Chiều 25-3, trong ngày đầu tiên của Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi nghe các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2008 trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá cả tăng cao, đã nhấn mạnh: Chính phủ tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và các thành viên Chính phủ đã nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2008, báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; báo cáo về tình hình sản xuất nông nghiệp, tình hình giá cả thị trường và các giải pháp bình ổn giá, tình hình thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và các hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát năm 2008 do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trình bày.

Sau những ý kiến thảo luận nhìn thẳng vào thực tế, các thành viên Chính phủ đều nhất trí đánh giá tình hình giá cả thế giới nhất là giá dầu tăng cao, kinh tế toàn cầu suy giảm, đồng USD giảm giá đã tác động không thuận đến nền kinh tế nước ta. Trong khi đó, thiên tai lũ lụt, rét đậm, rét hại và các dịch bệnh cây trồng, gia súc, gia cầm diễn ra liên tiếp càng làm khó khăn cho đời sống nhân dân.

Các biện pháp kiềm chế lạm phát bắt đầu phát huy tác dụng

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bằng sự quyết tâm nỗ lực chung của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/ 2008 đạt 7,4 %, trong đó nông nghiệp tăng 4,1% là kết quả đáng khích lệ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cho rằng, tốc độ tăng giá trong tháng 3-2008 thấp hơn và có dấu hiệu chững lại so với tháng 2/2008 là điều đáng mừng cho thấy hiệu quả bước đầu của việc tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: Công nghiệp tuy tăng khá, song vẫn giảm 1% so với cùng kỳ 2007, mức nhập siêu cao, thị trường chứng khoán suy giảm, giá cả tăng cao đều là những dấu hiệu không tốt, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, tác động đến tâm tư và làm đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp ngày càng khó khăn.

Kinh tế thế giới suy giảm tác động tiêu cực đến Việt Nam

Theo dự báo của các chuyên gia cả trong và ngoài nước, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, theo chiều hướng suy giảm. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 chỉ tăng 4,1% so với 4,9% năm 2007 và 5% năm 2006. Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới, nhất là nguy cơ suy thoái và lạm phát của nền kinh tế Mỹ kéo theo sự suy giảm về thương mại, đầu tư…sẽ tác động đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt tác động mạnh đến các nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Đối với nước ta, hơn 80% vật tư nguyên liệu phải nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,7 lần GDP, 35% vốn đầu tư huy động từ nước ngoài thì sự suy giảm của kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực sẽ tác động trực tiếp đến các mặt hoạt động kinh tế trong nước, nhất là việc thúc đẩy xuất khẩu và huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển. Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cho rằng phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng (GDP) và chỉ số lạm phát năm 2008 phù hợp với tình hình mới. Trong đó, chú trọng ưu tiên kiềm chế lạm phát, duy trì khả năng tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp các gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

8 giải pháp bảo đảm ổn định, phát triển

Thủ tướng nhất trí với các giải pháp cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đề xuất. Thủ tướng nhấn mạnh 8 giải pháp chủ yếu sau:

Một là, phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động và linh hoạt, bảo đảm mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm huy động các nguồn vốn phục vụ phát triển.

Hai là, về chính sách tài khóa, phải phấn đấu tăng thu, thắt chặt chi tiêu công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; hạn chế bội chi ngân sách, không mở rộng thêm các khoản chi; rà soát lại các dự án đầu tư, loại bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả, giãn tiến độ các dự án chưa khởi công hoặc mới khởi công.

Ba là, bảo đảm cân đối cung cầu đối với các loại vật tư quan trọng như: Xăng dầu, điện, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu và các hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm…

Bốn là, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả, không cho đầu cơ tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thép, vật liệu xây dựng, lương thực, phân bón.

Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu và giảm nhập siêu, nhất là đối với các ngành hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế như: Thủy sản, dệt may, giầy da… tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhất là việc chuyển ngoại tệ thành VNĐ và tình trạng thiếu vốn tín dụng…cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Sáu là, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, bảo đảm cho đầu tư và sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi.

Bảy là, thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ người nghèo bị thiệt hại do thiên tai và do giá tăng đột biến trong thời gian qua; tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông dân bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua; hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho sản xuất, đời sống nhân dân do điều chỉnh tăng giá, trước hết là đối với người nghèo, vùng miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác; biến khó khăn thành các thời cơ thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tám là, các cấp các ngành, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách và giải pháp chống lạm phát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống đầu cơ tăng giá. Các phương tiện thông tin đại chúng phải đưa thông tin chính xác, tạo niềm tin, khí thế trong nhân dân về các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nước ta./.