Kỷ niệm 61 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2008), Thủ đô Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Điều đó cho thấy thái độ trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và những người có công với cách mạng.

Hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là sự tiếp nối, là một trong rất nhiều hoạt động phong phú, thiết thực được triển khai thường xuyên trong năm, được lồng ghép vào các hoạt động, phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

- Chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với những người có công với cách mạng được tuyên truyền sâu rộng trong xã hội và tổ chức thực hiện chu đáo, bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời. Những thủ tục hành chính trong lĩnh vực thực hiện chính sách với những người có công tiếp tục được cải cách, đi liền với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa và xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, cố ý làm trái trong lĩnh vực thực hiện chính sách.

- Tổ chức Hội nghị biểu dương những tấm gương thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đạt thành tích cao trong học tập, hoạt động văn hoá xã hội; những xã, phường, đơn vị và cá nhân thực hiện tốt và có nhiều đóng góp trong Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

- Thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, các đơn vị sản xuất kinh doanh đã nuôi dưỡng, người có công với cách mạng. Tổ chức thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài liệt sĩ trong Thành phố và nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9 (Quảng Trị).

- Đẩy mạnh công tác chăm sóc đời sống thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng dưới nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với nhu cầu và điều kiện ở từng địa bàn. Vận động toàn dân tham gia ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ các gia đình chính sách về nhà ở, đời sống, việc làm... Hỗ trợ các gia đình chính sách có khó khăn cải thiện điều kiện nhà ở dới nhiều hình thức: tặng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước hoặc bán nhà trả góp với giá ưu đãi cho các gia đình có khó khăn ở các quận nội thành.

Căn cứ kết quả điều tra mức sống, nhà ở của các gia đình người có công, Thành phố xây dựng kế hoạch nâng cao mức sống cho người có công và có biện pháp cụ thể để hỗ trợ kịp thời các gia đình chính sách thuộc diện khó khăn vươn lên, thực hiện mục tiêu 100% các gia đình chính sách có mức sống bằng, hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, 100% xã phường, thị trấn làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ.

- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thương bệnh binh và người khuyết tật đang sử dụng xe 3 - 4 bánh tự chế chuyển đổi xe hoặc chuyển đổi nghề, ổn định việc làm và đời sống.

- Tu bổ các công trình tưởng niệm liệt sĩ (mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia đài tưởng niệm liệt sĩ). Hoàn thành chương trình quản lý và báo tin mộ liệt sĩ.

Theo báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã xây dựng được 33 ngôi nhà tình nghĩa, trị giá 1.540 triệu đồng; sửa chữa được 96 ngôi nhà tình nghĩa, trị giá 1.054 triệu đồng; tặng một số sổ tiết kiệm, trị gía 377 triệu đồng; lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 3.341,5 triệu đồng...

Những kết quả nêu trên đã được nhân dân Thủ đô Hà Nội thực hiện với tất cả tấm lòng biết ơn và trân trọng, nhưng quả là vẫn quá nhỏ nhoi nếu so với những cống hiến, hy sinh xương máu của các thương binh, liệt sỹ và những người có công với cách mạng đã đóng góp cho Thủ đô và cả nước.

Ngày nay, được sống trong hoà bình, đời sống ngày càng được cải thiện, chúng ta càng không bao giờ quên những hy sinh to lớn, những mất mát không gì có thể bù đắp được đối với những người đã sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho Thủ đô, cho dân tộc. Những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa là một sự tri ân, động viên, chia sẻ với những người thân, những gia đình của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, cùng vươn lên hoà nhập với cộng đồng, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới nhằm mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.