Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh
TCCS - Nhận lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 1-11 đến ngày 5-11-2023.
Ngày 1-11-2023, Lễ đón chính thức Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh.
Tại buổi hội đàm, trong không khí hữu nghị, chân thành và cởi mở, Chủ tích nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông cổ Ukhnaagiin Khurelsukh thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi về phương hướng lớn, biện pháp thực chất, hiệu quả thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước lên tầm cao mới, nhất trí hướng tới việc thiết lập khuôn khổ quan hệ mới nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Hai bên cũng trao đổi, chia sẻ tầm nhìn về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Phát biểu tại hội đàm, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Mông Cổ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; đánh giá cao việc Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh chọn Việt Nam là nước thăm song phương đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á; chúc mừng Mông Cổ về những thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là các thành tựu bước đầu trong khuôn khổ triển khai “chính sách phục hồi mới” sau đại dịch và mục tiêu chiến lược “Tầm nhìn 2050”; khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Mông Cổ; cùng nỗ lực đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới thực chất, hiệu quả, toàn diện và lâu dài.
Hai bên nhất trí cùng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực phù hợp với tiềm năng hợp tác của mỗi nước; phối hợp triển khai các hoạt động dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2024; thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác song phương, qua đó góp phần củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước và hướng tới việc thiết lập khuôn khổ quan hệ mới thời gian tới.
Hài lòng trước những thành quả và tiến triển mới trong hợp tác hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có. Hai bên ghi nhận việc Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an được thành lập và hoạt động hiệu quả là minh chứng sinh động cho sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả giữa hai bên.
Đánh giá thương mại hai nước có tính bổ trợ cao, lãnh đạo hai nước nhất trí nỗ lực thúc đẩy mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên gấp đôi trong thời gian tới. Hai bên đánh giá cao vai trò của cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật; nhất trí tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại tại mỗi nước; thúc đẩy lĩnh vực hợp tác khoáng sản thiết yếu giữa hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong thúc đẩy mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ từ đầu năm 2023; ủng hộ hai bên mở các chuyến bay mới phù hợp nhu cầu đi lại, du lịch của người dân hai nước; nhất trí cần tiếp tục trao đổi tìm giải pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn trong logistics, vận tải đường sắt, đường biển và hàng không giữa hai nước.
Hai bên nhất trí tiếp tục nghiên cứu khả năng cung ứng và tiếp nhận lao động theo các ngành nghề, lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu; tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định về hợp tác giáo dục và đào tạo, xem xét tích cực việc tăng thêm số lượng học bổng diện Hiệp định Chính phủ phù hợp với nhu cầu của hai bên; mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực y tế, trong đó có y học cổ truyền; tăng cường triển khai các chương trình giao lưu và quảng bá về văn hóa, lịch sử mỗi nước, thúc đẩy trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch hai bên, thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước; hợp tác chặt chẽ bảo hộ công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia.
Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, ASEM...; khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý và giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác an ninh, kinh tế - thương mại, xuất nhập cảnh, miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông, thống nhất chứng nhận kiểm dịch; gặp gỡ báo chí hai nước và quốc tế để thông báo về kết quả tốt đẹp của buổi hội đàm./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển