Báo Đảng cần tiếp tục đổi mới, ngày càng “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”
TCCS - Ngày 12-11-2022, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị: “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc”. Đây là lần đầu tiên hội nghị về báo Đảng được tổ chức.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu định hướng, chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, ban tuyên giáo, các cơ quan báo Đảng toàn quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trong dòng chảy chung của báo chí cách mạng Việt Nam, hệ thống báo Đảng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đồng thời là vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại những thông tin bịa đặt, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái, hiện tượng tiêu cực diễn ra trong đời sống xã hội để bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bằng nhiều hình thức và hoạt động thiết thực, hệ thống các cơ quan báo Đảng đã thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, luôn luôn giữ vai trò nòng cốt, đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên, nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Báo cáo tổng quan về hệ thống báo Đảng toàn quốc do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày giới thiệu bức tranh toàn cảnh về hệ thống các báo Đảng toàn quốc, những thành tựu, quy mô, cũng như thuận lợi, khó khăn và định hướng phát triển.
Về số lượng phát hành báo in, đa số các báo có số lượng phát hành từ 5 nghìn đến 20 nghìn tờ/kỳ. Đối với báo điện tử, đa số các báo Đảng có lượng truy cập 20 nghìn đến 100 nghìn pageviews/ngày. Về nhân sự, đa số tòa soạn có dưới 50 người. Khảo sát về nguồn thu, 91% báo Đảng dựa vào nguồn thu quảng cáo (trong đó có 52% là thu từ quảng cáo trên báo in, 7% từ báo điện tử, 17% từ các số báo đặc biệt…); 78% tòa soạn có thêm nguồn thu từ phát hành.
Về khó khăn, đa số toà soạn có khó khăn về biên chế, tổ chức bộ máy; về cơ chế tài chính; về cơ sở vật chất; về nguồn nhân lực. Về giải pháp ưu tiên để nâng cao chất lượng, hơn một nửa cơ quan báo Đảng địa phương (52%) cho biết sẽ dành ưu tiên thúc đầy nguồn nhân lực. Trong khi đó, 41% chỉ ra vấn đề cơ chế tài chính, 95% cơ quan báo Đảng địa phương rất quan tâm đến đổi mới sáng tạo, 31% cho biết hoạt động đổi mới sáng tạo đang diễn ra nhanh chóng. Về đa dạng nền tảng thông tin, 98% báo Đảng đã có facebook fanpage, 60% cơ quan xây dựng kênh youtube. Đã có 33% toà soạn vận hành kênh tiktok và 22% báo có kênh zalo…
Hội nghị có 6 phiên thảo luận về các chủ đề đang là những nội dung cấp thiết, quan trọng đối với hoạt động của hệ thống báo Đảng, bao gồm: Phiên số 1: Đổi mới, sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng; phiên số 2: Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng; phiên số 3: Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng; phiên số 4: Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại; phiên số 5: Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí; phiên số 6: Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng.
Diễn giả tham gia các phiên thảo luận là các nhà quản lý báo chí, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đạo cấp ủy địa phương, các nhà báo giàu kinh nghiệm và các chuyên gia. Kết quả 6 phiên thảo luận đã phân tích sâu những hạn chế, khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp từ kinh nghiệm thực tiễn của chính các cơ quan báo Đảng hoặc từ sự nghiên cứu của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đối với những vấn đề bức thiết đặt ra của hệ thống báo Đảng toàn quốc hiện nay.
Một số tham luận đáng chú ý tại hội nghị, như: "Chuyển đổi mạnh mẽ để phục vụ Đảng và nhân dân" của đồng chí Lê Quốc Minh; "Đổi mới, sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng - những vấn đề cần đặt ra" của đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; "Tăng cường vai trò dẫn dắt của báo Đảng địa phương trong tình hình mới: Bài toán cơ chế hay nguyên nhân nội tại" của đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; "Chủ động tham gia mạng xã hội truyền thông về chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh" của đồng chí Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ…
Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các báo Đảng cần nhiều giải pháp. Trong đó, có những giải pháp có thể triển khai ngay tại các tòa soạn. Đó là, cần nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; linh hoạt, sâu sát hơn trong nắm bắt thực tiễn; ưu tiên các tuyến bài có tính chiến đấu, phản ánh sinh động quá trình triển khai đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa truyền đạt được “ý Đảng” và phản ánh được “lòng Dân”; tìm kiếm cách thể hiện mới mẻ, tăng hình ảnh, số liệu, dữ liệu, đồ họa, đầu tư nhiều hơn cho các thể loại báo chí thu hút độc giả như phóng sự, điều tra; chủ động đưa thông tin chân thật, đúng bản chất sự việc đến với bạn đọc, góp phần định hướng dư luận xã hội cũng như góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, phóng viên, xây dựng đội ngũ người làm báo Đảng bảo đảm tính kế thừa, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; có kế hoạch và chiến lược tiếp cận đối tượng độc giả trẻ tuổi. Về lâu dài, hệ thống báo Đảng cần được quy hoạch, sắp xếp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, phát triển thành những tổ hợp truyền thông chủ lực, đa phương tiện, hiện đại của Đảng.
Một giải pháp quan trọng được đề cập nhiều trong các phiên thảo luận là đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số của cơ quan báo Đảng, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như những thành tựu của khoa học - công nghệ vào hoạt động, trên cơ sở nắm bắt, thu thập, xử lý cơ sở dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm của độc giả. Cùng với chuyển đổi số, nhu cầu phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng là thực tế đang thúc ép các toà soạn báo Đảng.
Các báo Đảng địa phương kiến nghị Trung ương sớm xem xét, sửa đổi Quy định số 338, Nghị định số 160 về các cơ chế liên quan cho báo Đảng. Cần có sự thống nhất về cơ chế quản lý tài chính cũng như mô hình tổ chức bộ máy thống nhất cho cơ quan báo Đảng. Nên chăng xác định khung biên chế chung cho cơ quan báo Đảng theo quy mô tờ báo; đồng thời không thực hiện tinh giản biên chế đối với báo Đảng như đang thực hiện với ngành giáo dục, y tế. Cần có ưu tiên về cơ chế, chính sách đối với các cơ quan báo chí của Đảng ở các tỉnh miền núi, biên giới. Cấp ủy, chính quyền các địa phương miền núi, biên giới cần quan tâm, ưu tiên hơn về vấn đề nhân lực cho các cơ quan báo chí.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc hội nghị. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu thời gian tới, các cơ quan báo Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, phải quán triệt, nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí báo Đảng trong công tác tư tưởng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xứng đáng là tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân. Báo Đảng phải tiếp tục đổi mới, ngày càng “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, không chỉ phản ánh đầy đủ, sinh động tình hình thực tế, mà phải vươn lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội; không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng, mà phải định hướng công chúng, động viên, cổ vũ triệu người như một đồng lòng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Thứ hai, với vai trò là vũ khi tư tưởng của Đảng, bảo Đảng phải nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, cổ động, đề cao tính đảng, tính nhân dân, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính thuyết phục trong các tác phẩm báo chí. Mang sứ mệnh xây dựng niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự nghiệp cao cả của Đảng và dân tộc, vì vậy, báo Đảng phải luôn nêu cao tính trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không né tránh; phải có tiếng nói phản biện mạnh mẽ, mang tính xây dựng, hạn chế nói xuôi chiều, không dám phản ánh, đấu tranh với những vi phạm khuyết điểm, những hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; xử lý tốt, hài hòa giữa thực hiện thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị với đáp ứng nhu cầu của độc giả, khán giả.
Thứ ba, báo Đảng phải chủ động, tích cực tham gia vào việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; tăng cường những bài viết có tính lý luận, chuyên sâu, các tuyến bài trọng điểm về tổng kết thực tiễn. Mỗi tác phẩm trên báo chí của Đảng phải phản ảnh chính xác, kịp thời, hiệu quả, sinh động kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp, các ngành; phát hiện được các cá nhân, tập thể thực hiện tốt hoặc chưa tốt, lý giải thấu đáo nguyên nhân thành công hoặc chưa thành công; chỉ ra những nội dung trong chủ trương, đường lối của Đảng chưa phù hợp, cần bổ sung, sửa đổi, qua đó cung cấp những chất liệu quý từ thực tế, góp phần tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận. Báo Đảng cần phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, giúp nâng cao năng lực dự báo, chất lượng công tác hoạch định, hoàn thiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xu hướng phát triển của thời đại, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phải là nơi để người dân tin tưởng gửi gắm tâm tư nguyện vọng, phản ánh tiếng nói của nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa người dân, doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền. Báo Đảng phải tích cực, chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm, bảo đảm thông tin đúng, trúng, hay và hấp dẫn; chú trọng phát triển các loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng cùng với phát huy tốt hơn nữa vai trò của sản phẩm báo in truyền thống. Đổi mới, sáng tạo phải trên cơ sở thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tuyệt đối không nhân danh đổi mới, sáng tạo mà chạy theo thị hiếu không lành mạnh, trào lưu không tích cực.
Thứ tư, báo Đảng phải tiên phong, gương mẫu trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược thể hiện rõ trách nhiệm chính trị trong việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên các cơ quan báo Đảng có bản lĩnh chính trị, phẩm chất và đạo đức của người làm báo cách mạng, có năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ vững vàng, thực sự là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác thông tin, tuyên truyền. Quan tâm lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ của cơ quan báo chí. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho báo Đảng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, đủ năng lực chiếm lĩnh mặt trận thông tin trong bối cảnh mới. Tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; khắc phục những biểu hiện xem nhẹ công tác xây dựng, chính đốn Đảng ở các cơ quan báo chí. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; tiếp tục đổi mới công tác phát hành báo.
Thứ sáu, ngành tuyên giáo, thông tin và truyền thông, hội nhà báo các cấp và các bộ, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của hệ thống báo chí, trong đó có báo Đảng, bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của báo chí. Kịp thời định hướng, cung cấp thông tin về các lĩnh vực cho báo Đảng để chủ động tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, lấn át thông tin tiêu cực, sai sự thật. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho cán bộ, phóng viên báo chí của Đảng, nhất là bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, kỹ năng xử lý thông tin, tác nghiệp báo chí hiện đại./.
Để việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, nhân lên những tấm gương, việc làm tốt đẹp trong đời sống xã hội  (10/11/2022)
Tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào  (10/11/2022)
Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII  (06/11/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam