"Các anh ơi, xin đón các anh về!" (Kỳ I)
Suốt 24 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 – Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị lầm lụi, bươn bả trong những cánh rừng Lào đi tìm đồng đội. Không thể kể hết những gian truân, vất vả, hy sinh…, và cũng không thể nói hết niềm vui sướng của các anh mỗi khi tìm được dù chỉ một đồng đội, đang nằm ở một góc rừng quạnh vắng. Ký sự này không chủ đích khắc họa thật kỹ các nhân vật, mà thông qua những câu chuyện về họ, chúng tôi mong phác thảo được đôi nét chân dung của những con người rất bình dị đã xây dựng nên một tập thể anh hùng.
Kỳ I: Hoa chăm-pa trong chùa Đen-sa-vẳn
Tháng năm, hoa chăm-pa nở, hương hoa thơm nồng trong khuôn viên chùa Đen-sa-vẳn, huyện Sê-pôn. Sư thầy trụ trì Khăm Đi, từ mấy hôm nay tất bật công việc chuẩn bị cho buổi lễ trang trọng này… Đêm khuya, sư thầy thức dậy thắp hương lên bàn thờ Phật, bàn thờ các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam, rồi gõ mõ, tụng kinh, cầu cho linh hồn các liệt sỹ được siêu thoát, được trở về đoàn tụ với gia đình, đồng đội. Sư thầy Khăm Đi lặng lẽ ngắm 55 bộ hài cốt liệt sĩ nằm kề bên nhau, đội ngũ chỉnh tề trong nhà lễ. Các anh ra đi từ lúc còn thanh xuân, bây giờ trở về, chỉ còn…
Lễ truy điệu các liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại chùa Đen-sa-vẳn tháng 5-2008. (Ảnh: Trần Hoài) |
Hai mươi bốn năm, kể từ khi bước chân vào chùa Đen-sa-vẳn bắt đầu cuộc đời tu hành, cũng là hai mươi bốn mùa khô, sư thầy chứng kiến biết bao đợt quy tập hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam từ những cánh rừng Lào mang về chùa hương khói, cầu nguyện, đợi đến ngày tổ chức lễ trọng, tiễn các anh về nước. Sư thầy Khăm Đi không nhớ đã bao đêm thức trắng để chăm chút cho từng nén hương, mâm ngũ quả trên bàn thờ liệt sĩ. Ngày mai, các anh trở về Đất Mẹ, sư thầy như muốn nhắn gửi theo linh hồn bất diệt của các anh một điều…
Hôm trước, Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội 584 đến gặp, nói chuyến này đưa hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 an táng xong xuôi, khoảng tháng 6, các anh lại sang tổ chức khảo sát để chuẩn bị cho mùa khô năm 2008 – 2009. Nhìn nước da đen sạm, gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng của thượng tá Lưu, sư thầy Khăm Đi không khỏi bùi ngùi. Biết đến bao giờ các anh mới hoàn thành nhiệm vụ quy tập hết đồng đội đã hy sinh trên đất nước Triệu Voi này.
Đội tiêu binh danh dự Sư đoàn 4
thực hiện nghi lễ tiễn hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam
qua cửa khẩu Lao Bảo |
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sáng ngày 9-5-2008, nắng vàng ong. Đoàn cán bộ, nhân dân và các em học sinh huyện Sê-pôn cùng nắm chiếc dây dài kéo sau chiếc xe chở 55 hài cốt liệt sĩ. Tiếng nhạc nhà chùa trầm mặc, da diết. Sư thầy Khăm Đi nói với chúng tôi, đấy là một phong tục thiêng liêng của dân tộc Lào, được cử hành đối với những người thân yêu của bản làng, của bộ tộc đã khuất. Trên chiếc cầu biên giới Xả Ớt, chính giữa đường phân định ranh giới Việt – Lào, buổi lễ tiễn đưa và đón nhận hài cốt liệt sĩ về quê mẹ trang trọng diễn ra. Những chiến sỹ tiêu binh sư đoàn 4 - Quân đội nhân dân cách mạng Lào trang nghiêm trong quân phục nghi lễ tiễn đưa 55 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trở về quê hương. Đón các anh về! Bạn Lào tiễn đưa dừng lại bên này biên giới.
Anh Nguyễn Đăng Hóa, cán bộ hải quan cửa khẩu không kìm được xúc động, run run ngâm bài thơ “Đón các anh về” của Lê Ngọc Nam. Giọng ngâm thơ trầm ấm, vang lên, vọng suốt chiều dài biên giới:
“Đất nước đã đi qua chiến tranh
Các anh chưa về với mẹ
Qua bao năm âm thầm lặng lẽ
Bên cánh rừng già Tây Trường Sơn
Ngày các anh đi phơi phới tuổi đôi mươi
Rộn bước hành quân xẻ rừng đạp núi
Thiếu muối đói cơm đời vui đánh giặc
Đất nước thanh bình các anh nằm lại chiến trường xa.
Hơn ba mươi năm nay đón các anh về
Giữa dòng người lặng lẽ
Rừng xôn xao - người nước mắt dâng trào.
Tạm biệt các bản Lào
Các anh về với lòng đất mẹ
Cho Tổ quốc ở bên anh
Cho mẹ già vơi nỗi nhớ
Các anh ơi - xin đón các anh về…”.
Giữa cờ, hoa, hương khói, giữa đông đảo người về dự lễ, gương mặt những người lính Đội 584 hốc hác, đen sạm, xúc động nhưng vẫn ánh lên niềm vui: đã tìm thấy đồng đội. Với chúng tôi và tất cả những người có mặt trong buổi lễ hôm ấy, trong sâu thẳm tình cảm và lòng cảm phục, không chỉ chờ đón các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh mấy chục năm trước trở về Đất Mẹ, mà còn đón những người lính đi tìm đồng đội, những người lính của thế hệ hôm nay đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về.
Hơn 7 tháng trầm mình trong những cánh rừng Lào, về tới đơn vị, cỏ cây chen bước chân người. Đặt vội ba lô, cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập 584 lại tay dao, tay cuốc dọn dẹp doanh trại của mình. Thoảng tiếng trẻ con nô đùa từ ngôi làng bên cạnh đơn vị vọng lại, thiếu úy Nguyễn Văn Hiển vội dừng tay, tất tả lục túi ba lô, lôi ra chiếc điện thoại di động đã từ lâu không sử dụng, bấm máy, chờ đợi. Khoảnh khắc ấy, gương mặt anh như người có lỗi. Cuộc gọi vừa được vài phút, bỗng dưng anh hét toáng lên: Con mình biết nói, biết gọi ba rồi này! Chiếc điện thoại được bật loa ngoài, bập bẹ tiếng “Ba! Ba!” của chú bé một tuổi rưỡi... Ngày thiếu úy Nguyễn Văn Hiển lên đường, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đồng đội mùa khô này trên đất bạn Lào, con anh mới vừa tròn 10 tháng tuổi!
Cán bộ, chiến sĩ Đội 584
vượt sông Sê-păng-hiêng làm nhiệm vụ
(Ảnh: Xuân Trọng) |
Mũi tìm kiếm của thiếu úy Nguyễn Văn Hiển gồm 11 người do trung tá Bình - Đội phó chỉ huy vượt rừng đến bản Ma-dút (huyện Sê-pôn). Nhận được nguồn tin của ông Bun Hơn biết nơi chôn cất các liệt sĩ, khiến ai cũng như được tiếp thêm sức mạnh, nhanh chóng đạp núi, băng rừng. Đường hành quân phải vượt qua điểm cao 500, “dốc khủng khiếp”, đến nơi thì trời vừa tối. Từ đây có thể nhìn thấy Khe Sanh, Lao Bảo. Rừng Lào, mùa khô tao tác. Nỗi nhớ nhà, nhớ đứa con trai bé bỏng bất chợt dâng trào làm Hiển cứ mãi trằn trọc trên võng. Anh tự nhủ gắng chợp mắt, để lấy sức ngày mai đào tìm đồng đội. Nhưng rồi, suốt đêm đó và 5 đêm tiếp theo, chẳng đêm nào anh được yên giấc. Các anh đã đào tìm, băm nát đỉnh đồi theo lời chỉ dẫn của Bun Hơn mà vẫn không tìm thấy hài cốt liệt sĩ nào. Đã mấy chục năm qua rồi, Bun Hơn đã quá già, trí nhớ có thể không còn chính xác. Không còn nỗi nhớ nhà, nhớ con nữa mà thay vào đó là sự dằn vặt, day dứt, không yên lòng với các liệt sĩ đang còn nằm đâu đó trên điểm cao này.
Trên cánh võng, dưới trời đêm, trong mùa khô rừng Lào, một mùi thơm dịu nhẹ, tinh khiết thoảng trong không gian tĩnh lặng… Hiển bật dậy, lấy đèn pin soi tìm. Anh lần theo mùi hương bí ẩn, xuống khe suối cạn. Bất chợt hiện ra trước mặt là một nhành hoa chăm-pa! Những cánh hoa sứ trắng muốt, êm đềm, thanh sạch ngào ngạt. Hiển hét lên: “Đây rồi, các đồng chí ơi, tìm thấy rồi…”. Và anh giật mình tỉnh dậy, anh em trong tổ cũng giật mình tỉnh dậy. Ôi, đó chỉ là một giấc mơ…/.
Kỳ II: Thuở ban đầu trăm ngàn gian khó
Đa dạng hoá hoạt động đầu tư: những điều cần tránh  (23/07/2008)
Việt Nam thành công trong vai trò Ủy viên Hội đồng Bảo an  (23/07/2008)
Việt Nam thành công trong vai trò Ủy viên Hội đồng Bảo an  (23/07/2008)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 39 (10-7-2008)  (23/07/2008)
Mục lục Chuyên đề cơ sở số 18 (6-2008)  (23/07/2008)
Thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á  (23/07/2008)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam