Có một cuộc chiến trong lòng nước Mỹ!
Cách đây 33 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, thử thách của nhân dân ta. Đây là một thiên anh hùng ca vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi trọn vẹn đó đã tạo ra bước ngoặt đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để có Đại thắng mùa xuân 1975, Đảng và Nhà nước ta đã phát huy cao nhất sức mạnh đoàn kết quốc tế, sức mạnh của thời đại, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ của nhân dân ta, trên thực tế đã hình thành một Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam với nhiều hoạt động rất đa dạng, hiệu quả. Hai tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh đã trở thành khẩu hiệu tập hợp nhiều tầng lớp khác nhau để ủng hộ Việt Nam, cũng đồng nghĩa với bảo vệ những giá trị nhân văn, những tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Từ đó đã giáng những đòn mạnh mẽ vào tâm trí, tinh thần của các tập đoàn hiếu chiến Mỹ và đồng minh, chư hầu của chúng.
Tại ngay chính nước Mỹ, phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam của các tầng lớp nhân dân Mỹ đã hình thành và liên tục dâng cao chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ. Sau khi chính quyền Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam nước ta, sinh viên nhiều trường đại học ở Mỹ đã tổ chức biểu tình rầm rộ để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam và đã lan rộng toàn quốc. Ngày 8 tháng 6 năm 1965, hơn 18.000 người đã họp ở Niu-Yoóc quyết định: “Tất cả những ai chống chiến tranh Việt Nam phải xuống đường”. Một “Ủy ban phối hợp toàn quốc nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam” đã được sinh viên ở Mỹ lập ra. Trong ngày 16 và 17 tháng 10 năm 1965 đã nổ ra cuộc biểu tình khổng lồ với hơn 10 vạn người tại 60 thành phố nước Mỹ để đòi nhà cầm quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh.
Nhân dân Việt Nam và cả loài người có lương tri trên thế giới luôn luôn ghi nhớ những chiến sĩ hòa bình Mỹ đã có những hành động cao đẹp và dũng cảm hy sinh vì chính nghĩa, vì Việt Nam. Đó là hình ảnh đầy xúc động của anh Noóc-man Mo-ri-xơn, 31 tuổi, trên tay bế con gái nhỏ Ê-mê-ly yêu quý và sau khi đặt con gái xuống đất, Anh đã tẩm xăng và châm lửa tự thiêu ngay trước cửa sổ phòng làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra. Theo tấm gương anh Mo-ri-xơn, nước Mỹ liên tục bị “chấn động” bởi những cuộc tự thiêu để phản đối chiến tranh của anh Rô-giơ La-po-tơ (22 tuổi), chị Xi-lin Gian-cao-xki (người mẹ của hai con nhỏ), cụ bà Hel-ga A-lít-hớt (79 tuổi)... mà báo chí ở nhiều nước lúc đó đã coi đây là “những bó đuốc tiếp sức phản kháng cuộc chiến tranh dã man ở Việt Nam”. Đó là Mục sư Mác-tin Lu-thơ Kinh, người sáng lập Hội nghị lãnh đạo Thiên chúa miền Nam nước Mỹ đã kêu gọi: “Chúng ta phải biểu tình, hội thảo và tuyên truyền cho đến khi chính những nền móng của đất nước chúng ta phải rung chuyển”.
Đến năm 1967, trên khắp nước Mỹ đã có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược, ủng hộ Việt Nam, do Ủy ban phối hợp toàn quốc đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, lãnh đạo và điều hành chung.
Hưởng ứng lời kêu gọi của các tổ chức hòa bình Mỹ, hàng triệu lượt tầng lớp nhân dân Mỹ đã xuống đường biểu tình với nhiều hoạt động làm “rung chuyển” nước Mỹ như: Ngăn chặn các đoàn tàu chở lính, chở hàng quân dụng, vũ khí trang bị sang Việt Nam; tổ chức bãi công nhiều ngày trong các nhà máy, xí nghiệp, hải cảng, nhất là trong các ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh... góp phần làm tê liệt guồng máy chiến tranh của Mỹ.
Cùng với phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên và công nhân, trên khắp nước Mỹ cũng diễn ra rất sôi động cuộc đấu tranh của người da đen ở Mỹ để phản đối việc chính quyền hiếu chiến Mỹ sử dụng họ cầm súng chống lại nhân dân Việt Nam. Trong năm 1966 và 1967, tại thành phố Chi-ca-gô, Cơ-li-vơ-len, Min-ni-pô-lít, Át-lan-ta... những “mùa hè nổi dậy” của nhân dân Mỹ và người da đen đã gần như biến thành cuộc nội chiến, buộc chính quyền Mỹ phải điều động lực lượng lớn cảnh sát, quân đội cùng phương tiện quân sự đến đàn áp một cách rất dã man. Phối hợp với các cuộc đấu tranh trên, tiếp trong các năm 1967 và 1968, ở nước Mỹ đã ra đời các tổ chức đấu tranh ủng hộ Việt Nam như “Nhóm động viên mùa xuân”, “Ủy ban động viên phía đông”, “Nhóm kháng cự phía Tây”...
Từ năm 1968 đến 1972, phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ phát triển đến đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú, tập hợp rất nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Đáng chú ý là phong trào thanh niên, sinh viên đốt thẻ quân dịch, chống đi lính, đảo ngũ hàng loạt; phong trào tình nguyện đi chiến đấu chống Mỹ ở Việt Nam... Tháng 10 năm 1969, tại 1200 thành phố, thị trấn, thị xã ở 53 bang của nước Mỹ nổ ra đồng loạt các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam còn có hàng trăm thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Mỹ, hơn 30 vạn viên chức và trí thức cùng nhiều binh lính Mỹ từ chiến trường Việt Nam trở về. Mùa xuân năm 1971, tại Oa-sinh-tơn lại nổ ra cuộc đấu tranh khổng lồ của hơn nửa triệu người, trong có hàng ngàn cựu binh đã từng tham chiến ở Việt Nam tham gia. Các cựu chiến binh đã ném tất cả huân chương họ được tặng ở chiến trường Việt Nam lên các bậc thềm nhà Quốc hội Mỹ. Các lực lượng phản chiến của binh sĩ Mỹ trên toàn nước Mỹ đã xuất bản hơn 250 tờ báo, thường xuyên có nội dung tuyên truyền kêu gọi chấm dứt chiến tranh xâm lược, từ chối thi hành lệnh sang chiến đấu ở Việt Nam vì họ coi đây là một cuộc chiến tranh “vô đạo lý”. Cuối năm 1972, sau khi Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker - 2, dùng máy bay chiến lược B52 hòng ném bom hủy diệt thành phố Hà Nội, Hải Phòng của Việt Nam, thì phong trào phản chiến, chống chiến tranh xâm lược lại bùng lên dữ dội ở Mỹ, thu hút hàng vạn binh sĩ Mỹ tham gia. Tháng 1 năm 1973, trước đài kỷ niệm Oa-sinh-tơn, hơn 75 nghìn người tập trung biểu tình và hô vang những khẩu hiệu đòi Tổng thống Ních-xơn phải chấm dứt ngay chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Mỹ phải buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và rút binh lính về nước, nhưng chúng vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chính quyền bù nhìn Sài Gòn và tăng viện trợ quân sự hòng ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, các tầng lớp nhân dân Mỹ vẫn tiếp tục đấu tranh đòi nhà cầm quyền Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam. Đến những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử, khi quân và dân ta đang thực hiện trận quyết chiến chiến lược với phương châm “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”, thì trên khắp hành tinh, hàng triệu triệu người trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ, vẫn ngày đêm dõi theo từng bước tiến của đoàn quân giải phóng, vui cùng niềm vui với nhân dân ta, như trước đây họ đã cùng sẻ chia những đau thương mất mát của Việt Nam dưới bàn tay xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ và tay sai.
Một cuộc chiến tranh vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam chống một tên đế quốc hung bạo nhất của thời đại, đã giành được toàn thắng.
Một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ cũng giành được toàn thắng. Đó là phong trào chống chiến tranh của những người có lương tri ở Mỹ vì Việt Nam, vì chính nghĩa. Họ đã kiên trì ủng hộ nhân dân Việt Nam cho đến ngày “Mỹ cút, Ngụy nhào”. Những hành động dũng cảm, đầy lý chí của các tầng lớp nhân dân Mỹ cộng hưởng với phong trào ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam của bạn bè năm châu đã tác động rất sâu sắc đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cũng như vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế. Đây thực sự là một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ. Bởi vì, như nhà bình luận chính trị nổi tiếng của nước Mỹ lúc bấy giờ là Oan-tơ Líp-man đã nhận xét: “lương tâm người Mỹ nổi giận... cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh không được lòng người nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Thực tiễn trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay, chưa có cuộc đấu tranh của dân tộc nào được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của nhân dân thế giới, nhân dân nước đối phương như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Đó chính là sản phẩm và là sức mạnh hiện thực của chính sách hòa hiếu của dân tộc ta, một dân tộc luôn thiết tha yêu chuộng hòa bình và công lý, quyết một lòng chiến đấu hy sinh không chỉ vì độc lập, tự do cho dân tộc mình, mà còn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, thực hiện chính sách đối ngoại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày nay, đất nước ta đã có hòa bình, nhưng những vết thương của chiến tranh do Mỹ gây ra vẫn vô cùng tàn khốc, thương tâm, dai dẳng đối với con người, môi trường sinh thái và kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngày 22 tháng 2 vừa qua, Tòa án phúc thẩm liên bang Niu-Oóc (Mỹ) đã bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA), hòng lẩn tránh trách nhiệm và che dấu sự thật trước dư luận thế giới việc 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ và các công ty, cơ sở hóa chất khác ở Mỹ đã gây nên những tội lỗi cho nhân dân Việt Nam. Đây là một vụ kiện xuyên quốc gia đầy khó khăn gian khổ của chúng ta.
Nếu như, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây của nhân dân Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có các tầng lớp nhân dân Mỹ, đã làm nên một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ, đã cổ vũ, động viên và góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng của toàn dân ta làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử thì nay, chúng ta vững tin rằng, cộng đồng những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có đông đảo nhân dân nước Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam, sát cánh cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ, để đòi lại công lý cho các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.
Hơn 850 tỉ đồng cho công nghệ sinh học ngành thủy sản  (23/04/2008)
Năng lượng sẽ quyết định quyền lực trong trật tự thế giới mới  (23/04/2008)
Nhiên liệu hay lương thực?  (23/04/2008)
Nhiên liệu hay lương thực?  (23/04/2008)
Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7%  (23/04/2008)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Lào  (23/04/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên