TCCS - Ngày 4-4-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tổ chức Hội nghị lần thứ 20 (mở rộng). Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố. Cùng tham dự có các đồng chí Thành ủy viên và đại diện các ban Đảng Trung ương ở phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, tại hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 19 (ngày 30-11-2022), đã đưa ra dự báo về tình hình năm 2023 sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có mặt khó khăn hơn năm 2022. Thực tế những khó khăn và thách thức đã và đang diễn ra tác động trực tiếp và sâu sắc nhiều mặt, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đồng chí Nguyễn Văn Nên tiếp tục chia sẻ, các chỉ số kinh tế - xã hội của Thành phố trong quý I-2023 cho thấy khá rõ những nỗ lực quyết tâm chưa mang lại kết quả như mong muốn. Đáng chú ý là chưa thể kìm chế, ngăn chặn được đà giảm sút để phải chấp nhận mức tăng trưởng tạm thời là 0,7%. Trước mức tăng trưởng này, Thành phố đã nhận được nhiều đóng góp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước, trong đó, có nhiều ý kiến, đề xuất hay như những “toa thuốc” để Thành phố khắc phục và vượt qua khó khăn. Hội nghị lần này, với tinh thần nghiêm túc cầu thị, cần đánh giá đúng mức những mặt khó khăn, hạn chế, vì sao chưa làm được một số nhiệm trọng tâm đã đề ra, như: vấn đề đầu tư công thấp; những vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến doanh nghiệp…, đồng thời, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị_Ảnh: Thúy Duy

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem xét, cho ý kiến từng nội dung cụ thể, sâu sát, với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết. Nhiều vấn đề trọng tâm được trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ, cung cấp thêm thông tin và đề xuất, kiến nghị trên các nhóm vấn đề về nguyên nhân chủ quan và khách quan mà chủ yếu là chủ quan ảnh hưởng đến mức tăng trưởng khá thấp của Thành phố trong quý I-2023; các yếu tố tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; về giải ngân đầu tư công; về các giải pháp kiểm soát lạm phát, tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người lao động, đặc biệt chú ý các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô; tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội…

Để bảo đảm cho việc tăng tốc và phát triển bền vững, hội nghị thống nhất đề ra một số giải pháp trọng tâm trong quý II-2023 như sau:

Một là, tập trung đẩy mạnh tăng đầu tư công, thực hiện từng dự án đầu tư công với nhiệm vụ cụ thể trong từng mốc thời gian; chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, chú ý những giải pháp chủ quan trong tầm kiểm soát kết hợp quan sát các tác động bên ngoài, tránh phiến diện, thiếu tầm nhìn dài hạn, quá chú ý các yếu tố mang tính nhất thời.

Hai là, tập trung giải quyết những vụ việc có liên quan các dự án bất động sản, nghiên cứu thị trường nội địa và các vùng lân cận của Thành phố; tăng cường tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng, quan tâm nâng tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức các hoạt động lễ hội, thu hút du lịch.

Ba là, Hội đồng nhân dân Thành phố tiếp tục tập trung giám sát việc triển khai các dự án trọng điểm, nhất là các công trình chào mừng 50 năm giải phóng Thành phố, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với thi đua khen thưởng thu nhập tăng thêm và kỷ luật, kỷ cương hành chính; quan tâm công tác khen thưởng đột xuất, khi có sáng kiến, sáng tạo đặc biệt…

Năm là, tiếp tục triển khai Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị, về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, để phát huy tiếp truyền thống năng động, sáng tạo của Thành phố, mạnh dạn đề xuất triển khai các biện pháp chủ động trong phạm vi thẩm quyền. Cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện đầy đủ trách nhiệm “vì nước, vì dân”; khuyến khích “dám nghĩ, dám làm” đúng, làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; mạnh dạn báo cáo, đề xuất những vấn đề còn băn khoăn, vượt cấp để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả tốt nhất, khắc phục cho được tâm lý e dè, chưa “dám nghĩ, dám làm” của một bộ phận cán bộ, công chức. 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị_Ảnh: Thúy Duy

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023 cho thấy toàn hệ thống chính trị của Thành phố đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ban Cán sự đảng và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với các chương trình hành động trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực cụ thể. Hệ thống chính quyền các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn trước khối lượng công việc lớn, phát sinh mới. Trong quá trình đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh những mặt làm được, đồng chí cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế; trong đó, điều đáng quan tâm là có những việc đã chỉ đạo, đặt vào chương trình trọng tâm như đầu tư công hay một số dự án lớn vẫn còn tồn đọng, đến nay chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cần bình tĩnh, xem xét một cách thấu đáo và toàn diện, bám sát thực tiễn khách quan, đi sâu tìm bản chất của vấn đề để đưa ra biện pháp phù hợp. Tiếp tục nghiên cứu để phát huy thị trường nội địa, không chỉ trong Thành phố mà còn có vùng Tây Nam Bộ, miền Trung Tây Nguyên, các vùng lân cận. Trong đó, tăng cường tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, tập trung triển khai các dự án trọng điểm theo kế hoạch, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan của Chính phủ để hoàn thiện, trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với hoạt động thi đua khen thưởng và chính sách tăng thu nhập tăng thêm, đồng thời chú trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Để tình hình kinh tế - xã hội quý II-2023 của Thành phố có sự chuyển biến khả quan hơn, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ, các Thành ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tăng cường trách nhiệm, chủ động rà soát, bám sát nhiệm vụ được giao, bổ sung chương trình hành động các giải pháp thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ trong quý II-2023, tập trung những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm…/.