Tây Nguyên, địa bàn chiến lược có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước ta cả trước mắt cũng như về lâu dài. Để thực hiện nhiệm vụ to lớn nói trên, việc củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở, trong đó từng bước xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức xã cho vùng đồng bào dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng.

Thực tiễn ở Tây Nguyên cho thấy: chính quyền xã vùng đồng bào dân tộc những năm vừa qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm củng cố, tăng cường về nhiều mặt, song bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều yếu kém về trình độ văn hóa, chuyên môn cũng như năng lực tổ chức thực tiễn. Đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai trên địa bàn đạt hiệu quả thấp, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc phát triển chậm, tình trạng đói nghèo còn phổ biến, an ninh chính trị, trật tự xã hội một số nơi chưa ổn định.

Từ ý nghĩa trên, việc đánh giá thực trạng để đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm củng cố chính quyền xã vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

Qua khảo sát 20 xã của 5 tỉnh Tây Nguyên, thực trạng chất lượng cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc: về chính trị, phần lớn chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 58,72%. Điều này đã hạn chế nhiều về nhận thức cũng như công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

Về kiến thức quản lý hành chính nhà nước, căn cứ tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-1-2004 của Bộ Nội vụ thì cán bộ, công chức xã phải qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước từ sơ cấp trở lên. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 7,2% cán bộ, công chức xã đã qua đào tạo sơ cấp quản lý hành chính nhà nước; 2,6% đã qua đào tạo trung cấp, so với tiêu chuẩn đề ra đã có trên 90% cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc chưa được trang bị kiến thức quản lý hành chính nhà nước.

Có 3,4% cán bộ, công chức xã có trình độ văn hóa tiểu học; 37,4% trung học cơ sở; 56,2% trung học phổ thông. Trình độ văn hóa trung học phổ thông của chủ tịch hội đồng nhân dân là 55%, phó chủ tịch hội đồng nhân dân 45%, chủ tịch ủy ban nhân dân 50%, phó chủ tịch ủy ban nhân dân 50%. Như vậy, so với tiêu chuẩn, có 50% cán bộ chủ chốt xã vùng đồng bào dân tộc chưa đạt chuẩn về văn hóa.

Về chuyên môn, có 64,68% cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo, trong đó cán bộ chủ chốt chưa qua đào tạo chiếm 76,67%; công chức chưa qua đào tạo là 59,31%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hiện nay còn nhiều hạn chế do chất lượng học viên không đồng đều, nhận thức ở các lớp học bị chênh lệch, lớn tuổi, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị chưa bảo đảm tiêu chuẩn đầu vào, đời sống của số đông học viên là người dân tộc thiểu số còn khó khăn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với công tác quy hoạch và bố trí sử dụng, một số được đào tạo nhưng về địa phương không bố trí công việc phù hợp, đã ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, nặng về lý thuyết, ít gắn với thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, giảng viên thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Cơ sở vật chất - kỹ thuật và phương tiện phục vụ công tác giảng dậy và học tập của các trường còn nhiều thiếu thốn.

Trên cơ sở đó, muốn nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên cần vận dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở Tây Nguyên, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc.

Phải coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và phát triển Tây Nguyên. Chất lượng cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc không chỉ là vấn đề về bộ máy và chính quyền mà còn là vấn đề chính trị - kinh tế, trực tiếp ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, an ninh của cả vùng.

Hai là, đổi mới công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Giải pháp cho vấn đề này chính là tăng cường giáo dục, quản lý cán bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, phê bình và tự phê bình, thực hiện tốt các hình thức giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức, nhất là tại cộng đồng dân cư. Thí điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh chủ chốt chính quyền xã để thực hiện "Có vào, có ra, có lên, có xuống", đây là giải pháp cần thiết.

Ba là, đổi mới công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, công chức. Định kỳ hằng năm khảo sát đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã, xác định đúng hướng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, nhu cầu sử dụng gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Trên cơ sở rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ, tiến hành tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nguồn quy hoạch để khi cần thiết sẽ chủ động lựa chọn và có nguồn bổ sung, nếu không khi cần bổ sung có cán bộ nhưng lại không đủ tiêu chuẩn hoặc khi có cán bộ đủ tiêu chuẩn, thì không còn cơ hội để bố trí. Công tác quy hoạch cán bộ phải làm thường xuyên, quy hoạch phải cụ thể, có tính khả thi và cương quyết thực hiện đúng quy hoạch, khắc phục tình trạng quy hoạch, đào tạo về không bố trí được.

Về nguồn cán bộ, thực hiện chế độ cử tuyển để đào tạo cán bộ theo địa chỉ. Lựa chọn cán bộ trẻ, thanh niên ưu tú, học sinh đang theo học ở các trường phổ thông, trường nội trú, con em vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự có trình độ văn hóa trung học cơ sở, có triển vọng để lập danh sách cử tuyển đưa đi đào tạo. Khuyến khích thu hút sinh viên người dân tộc thiểu số tại chỗ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về địa phương công tác, đây là những giải pháp quan trọng để tiến tới mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức xã nói chung và các xã vùng đồng bào dân tộc nói riêng.

Bốn là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là người dân tộc thiểu số. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm về tiêu chuẩn, trình độ, tính kế thừa giữa các thế hệ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh đảm nhiệm. Vì vậy, cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng cho cả đối tượng cán bộ đương nhiệm, cũng như đối tượng dự nguồn.

Năm là, xây dựng cơ cấu hợp lý và tăng cường cán bộ, công chức cho các xã vùng đồng bào dân tộc. Quán triệt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong việc cơ cấu cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm tỷ lệ hợp lý ở mỗi ngành, mỗi cấp, nhất là tỷ lệ hợp lý giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số ở cấp xã là một yêu cầu rất quan trọng. Cơ cấu và sử dụng cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên ngoài việc thực hiện theo định hướng của Đảng về chính sách cán bộ người dân tộc, còn phải dựa trên cơ sở đặc điểm tình hình địa phương, tỷ lệ người dân tộc, thực trạng cán bộ, công chức của xã để xác định cơ cấu phù hợp với từng địa phương, từng thời điểm.

Công tác luân chuyển, tăng cường và điều động cán bộ, công chức cho các xã vùng đồng bào dân tộc là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, cũng thấy rằng đây là vấn đề lớn, nhạy cảm và phức tạp, do vậy trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng quy trình và phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để tăng cường cán bộ cho phù hợp, tránh làm theo kiểu phong trào, ồ ạt.

Sáu là, đổi mới và hoàn thiện chính sách cán bộ. Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức xã vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, cần quan tâm đổi mới một số chính sách bảo đảm những điều kiện cần thiết để cán bộ, công chức hoàn thành được nhiệm vụ. Chính sách cán bộ được biểu hiện ở chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chính sách sử dụng, quản lý cán bộ, bảo đảm các lợi ích vật chất, tinh thần cho cán bộ. Chính sách cán bộ không chỉ có tác dụng đảm bảo tái sản xuất sức lao động mà còn là đòn bẩy kích thích sự nhiệt tình và động lực trực tiếp thúc đẩy cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chính sách cán bộ hợp lý sẽ có tác dụng động viên, khuyến khích tích cực, ngược lại sẽ kìm hãm họ làm việc. Do đó, phải nghiên cứu bổ sung bảo đảm tính khả thi cho một số chính sách sau:

Chính sách trợ cấp cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số theo học tại các trường dân tộc nội trú, trung học, cao đẳng và đại học (chính sách này đã được ban hành nhưng đến nay không còn phù hợp);

Chính sách trợ cấp cho cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số đương nhiệm theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn về chi phí ăn, ở, đi lại để họ yên tâm học tập;

Chính sách thu hút học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng và đại học trở về xã công tác;

Chính sách phụ cấp hằng tháng cho cán bộ, công chức công tác ở các xã vùng đồng bào dân tộc (cho đối tượng cán bộ, công chức người dân tộc tại chỗ và đối tượng cán bộ, công chức được tăng cường);

Chính sách hỗ trợ về phương tiện đi lại và làm việc cho các xã vùng đồng bào dân tộc. Ngoài chính sách theo quy định chung, các xã vùng đồng bào dân tộc do địa bàn rộng nên cần được trang bị phương tiện đi lại và trợ cấp chi phí đi lại hằng năm cho cán bộ, công chức xã.

Bảy là, đánh giá quá trình sử dụng cán bộ, công chức cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng. Để tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã cần tổ chức đánh giá quá trình sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo, từ đó bổ sung cho công tác đào tạo và sử dụng cán bộ có hiệu quả.

Chỉ có triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên các giải pháp trên, mới có thể thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền xã vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên.