Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và dự Hội nghị APEC lần thứ 29
TCCS - Ngày 16-11-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Bangkok, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, từ ngày 16 đến ngày 19-11-2022 và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Phu nhân ra tận sân bay đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. Lễ đón tại sân bay có Đội tiêu binh danh dự Quân đội Hoàng gia Thái Lan đứng hai bên thảm đỏ. Cùng lúc, 21 phát đại bác vang lên chào mừng. Đây là nghi thức đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của Thái Lan đối với chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao của Việt Nam - đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan trong khu vực ASEAN, khuôn khổ hợp tác Mekong; đồng thời cũng cho thấy vai trò chủ nhà Thái Lan - đối tác trách nhiệm, tin cậy, uy tín của Việt Nam trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Tiếp đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân đã chủ trì Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan ở Thủ đô Bangkok. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.
Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm. Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bày tỏ vui mừng được đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Thái Lan. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ đại dịch COVID-19 và ngay trước thềm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013 - 2023); tạo động lực mới cho hai nước hợp tác cùng phục hồi và phát triển bền vững. Thủ tướng Thái Lan chúc mừng Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hồi phục sau đại dịch; nhấn mạnh Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của Thái Lan ở khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn phía Thái Lan đón tiếp đoàn hết sức trọng thị, chu đáo, thắm tình hữu nghị; bày tỏ ấn tượng trước những phát triển mạnh mẽ của Thái Lan trong hơn 5 năm qua kể từ chuyến thăm chính thức Thái Lan năm 2017 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước chúc mừng Thái Lan phục hồi và phát triển năng động, mạnh mẽ sau COVID-19; tin tưởng rằng, Thái Lan sẽ triển khai thành công Chiến lược phát triển quốc gia 2018 - 2037, sớm đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường với Thái Lan. Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò Chủ tịch Năm APEC 2022 của Thái Lan và khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho thành công của Hội nghị APEC sắp tới.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, năng động trong quan hệ song phương thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng. Năm 2021, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với kim ngạch đạt cao kỷ lục 19 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 17,8 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 670 dự án, tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD. Hợp tác quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương không ngừng mở rộng và phát triển. Ngay sau đại dịch, du lịch hai nước nhanh chóng khởi sắc khi 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 40.000 lượt khách Thái Lan và Thái Lan đón 130.000 lượt du khách Việt Nam. Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác và kết nghĩa với các địa phương Thái Lan. Cộng đồng người Việt tại Thái Lan có khoảng 100.000 người, hòa nhập tốt với sở tại và luôn hướng về quê hương đất nước. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, hai nước tích cực hỗ trợ, ủng hộ nhau; Việt Nam tặng Thái Lan vật tư y tế trị giá 50.000 USD và Thái Lan tặng Việt Nam 300.000 liều vaccine.
Trao đổi về phương hướng nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường, hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế họp Nội các chung do thủ tướng hai nước đồng chủ trì; phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022 - 2027 được ký kết nhân chuyến thăm này. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 đến 30 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn; tăng cường kết nối trên các lĩnh vực; hoan nghênh Ngân hàng Trung ương hai nước triển khai thành công Dự án kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư sang nhau; theo đó Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, ô tô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu điện tử, hóa chất, hạ tầng khu công nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thái Lan hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Thái Lan; khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, như công nghệ cao, kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng…; khuyến khích hai bên tiến tới sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán song phương. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Thái Lan và Việt Nam nhằm đóng góp cho sự vững mạnh về kinh tế - xã hội hai nước thông qua Chiến lược “Ba kết nối” gồm kết nối chuỗi cung ứng, kết nối các ngành kinh tế cơ sở và đặc biệt là kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững của hai nước là Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam và Mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) của Thái Lan.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân, giao lưu giữa hai Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, Thái Lan - Việt Nam, tăng cường giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam và tiếng Việt tại Thái Lan. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương của Thái Lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan, cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị của các địa điểm văn hóa lịch sử Việt Nam tại Thái Lan, nhất là ba khu di tích/tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai nhà lãnh đạo khẳng định phối hợp thúc đẩy một ASEAN đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm; xây dựng Tiểu vùng Mekong kết nối, hòa bình và thịnh vượng; duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác gồm Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022 - 2027; Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khon Kaen (Khỏn-kèn), Thái Lan; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan; Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Thái Lan.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông báo về kết quả của chuyến thăm và ra Tuyên bố chung với thông điệp “Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan: mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung”.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân chủ trì chiêu đãi chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, cùng Đoàn cấp cao Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với cả hai nước, đánh dấu việc hai nước chính thức nối lại các hoạt động trao đổi đoàn trực tiếp, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… Đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi các định hướng lớn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới và tiềm năng, như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh…; bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, thể thao, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực; quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Jacinda Ardern và Đoàn Đại biểu cấp cao New Zealand thăm chính thức Việt Nam  (15/11/2022)
Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia  (10/11/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Vương quốc Campuchia  (10/11/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu người có uy tín tiêu biểu tỉnh Hà Giang  (03/11/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển