Khi bộ đội thực hiện "5 cùng" với buôn làng
TCCS - Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng “về xây dựng các mô hình điểm giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng khu vực biên giới”, Bộ Chỉ huy Biên phòng Kon Tum luôn mang theo niềm tin, tạo thêm nhiều cơ hội, chuẩn bị các điều kiện giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống.
"Làng Biên phòng" ở Đắc Ga
"Làng Biên phòng" là cách gọi trìu mến của người dân ở làng Đắc Ga (xã Đắc Nhoong, huyện Đắc Lây, tỉnh Kon Tum). Tháng 6-2008, làng Đắc Ga được Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum chọn làm điểm xây dựng mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống của đồng bào dân tộc Dẻ nơi đây đã có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt thôn làng sạch đẹp hơn, người dân càng tin tưởng và phấn khởi trước cơ hội thoát nghèo.
Trưởng thôn A Ver là người sống ở làng Đắc Ga đã lâu lắm rồi. Hơn ai hết, ông hiểu tình cảm của Bộ đội Biên phòng dành cho bà con trong làng, trong xã suốt mấy chục năm qua. Điều làm ông ấn tượng nhất chính là tình cảm của người lính Cụ Hồ mỗi khi gần dân, nó giống như ngọn lửa thắp sáng đất rừng biên giới, đã giúp bà con vượt qua bao khó khăn trong quá trình dựng xây cuộc sống mới. Xã Đắc Nhoong là một trong những điểm sáng văn hóa đầu tiên trên tuyến biên giới tỉnh Kon Tum, trong đó những đóng góp của Bộ đội Biên phòng được ghi nhận như một bước tạo đà quan trọng nhất để trở thành một xã phát triển toàn diện.
Giữa tháng 6-2008, Bộ đội Biên phòng và ủy ban nhân dân xã tổ chức cuộc họp để bàn kế hoạch, chương trình và mô hình xây dựng làng Đắc Ga thành ngôi làng kiểu mẫu. Đại tá Lê Văn Thạo, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình khẳng định: "Đây là chương trình lớn của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trong năm 2009 và những năm tiếp theo, với mục tiêu là phải xây dựng Đắc Ga trở thành ngôi làng kiểu mẫu, từ đó nhân rộng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh. Muốn làm được điều đó, Bộ đội Biên phòng phải triển khai chương trình đã xây dựng, bắt đầu từ việc giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn ở đây thoát nghèo, trở thành những gia đình kiểu mẫu. Chính vì vậy, tất cả cán bộ chiến sĩ, từ Bộ Chỉ huy đến đơn vị cơ sở đều phải chung tay góp sức tham gia chương trình...".
Khác với những chuyến về làng để thực hiện "4 cùng" trước đây (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), lần này, hành trang của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum mang theo có cả những cây, con giống được chọn lọc kỹ càng từ trang trại tăng gia sản xuất của đơn vị để "cùng tính toán cách làm ăn" với bà con.
Từ mô hình "Một cán bộ ba hộ gia đình" và yêu cầu "5 cùng", mặc dù chương trình mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng cuộc sống của 67 hộ gia đình người đồng bào dân tộc Dẻ nơi đây đã có bước chuyển biến rõ nét. Những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trong thôn được Ban Chỉ đạo chương trình lập danh sách, đưa ra các phương án cụ thể để xóa đói, giảm nghèo một cách thiết thực nhất. Đầu tiên là các chương trình hỗ trợ vật liệu xây dựng giúp bà con xóa nhà tạm, đầu tư nâng cấp nhà rông để bà con có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và tổ chức các lễ hội truyền thống. Tiếp đến là tăng cường công tác y tế, vệ sinh thôn làng; rồi hỗ trợ cây, con giống (mỗi hộ gia đình được tiếp nhận hơn 2000 cây bời lời và cà-phê giống), được chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc; mở lớp xóa mù chữ cho những người lớn tuổi của làng v.v.. Ông A Giáp, chủ nhân một hộ gia đình nghèo trong làng nói: "Không có sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, còn lâu nhà mình mới mua được con bò giống để nuôi. Lần này về làng, không chỉ hỗ trợ cây, con giống, bộ đội còn hướng dẫn bà con cách làm ăn, bày cho cách chi tiêu hàng ngày để cuộc sống ngày càng ổn định hơn". Người dân làng Đắc Ga, nhất là những hộ gia đình nghèo thật sự phấn khởi, vì "chỉ mới qua một giấc ngủ đã có con bò để nuôi, sau một tuần lên rẫy đã có ngôi nhà mới để ở".
Cánh đồng "hai trong một" ở làng Tung
Cũng như bao ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số Jơ - rai trên địa bàn biên giới, việc đưa cây lúa nước đến với người làng Tung, xã Ia Nan (Đức Cơ, Gia Lai) được xem là "cuộc cách mạng" mở ra cơ hội thoát nghèo cho hơn 150 gia đình nơi đây. Không chỉ giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ, cây lúa nước đến với buôn làng còn tạo tiền đề quy hoạch ổn định vùng chuyên canh các loại cây kinh tế mũi nhọn khác như cao su và cà-phê, cùng lúc vừa xóa được đói, vừa giảm được nghèo.
Việc tạo ra chiếc "cần câu" để bà con đi câu cá là quan trọng nên dù tiền mua "cần câu" có gấp hàng chục lần tiền "cá" vẫn được công ty chấp nhận đầu tư. Vì vậy liên tiếp trong 2 năm đầu (2006 - 2007), Công ty 72 đã đầu tư gần 300 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công lao động giúp bà con làng Tung phát triển được 13,6 ha lúa nước tại các khu vực có khả năng canh tác lúa nước nhưng lại bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.
Trên chuyến xe đưa chúng tôi xuống thăm làng Tung, Trung tá Nguyễn Phú An, Chủ nhiệm Chính trị Công ty 72 nói rất nhiều về mô hình canh tác giống lúa năng suất cao mà cán bộ chiến sĩ đội sản xuất số 10 của Công ty đang triển khai cho bà con học tập. Việc triển khai mô hình này vừa mang tính trình diễn nhằm chuyển giao kỹ thuật ngay tại cánh đồng cho bà con, vừa cung cấp nguồn giống để ổn định diện tích làm lúa nước cho vụ mùa tiếp sau.
Để bảo đảm được mục đích của mô hình "hai trong một" này, cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên xuống ruộng với dân, tránh tình trạng nửa chừng bà con rất dễ quay lại với cây lúa rẫy. Trực tiếp gặp gỡ và hỏi chuyện bà con mới thấy tâm huyết người lính của Công ty 72 khi họ như là những cán bộ khuyến nông thực sự. Từ việc đến từng nhà gọi người dân ra đồng, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, đến các công việc xuống giống, bón phân, chăm sóc v.v.. nghĩa là như tâm sự của đại tá, Giám đốc Đặng Anh Dũng: "Muốn cây lúa nước "bén duyên" đất làng Tung, phải đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất lẫn con người".
Nhờ gần gũi với bà con, tích cực bám ruộng bám đồng bằng chủ trương "gắn đội sản xuất với thôn làng", những người lính của Công ty 72 đã hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật, giúp bà con tự tin bắt nhịp với cây lúa nước, nâng cao năng suất cây trồng. Chỉ sau hai năm hưởng ứng phong trào làm lúa nước do Công ty phát động, người làng Tung đã có 2 cánh đồng đủ khả năng đưa máy móc cơ giới vào sản xuất, đạt năng suất bình quân gần 4 tấn/ha. Ông Ksor Chiếc, Bí thư chi bộ làng Tung nói: "Nhờ có cây lúa nước, bà con làng Tung đã yên tâm với vấn đề lương thực tại chỗ để tập trung phát triển cây cao-su và cà-phê. Làng mình giờ đã có nhiều gia đình tham gia làm công nhân cho Công ty 72 nên cuộc sống thay đổi và tiến bộ rất nhiều. Được bộ đội chăm lo, rồi đây đời sống của người dân làng Tung sẽ ngày càng ổn định, no ấm".
Khi đã giải quyết cơ bản được lương thực tại chỗ, bà con mới tin tưởng và yên tâm tính đến chuyện làm giàu từ những cây công nghiệp dài ngày. Từ đó mở hướng phát triển cây công nghiệp hàng hóa, thực sự đem lại cho đồng bào vùng biên giới xa xôi những cơ hội thoát nghèo và làm giàu. Điều này chỉ có những "anh bộ đội Cụ Hồ" với trách nhiệm và tấm lòng của mình và bằng phương châm "5 cùng" mới có thể làm được. /.
Bổ sung thành viên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  (13/05/2009)
"Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn - khát vọng của độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc”  (12/05/2009)
Ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam  (12/05/2009)
Ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam  (12/05/2009)
- Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người với việc xây dựng và phát huy nhân tố con người để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
- Phát triển tài chính toàn diện trên cơ sở mối quan hệ với công nghệ tài chính và hàm ý chính sách cho Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay