Hà Nội đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế
TCCS - Quán triệt Nghị quyết số 93/NQ-CP, ngày 5-7-2023, của Chính phủ, “Về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030”, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, phục hồi và phát triển nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cả nước
Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA có hiệu lực, đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia các thị trường tiềm năng trên thế giới. Ở tất cả các thị trường Việt Nam có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, năm sau cao hơn năm trước. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với trên 60 nền kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20)(1). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chuẩn bị đàm phán tham gia một số hiệp định thương mại song phương và đa phương khác. Việc tham gia các FTA góp phần nâng cao vị thế quốc gia, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển đất nước.
Năm 2022 (năm đầu tiên tất cả 15 FTA đã ký kết có hiệu lực thực thi), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác đạt 526 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới; trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, chiếm gần 64% kim ngạch xuất khẩu(2). Tuy nhiên, việc thực thi các FTA thời gian qua còn gặp một số hạn chế, thể hiện qua nhiều mặt, như những hạn chế liên quan đến tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường đã có FTA chưa có sự vượt trội so với một số thị trường chưa có FTA; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan đang có xu hướng giảm và diễn tiến không ổn định đối với từng hiệp định...
Ngày 5-7-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP, theo đó mục tiêu chung là thực hiện thắng lợi các chủ trương và chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; hướng tới những nhiệm vụ trọng tâm: 1- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; 2- Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; 3- Nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; 4- Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia.
Năm giải pháp quan trọng được Nghị quyết đề ra nhằm đạt được các mục tiêu trên: Thứ nhất, cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó áp dụng cho các sản phẩm, dịch vụ; đưa ra các mô hình kinh doanh mới hoặc các mô hình kinh doanh tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp, góp phần thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, cần triển khai mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế... Đồng thời, cần cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Hơn nữa, cần đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách...
Thứ ba, thực thi hiệu quả các FTA. Để nâng cao hiệu quả, cần tăng cường sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu… Các giải pháp còn lại nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững; hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh.
Nhờ triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ, vốn FDI vào Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Tổng số vốn FDI tính đến ngày 20-6-2023 bao gồm tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của cả nước đạt trên 13,43 tỷ USD. Mặc dù có sự sụt giảm trong tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm 2023 vào Việt Nam nhưng mức giảm đã được thu hẹp so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 8,1%), cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút FDI. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam(3).
Các dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh,… Các tỉnh, thành phố này đều có lợi thế về kết cấu hạ tầng tốt, nguồn nhân lực dồi dào và ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,… Các đối tác đầu tư truyền thống và các nhà đầu tư đến từ châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn, như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, số vốn FDI của 6 đối tác này đã chiếm tới 76,1% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023(4).
Hà Nội dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội tận dụng lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, cùng nguồn nhân lực dồi dào, kết cấu hạ tầng phát triển và thị trường tiềm năng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, việc thu hút FDI được Hà Nội triển khai linh hoạt và hiệu quả trong tình hình mới.
Cụ thể, thành phố Hà Nội đã đạt được các kết quả quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới và thị trường xuất nhập khẩu biến động phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,95%; quý II tăng 5,98%). Tuy thấp hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm trước nhưng tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của Hà Nội vẫn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp hiện nay. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 22,9% và đạt 62,4% dự toán năm. Về du lịch, số lượng khách đến Thủ đô gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, góp phần phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm(5).
Về vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố, theo Cục thống kê thành phố Hà Nội, số vốn tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II-2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 113,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước là 37,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,9% tổng vốn đầu tư và tăng 5,9%; vốn ngoài nhà nước 68,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,4% và tăng 10,4%; vốn FDI là 7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,7% và tăng 8,5%(6).
Về vốn FDI, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố đã thu hút 2.265,9 triệu USD vốn FDI. Cụ thể, 196 dự án được đăng ký cấp mới với số vốn đạt 75,6 triệu USD; 88 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 208,7 triệu USD; 173 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981,7 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD). Riêng trong tháng 6-2023, thành phố đã thu hút 399,7 triệu USD vốn FDI. Trong đó, cấp phép mới 50 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 26,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 18 dự án với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 9,3 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 25 lượt, đạt 363,5 triệu USD (7).
Đặc biệt, Hà Nội vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, góp phần thu hút thêm số lượng vốn FDI cho cả nước. Các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin đầu tư bởi các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất của thành phố được công bố công khai, minh bạch theo nhiều hình thức. Hơn nữa, Hà Nội cũng tích cực tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp và các hội nghị đầu tư nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tạo cơ sở hình thành và xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất. Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp, nhất là khu công nghệ cao qua việc xây dựng nhiều chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng được nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI đánh giá cao, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Các tập đoàn FDI lớn khẳng định lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư và kinh doanh trong thời gian tới, nhất là đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Mặc dù việc thu hút vốn FDI của Hà Nội đạt nhiều thành tựu quan trọng song vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ, như: thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng kinh doanh bất động sản có nhiều thay đổi, còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và luật chuyên ngành khiến việc xây dựng danh mục dự án để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư còn chậm, khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến chưa phát huy tối đa hiệu quả, khiến các nhà đầu tư chưa bị thu hút qua các kênh đầu tư trực tuyến. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến cũng được các sở, ngành đẩy mạnh nhưng chỉ mới dừng lại ở thông tin cơ bản về dự án, vì vậy chưa thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Một số dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai thực hiện do phải điều chỉnh phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn của thành phố. Điều này khiến việc xây dựng các danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách.
Như vậy, để nâng cao hiệu quả các dự án FDI, đồng thời thu hút mạnh mẽ vốn FDI, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới, một số đề xuất được đưa ra:
Một là, bên cạnh những thông tin cơ bản về dự án đầu tư, tiếp tục tuyên truyền về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh tin tưởng và lựa chọn đầu tư. Đồng thời cần có sự thống nhất cao giữa Luật Đầu tư và luật chuyên ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các danh mục đầu tư trong dự án để đấu thầu.
Hai là, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các vấn đề có tính nguyên tắc, việc thích ứng linh hoạt, an toàn, sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về đầu tư nước ngoài là cần thiết, mang tính quyết định đối với cả quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp.
Ba là, chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực thu hút đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển và tiềm năng khai thác. Trong đó, xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các nhiệm vụ có trọng điểm, trọng tâm, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, tăng tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài.
Bốn là, đẩy nhanh dự án có hợp tác đầu tư quy mô lớn, cũng như phối hợp với các ban, bộ, ngành nâng cao hiệu quả triển khai các FTA đã có hiệu lực. Đồng thời, cập nhật thông tin về thị trường các nước, kết nối nhu cầu hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, đón bắt các làn sóng đầu tư trên thế giới./.
---------------------------
(1), (2) Minh Khôi: “Đánh giá chính xác xu hướng quốc tế mới để hội nhập kinh tế hiệu quả”, Báo Chính phủ điện tử, ngày 10-7-2023, https://baochinhphu.vn/ danh-gia-chinh-xac-xu-huong-quoc-te-moi-de-hoi-nhap-kinh-te-hieu-qua-102230710200411127.htm
(3), (4), (5), (6), (7) “Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023, Trang thông tin Tổng cục Thống kê, 2023, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/07/ha-noi-dan-dau-ca-nuoc-ve-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-6-thang-dau-nam-2023/
Phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội: Tiềm năng và thách thức  (20/07/2023)
Hà Nội đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và định hướng quy hoạch đô thị đổi mới, sáng tạo  (18/07/2023)
Hà Nội tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng, góp phần nâng cao đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội  (16/07/2023)
Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2022: Nhìn từ quá trình triển khai đổi mới tư duy của Đảng  (15/07/2023)
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội với công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (12/07/2023)
Hà Nội đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới  (12/07/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam