Phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
TCCS - Ngày 16-6-2024, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức Lễ tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo lần thứ II, năm 2024, với chủ đề “Điểm tựa của bản làng”.
Tham dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội và gần 200 đại biểu là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo.
Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác vận động, phát huy vai trò của người uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, cả nước ta có hơn 28,5 nghìn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong tất cả các lĩnh vực, là những cá nhân ưu tú, có hiểu biết sâu sắc các phong tục, tập quán ở địa phương, được cộng đồng mến mộ, kính trọng, suy tôn.
Nhiều tấm gương đi đầu cùng với Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ; tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm, không tin, không nghe theo kẻ xấu, không di cư tự do, truyền đạo trái phép…, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; nhiều người uy tín giỏi làm ăn, biết áp dụng các kiến thức khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ bà con trong thôn, bản cùng có sinh kế bền vững; xây dựng và vận động nhân dân thực hiện các hương ước, quy ước tiến bộ của địa phương, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; không ngừng vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân, gắn kết tình dân tộc, thân tộc hai bên biên giới, góp phần quan trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường khẳng định, sự bình yên và phồn vinh của biên cương Tổ quốc in đậm dấu ấn đóng góp, cống hiến và hy sinh của đồng bào các dân tộc nói chung và của người có uy tín các dân tộc nói riêng. Đây thực sự là những “Điểm tựa của bản làng” ở những vùng đất trọng yếu của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, biên giới quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là tài sản vô giá mà cha ông ta đã tạo dựng qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao hy sinh, gian khó để giữ gìn, trao truyền cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mà lực lượng nòng cốt, chuyên trách là Bộ đội Biên phòng. Để “mỗi người dân nơi biên giới là một cột mốc sống”, có vai trò quan trọng hàng đầu của người có uy tín.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị, các ban, bộ, ngành, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác vận động và phát huy vai trò của người có uy tín cần trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, sớm phát hiện, bồi dưỡng, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho những nhân tố có triển vọng để trở thành lớp người có uy tín kế cận, kế tiếp, dồi dào, vững mạnh. Các chính sách đến với người có uy tín cần kịp thời, đầy đủ, thiết thực. Ngoài quy định của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiên cứu để có thêm những chế độ cho người có uy tín phù hợp điều kiện, đặc điểm, tình hình riêng của đơn vị, địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ, trang bị những điều kiện cần thiết để người có uy tín hoạt động.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an gắn bó chặt chẽ với đội ngũ người có uy tín ở khu vực biên giới. Tùy thuộc vào đặc điểm vùng miền, dân tộc, điều kiện của địa phương để đổi mới cách thức phối hợp phù hợp, đa dạng, linh hoạt nhằm phát huy cao nhất thế mạnh và khả năng của từng người có uy tín trên các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Đội ngũ người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu trong lời nói và việc làm để gia đình, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương và làm theo; tích cực phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan; vận động, giáo dục con cháu… tham gia các tổ tự quản đường biên, cột mốc, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, công an tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới...
Với ý nghĩa chính trị sâu sắc của Chương trình “Điểm tựa của bản làng”, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Dân tộc nghiên cứu cụ thể, định kỳ tổ chức chương trình để kịp thời tôn vinh, động viên những người có uy tín tiêu biểu đang ngày đêm không quản gian khổ, cùng với đồng bào các dân tộc và lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Thường trực Ban Bí thư mong muốn, đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có những người có uy tín tiêu biểu luôn ghi nhớ lời căn dặn sâu sắc, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt của Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ I, năm 2018 là: “Mong bà con luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin tưởng vào tiền đồ tốt đẹp của dân tộc, không nghe kẻ xấu xúi giục, không làm điều gì ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự là những “Điểm tựa của bản làng”".
Tại chương trình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao biểu trưng và giấy chứng nhận của Chương trình “Điểm tựa của bản làng” cho các đại biểu người có uy tín tiêu biểu.
* Trong chuỗi hoạt động của sự kiện này, các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo đã tham dự buổi gặp mặt Chủ tịch nước, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9)./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển