Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường hợp tác các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
TCCS - Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội khóa XV, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, ngày 2-3-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024 - 2028.
Dự và chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, việc triển khai thực hiện các nội dung ký kết còn nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương, các nghị định, chương trình hành động của Chính phủ có liên quan tới lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, việc ký kết chương trình phối hợp không chỉ thực hiện các công việc của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là việc của Bộ Khoa học và Công nghệ và đây là trách nhiệm chung cho sự phát triển của khoa học - công nghệ nước nhà. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có thể triển khai, thử nghiệm những cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết ba thách thức: Tỷ lệ đầu tư chưa tương xứng; cơ chế tài chính nhằm huy động nguồn lực và một số chính sách để giải quyết các nhu cầu rất lớn của khoa học - công nghệ hiện nay; đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội giao Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù là đúng vai trò, sứ mệnh của Thành phố; trong đó, có thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó có thể rút kinh nghiệm chung cho cả nước trong thời gian tới...
Trước những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực khoa học - công nghệ mà Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu Chính phủ sớm có nghị định, hướng dẫn để Thành phố thuận lợi hơn trong thực hiện; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất thêm những cơ chế “sandbox” trong lĩnh vực này. Bí thư Nguyễn Văn Nên tin tưởng, từ chương trình hợp tác, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có nhiều điều kiện, cơ hội, có không gian để triển khai các công việc trong lĩnh vực khoa học - công nghệ năng động, sáng tạo, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại, cùng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành khoa học - công nghệ đang nỗ lực vận động không ngừng trên mọi phương diện để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ đòn bẩy, góp phần thúc đẩy nền kinh tế truyền thống chuyển đổi mạnh mẽ với sự tham gia của kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, khoa học - công nghệ vốn là lĩnh vực khó quản lý, nhưng không có nghĩa là không có cách giải quyết. Thay vì né tránh, chúng ta hãy xem đó là cơ hội, là động lực để thay đổi vì những điều tốt đẹp hơn. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội không chỉ là cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là cơ hội cho ngành khoa học - công nghệ để thử nghiệm các chính sách của bộ, của ngành.
Đồng thời Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đề xuất thực tiễn của Thành phố, sẵn sàng phân cấp, phân quyền khi đáp ứng đủ điều kiện cần có; từ đó, động viên đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả khoa học - công nghệ thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.
Chương trình phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2024 - 2028 gồm 9 nội dung, như áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học - công nghệ công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động khoa học - công nghệ tại Thành phố...
Bên cạnh đó, áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của Thành phố về cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án khoa học - công nghệ; cơ chế tài chính các chương trình, dự án khoa học - công nghệ cho công tác lập dự toán, phê duyệt dự toán, quyết toán, mua sắm công… đối với 3 nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm:
Nhóm một, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ internet kết nối vạn vật, công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, robotics, công nghệ tự động hóa và công nghệ in 3D tiên tiến.
Nhóm hai, gồm công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo, sản xuất giống trong nông nghiệp, công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, công nghệ tế bào gốc, công nghệ vi sinh tiên tiến, công nghệ dược, công nghệ sản xuất thiết bị, vật liệu kháng khuẩn, kháng virus sử dụng trong y tế, công nghệ dược phẩm, vật liệu y sinh, bộ phận giả, thiết bị y tế kỹ thuật cao.
Nhóm ba, gồm công nghệ vật liệu nano, vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh, vật liệu bán dẫn, quang điện tử và quang tử, vật liệu in 3D tiên tiến, vật liệu y sinh học.
Ngoài ra, áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của Thành phố về hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên ngân sách của Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng.
Xây dựng và áp dụng thí điểm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn thành phố; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.
Xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.
Thí điểm cơ chế tài chính sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ… nhằm nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ.
Cơ chế sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp cho các hoạt động: Thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ, đầu tư cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp, thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ.
Xây dựng và áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay chưa có quy định. Xây dựng và triển khai mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Thành phố theo thông lệ quốc tế…/.
Đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước  (28/12/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những khó khăn, thách thức của đất nước  (26/11/2023)
Hội thảo khoa học “Một số định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”  (05/11/2023)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên