Phát triển vùng Đông Nam Bộ phải bảo đảm “Tư duy mới - đột phá mới - giá trị mới”
TCCS - Ngày 26-11-2022, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 24) và Xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề: “Tư duy mới - đột phá mới - giá trị mới”.
Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị; cùng tham dự là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tạo động lực tăng trưởng bền vững
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc xây dựng, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 là nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai; tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 23-11-2022, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại nghị quyết quan trọng trên. Theo đó, chương trình hành động đã đề ra 19 chỉ tiêu; 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 35 nhiệm vụ, đề án cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ đạo, định hướng với tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của mỗi tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng; đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Cùng với đó là việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, mang tính cạnh tranh quốc tế để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế; huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt trong vùng và kết nối với các vùng khác. Ngoài ra, chương trình hành động làm rõ việc thu hút, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.
Tiếp đó, đại diện các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trình bày tham luận về chương trình hành động của mình đối với việc thực hiện Nghị quyết số 24. Đáng chú ý, cùng với việc nhận định về tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ, nhất là những khó khăn, thách thức hiện hữu, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc. Bộ Xây dựng tập trung nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam Bộ, thực hiện đồng bộ các chính sách giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh cho vùng này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra giải pháp giải quyết vấn đề tạo việc làm, bảo đảm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng Đông Nam Bộ.
Chia sẻ định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, phương hướng phát triển của Thành phố là trở thành thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo; là trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á. Để đạt được mục tiêu đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Thành phố tiếp tục làm tốt việc xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho Thành phố và vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới. Cùng với đó, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm củng cố thành phần và cơ chế hoạt động của hội đồng vùng, trong đó, quy định rõ ràng cơ chế hoạt động của vùng trong triển khai xây dựng quy hoạch vùng cũng như quy hoạch các tỉnh, thành phố trong vùng; quy chế hoạt động của hội đồng vùng trong điều phối các công trình trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ.
Xác định Nghị quyết số 24 là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh bám sát tính thần Nghị quyết số 24 và thực tiễn của địa phương để đề ra những giải pháp phù hợp với chủ trương “hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”: Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của tỉnh; khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ.
Quyết liệt thực hiện phương châm “Tư duy mới - đột phá mới - giá trị mới”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các tỉnh, thành phố, vùng Đông Nam Bộ đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, đóng góp GDP nhiều nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người cao nhất và tỷ lệ nghèo, chênh lệch giàu - nghèo thấp nhất; tỷ lệ đô thị hoá cao nhất; tổng thu ngân sách nhà nước nhiều nhất; có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất; tuổi thọ trung bình người dân luôn đạt mức cao nhất.
Khẳng định vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; việc huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư, nguồn lực trong xã hội chưa hiệu quả; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm yêu cầu; phát triển văn hóa chưa theo kịp với chính trị, kinh tế, xã hội. Đáng chú ý, những thách thức hiện hữu đó là việc kết nối hạ tầng chiến lược chưa hiệu quả; giao thông luôn xảy ra tình trạng tắc nghẽn; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; phân hóa giàu nghèo và bảo đảm an sinh xã hội chưa thật sự vững chắc...
Cùng với việc đề cập đến những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phát triển Đông Nam Bộ theo Nghị quyết số 24, với quan điểm phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, tổng thể và bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn phân tích các nhiệm vụ, giải pháp để vùng Đông Nam Bộ phải thực hiện có hiệu quả, theo phương châm: “Tư duy đổi mới - đột phá mới - giá trị mới”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: “Tư duy mới” là các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ phải phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Vùng Đông Nam Bộ phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể. “Đột phá mới” là phải có cơ chế, chính sách đột phá, trong đó đề ra phương thức mới để huy động nguồn lực, huy động hợp tác công tư, với các hình thức “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”; hình hành trung tâm tài chính; xây dựng quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của vùng Đông Nam Bộ. Để làm tốt vấn đề này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải bám sát thực tiễn, chỉ rõ những khó khăn, vướng, trên cơ sở đó phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm để xử lý. “Giá trị mới” là các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ phải đem đến một tốc độ tăng trưởng nhanh hơn; đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ phải đi đầu cả nước về phát triển xanh, phát triển bao trùm, toàn diện... Sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ sẽ góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, ấm no. Thủ tướng tin tưởng, với “Tư duy mới - đột phá mới - giá trị mới”, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp..., các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; khẳng định tính đúng đắn, sáng suốt, kịp thời, hiệu quả của Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết số 154-NQ/CP của Chính phủ đã đề ra.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chứng kiến lễ công bố thỏa thuận hợp tác và trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với các đối tác, nhà đầu tư, tổng số 20 dự án, tổng số vốn hơn 10 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch. Trong đó, các dự án lớn như: Dự án Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 - Tổ hợp hóa dầu miền Nam” với tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD, dự án “Sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí” với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... Cùng với đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, đối tác, doanh nghiệp “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải đạt hiệu quả”; thực hiện hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, theo phương châm “lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ”.
Trước khi diễn ra hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh “Đông Nam Bộ đột phá mới - tầm cao mới”, trưng bày 140 bức ảnh, giới thiệu vẻ đẹp hiện đại, năng động, sáng tạo của vùng đất và con người Đông Nam Bộ; những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng; nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào vùng Đông Nam Bộ./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ xuất khẩu lô xe ô tô điện đầu tiên của VinFast  (25/11/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng thống Cộng hòa Uganda Yoweri Kaguta Museveni  (24/11/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Truyền thông để “Dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm - dân thụ hưởng”  (24/11/2022)
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng  (21/11/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam