Chiều 18-3, tại Trụ sở của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) ở thủ đô Paris của Pháp đã diễn ra Lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Trung tâm Phát triển OECD. Đây là một trong những sự kiện quan trọng đối với Việt Nam trong năm nay. Với việc tham gia Trung tâm phát triển OECD, vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
 
Dưới đây là nội dung trả lời phỏng vấn của ông Trần Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao - đại diện Việt Nam tham dự Lễ kết nạp với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp.

PV: Thưa ông, trước hết ông có thể cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia Trung tâm phát triển OECD?

Ông Trần Tuấn Anh: Tôi nghĩ rằng, việc Việt Nam trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD có nhiều ý nghĩa. Đó là khẳng định đường lối của chúng ta trong việc chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới đang có những bước đi vững mạnh và đạt được những kết quả tích cực. Việc chúng ta đã trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD cũng nói lên nhiều điều, đó là vị thế của Việt Nam và vai trò ảnh hưởng của chúng ta như là một thành viên có trách nhiệm và có những đóng góp tích cực cho những chương trình hợp tác của khu vực cũng như của thế giới. Việc Việt Nam gia nhập tổ chức này không phải ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của những chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là trong hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam được các bạn bè quốc tế, nhất là các nước và tổ chức thành viên của tổ chức OECD đánh giá cao và coi Việt Nam là một mô hình rất thành công của nền kinh tế đang phát triển và là nền kinh tế đang trỗi dậy. Việt Nam có vai trò, vị thế không chỉ trong đời sống kinh tế quốc tế, mà còn là những bài học kinh nghiệm rất quý báu, bổ ích cho những nước đang phát triển khác.

PV: Vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào khi trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD?

Ông Trần Tuấn Anh: Trong khuôn khổ là thành viên chính thức của Trung tâm phát triển OECD, ban lãnh đạo Trung tâm này cũng như những thành viên khác đều mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng đạt được những mục tiêu của Trung tâm. Đó là: chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học trong xây dựng và hoạch định các đường lối, chính sách phát triển kinh tế; chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những thông tin trong việc kết hợp hài hòa những chính sách phát triển kinh tế và xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững cho các quốc gia đang phát triển; trao đổi, tạo dựng những khuôn khổ đối thoại hướng tới những chương trình hợp tác phát triển Bắc Nam, giữa các nước phát triển và đang phát triển có hiệu quả và đảm bảo được tính bền vững của nó. Chúng ta cũng được mời và được kêu gọi để có thể cùng chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể trên các lĩnh vực về quản lý viện trợ phát triển, trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách về kêu gọi đầu tư, những vấn đề liên quan tới chính sách kết hợp hài hòa giữa khu vực công cộng với khu vực tư nhân, các chính sách liên quan tới việc thực hiện xóa đói giảm nghèo, phục vụ các nhu cầu xã hội khác của nền kinh tế đang phát triển. Trong khuôn khổ hoạt động nói chung của Trung tâm phát triển, chúng ta đang được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một nền kinh tế mới nổi và một nhân tố mới sẽ mang lại sức sống cho Trung tâm phát triển OECD, cho các nước đang phát triển cũng như cho các khu vực hợp tác giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua cũng như sắp tới?

Ông Trần Tuấn Anh: Rõ ràng, việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế và các tổ chức tài chính thế giới đã cho thấy, sự hội nhập của chúng ta không còn chỉ dừng lại ở trong những phần chính sách hoặc trong một góc độ khuôn khổ riêng biệt nào nữa. Đó là sự hội nhập mang tính chủ động và có tầm nhìn dài hạn và đang được thực hiện theo đúng lộ trình của chúng ta, như chúng ta mong muốn. Thông qua việc hội nhập này, Việt Nam từng bước khẳng định được vị thế, vai trò đang ngày càng nổi lên như một thành viên rất tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng kinh tế quốc tế. Rõ ràng đường lối chủ động hội nhập kinh tế thế giới của chúng tađang mang lại những đóng góp tích cực cho nền kinh tế của đất nước trong quá trình phát triển. Việc trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD - nơi mà trước kia Việt Nam chỉ đến với một vai trò là nước tiếp nhận viện trợ, một nước chậm phát triển để được hưởng những hỗ trợ phát triển chính thức từ các quốc gia phát triển là thành viên của tổ chức OECD cho thấy sự khác biệt hiện nay về vị thế của chúng ta. Hiện nay Việt Nam đã trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD và được tiếp nhận những đánh giá rất tích cực từ các quốc gia thuộc tổ chức OECD, như chúng tôi được chứng kiến trong phiên họp kết nạp vừa qua. Điều đó cho thấy: rõ ràng Việt Nam đang là tiêu điểm của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cũng như của chính bản thân các khu vực doanh nghiệp từ các nước khác nhau trên thế giới. Việt Nam cũng đang được kỳ vọng bằng những kinh nghiệm, thực tiễn của mình trong chính sách cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang lại những giá trị cụ thể cho không chỉ đối với các nước đang phát triển trong việc hoạch định chính sách của mình mà mang lại cả sức sống mới cho những khuôn khổ hợp tác giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển. Điều này cho thấy, Việt Nam đang có những bước đi rất tích cực, mạnh mẽ và đã đạt được những thành công theo đúng điều chúng ta mong muốn trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới và phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Xin cảm ơn ông.