TCCS - Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, mạch nguồn văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc trong quá trình phát triển với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 29-8-2022, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” - là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết riêng về văn hóa. Sau 1 năm thực hiện, nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững được nâng lên, đạt được một số kết quả bước đầu.

Một số kết quả đạt được

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, ngày 23-10-2022, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh năm 2022, nhằm quán triệt sâu sắc, toàn diện Nghị quyết số 71-NQ/TU; đánh giá những thành tựu, hạn chế trong phát triển văn hóa tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh đến nay; đề ra định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh thời kỳ mới. Tiếp đó, ngày 17-12-2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022, với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Các ý kiến tại hội thảo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia đầu ngành về văn hóa đã gợi mở nhiều vấn đề còn vướng mắc để tỉnh Bắc Ninh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 71-NQ/TU.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 71-NQ/TU, ngày 30-12-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch số 581/KH-UBND, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể, giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương đã bám sát nhiệm vụ, giải pháp và nội dung kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành, địa phương và đồng loạt triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả.

Bắc Ninh đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh. Lồng ghép tuyên truyền các nội dung Nghị quyết số 71-NQ/TU với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về văn hóa, văn học, nghệ thuật… Các cơ quan báo chí của tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh. Nhiều tin bài, phóng sự chất lượng, được đánh giá cao, góp phần chuyển tải các thông điệp về văn hóa, con người của tỉnh. Báo Bắc Ninh thường kỳ có từ 1 đến 2 trang chuyên đề về các lĩnh vực liên quan đến văn hóa. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì các chuyên đề văn hóa - xã hội hằng tuần, với thời lượng 30 phút/chuyên đề. Ngoài ra còn tuyên truyền các tin, bài, phóng sự về chủ đề xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh trên các chuyên mục thời sự hằng ngày.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn tổ chức các đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như liên hoan, hội thi, chiếu bóng, triển lãm, tuyên truyền cổ động trực quan... Ngành văn hóa tỉnh tổ chức 46 buổi biểu diễn tuyên truyền lưu động, 25 buổi chiếu bóng lưu động chuyên đề “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam”; 9 buổi chuyên đề “Xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư thời kỳ hội nhập”; tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động về “Xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư thời kỳ hội nhập”;“ Bắc Ninh với văn hóa giao thông”...

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND, ngày 5-10-2023, về “Quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng quan họ gốc; làng quan họ thực hành; các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; các câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh”. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 28-4-2023, về việc đổi tên các đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch; thành lập Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh.

Đối với nhiệm vụ xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, tỉnh Bắc Ninh xác định xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị phẩm chất, đạo đức con người Bắc Ninh - Kinh Bắc; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện, ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp...; giáo dục thanh thiếu niên có lối sống vì cộng đồng thông qua các hình thức sinh hoạt như “Tuổi trẻ sống đẹp - sống có ích”, “Xây dựng phong cách học sinh Bắc Ninh - Kinh Bắc”, “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”, “Xây dựng hình mẫu thanh niên Bắc Ninh giai đoạn 2018-2022”. Tỉnh cũng chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”; ban hành Bộ tiêu chí “An toàn giao thông”; Quy định “Tiêu chí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng”…; góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, từng bước hình thành đặc trưng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Song song đó, Bắc Ninh tiếp tục thực hiện tốt “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, “Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục”, “Bộ tiêu chí an toàn giao thông”, phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Ninh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025... Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương trong tỉnh, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 304.165/328.864 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 96,5%); 665/730 thôn, làng, khu phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa (đạt 91,1%); 88,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ điện táng, hỏa táng đạt từ 60% trở lên; 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8/8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; chọn 16 khu dân cư để chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bằng sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện đồng bộ, chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân tiếp tục được nâng cao. Hoạt động hội thi, hội diễn cấp tỉnh được tổ chức quy mô lớn, đa dạng về nội dung và hình thức; các đoàn nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh tham gia các hội thi, hội diễn cấp quốc gia đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, gồm: 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại Hội thi hát dân ca 3 miền; 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc tại Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và hải đảo Việt Nam” năm 2023. Tổ chức xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Bắc Ninh lần thứ II (giai đoạn 2017 – 2022) nhằm lựa chọn những tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh và khắc họa chân thực hình ảnh con người, quê hương Bắc Ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với việc phát triển sản phẩm dịch vụ, công nghiệp văn hóa, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thành công Festival “Về miền quan họ 2023”, kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Phối hợp tổ chức thành công Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động toàn quốc năm 2022” tại Bắc Ninh; tổ chức đón tiếp đoàn đại biểu tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI; tổ chức Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023”, với chủ đề “Vẻ đẹp Bắc Ninh - Kinh Bắc”, với sự tham gia của gần 150 đại biểu là các đại sứ/trưởng đại diện từ các ngoại giao đoàn và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Bắc Ninh đã xây dựng, tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh đợt 11 (năm 2022) cho 3 hiện vật, gồm: Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự), xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ; Bia đá chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình; Thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn. Tiếp tục tham mưu, xây dựng hoàn thiện hồ sơ hiện vật Mộc bản chùa Dâu, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 (năm 2023); thực hiện hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp cho khoảng 40 di tích (chiếm 60%); triển khai kế hoạch xếp hạng di tích cho 9 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt.

Bắc Ninh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng 6 nghệ nhân nhân dân, 24 nghệ nhân ưu tú. Đến nay, toàn tỉnh có 203 nghệ nhân; tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3, gắn với Hội thi hát dân ca quan họ đầu Xuân Quý Mão. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá dân ca quan họ Bắc Ninh và nghề làm tranh dân gian Đồng hồ tại Dubai - các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nhật Bản và Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ... góp phần quảng bá hình ảnh và con người Bắc Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế.

Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới

Để phát huy vai trò của văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh, thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong quá trình đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, nghị quyết về văn hóa của tỉnh Bắc Ninh. Cần xác định xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Hai là, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của lĩnh vực văn hóa và thực tiễn của địa phương; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Xây dựng, hoàn thiện, triển khai có hiệu quả hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bắc Ninh - Kinh Bắc trong thời kỳ mới. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 581/KH-UBND, ngày 30-12-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 29-8-2022, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030”, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Rà soát, sửa đổi, xây dựng các chính sách phát triển văn hóa, con người và du lịch của tỉnh Bắc Ninh. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, then chốt cho công tác quản lý văn hóa và ngành văn hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng điểm du lịch và các tuyến giao thông kết nối các di sản văn hóa tiêu biểu; tập trung xây dựng hạ tầng du lịch, các điểm đến du lịch. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Ba là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa; xây dựng Bắc Ninh thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; chủ động đón nhận thời cơ, thách thức để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Đa dạng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; duy trì, cập nhật Cổng thông tin du lịch thông minh và phát hành các ấn phẩm quảng bá về hình ảnh du lịch của tỉnh. Phối hợp quảng bá văn hóa, du lịch gắn với các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh. Tích cực tham gia quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức hoạt động trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và khách du lịch. xây dựng Bắc Ninh thành điểm đến hấp dẫn, có tính kết nối cao./.