trong thời gian tới.
* Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissco Embaló, Tổng thống Madagascar Andry Nirina Rajoelina, Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akuffo-Addo, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế./.
Trung Duy (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Không gian Pháp ngữ là mảnh đất tiềm năng cho hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại  (05/10/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp, hội kiến Thủ tướng Ireland, Chủ tịch Thượng viện Ireland Jerry Buttimer  (03/10/2024)
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp nhà nước tới Ireland  (02/10/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại Mông Cổ  (01/10/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam