TCCS - Ngày 25-5-2022, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 - 20-7-2022). Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trung tâm Hội trường Bộ Công an tại Hà Nội, truyền hình trực tuyến tới điểm cầu Hội trường Bộ Công an, Thành phố Hồ Chí Minh và 63 điểm cầu hội trường công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với gần 2.000 đại biểu tham dự.

Các đồng chí chủ trì hội thảo _ Ảnh: Thu Thanh

Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: PGS, TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng, PGS, TS. Trần Quốc Tỏ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân qua các thời kỳ; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng công an...

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, lực lượng Cảnh sát nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng vũ trang trọng yếu, nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn gắn liền với lịch sử vẻ vang của Công an nhân dân, với những trang sử cách mạng hào hùng của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương biểu khai mạc hội thảo _ Ảnh: Thu Thanh

Hội thảo khoa học này là dịp để nhìn lại những hy sinh, cống hiến, thành tích, sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân, đồng thời cũng là diễn đàn khoa học để thảo luận, rút ra những vấn đề lý luận và thực tiễn góp phần làm cơ sở cho Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, Hội thảo khoa học quốc gia “Lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam” là hoạt động khoa học có ý nghĩa sâu sắc, là diễn đàn sinh hoạt chính trị để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về truyền thống lịch sử vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo khoa học, đề cập một cách toàn diện, có hệ thống các vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đây thực sự là những công trình khoa học giàu tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, có nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh đậm nét và thể hiện sự tri ân những thành tích, chiến công, sự hy sinh, cống hiến to lớn của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, nghiên cứu, đề xuất những ý kiến tâm huyết, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên tất cả các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo _ Ảnh: Thu Thanh

Các báo cáo khoa học đăng trong kỷ yếu hội thảo và các ý kiến tham luận tại hội thảo đã phân tích, làm rõ những vấn đề: Trong mọi giai đoạn cách mạng, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo, giáo dục, rèn luyện, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trải qua chặng đường xây dựng và chiến đấu, từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu, đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ đến phẩm chất, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, trở thành một trong những lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu, làm nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Trong công tác, chiến đấu, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn sát cánh cùng các lực lượng khác của Công an nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, gắn bó mật thiết với nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân có những đóng góp quan trọng, hy sinh to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc và dân tộc, cho sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước. Đây là những tấm gương tiêu biểu, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, góp phần viết nên trang sử hào hùng, tô thắm lá cờ truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Công an, Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành pháp luật về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân luôn nêu cao tinh thần “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, chú trọng học tập, nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật, gương mẫu chấp hành, bảo vệ pháp luật, góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, trở thành nếp sống văn hóa, văn minh của mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Lực lượng Cảnh sát nhân dân không ngừng nâng cao văn hóa ứng xử, phát huy tính nhân văn trong sinh hoạt, công tác, chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân luôn gương mẫu thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” gắn với thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy và cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; chú trọng làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, lấy xây dựng bản lĩnh, tư tưởng chính trị, đạo đức làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Lực lượng Cảnh sát nhân dân tích cực, chủ động ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các mặt công tác, chiến đấu, điển hình là: Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp hơn 60 triệu căn cước công dân trong một thời gian ngắn; triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo nền tảng phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong thời gian tới, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lực lượng Cảnh sát nhân dân nhận thức sâu sắc và tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, toàn diện nhằm xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong công tác, phối hợp giữa Toà án nhân dân và lực lượng Cảnh sát dân dân, đồng chí Nguyễn Hoà Bình khẳng định, đây là yêu cầu của Đảng, mỗi cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống thanh bình của nhân dân, bảo vệ công lý. Lực lượng cảnh sát và tòa án cần phối hợp cùng nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cơ quan điều tra và tòa án là hai lực lượng tham gia hoạt động tố tụng, cơ quan điều tra mở đầu cho cuộc điều tra và tòa án kết thúc việc giải quyết công việc này. Yêu cầu phối hợp này được thể hiện trong Hiến pháp và pháp luật. Trên thực tiễn, nếu không phối hợp hoặc phối hợp không chặt chẽ thì khó có thể thành công; phối hợp càng tốt thì thành công càng cao. Những thành tựu của lực lượng Cảnh sát nhân dân và hệ thống tòa án thể hiện ở: Sự phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm; giải quyết các vụ án nói chung, các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn nói riêng... Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả; phối hợp giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, dân sự, thương mại, đặc biệt là các vụ án có tính chất nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ trong việc thi hành án, điều tra, xét xử. Phối hợp công tác xây dựng pháp lệnh, các dự án luật báo cáo Quốc hội; trong ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trong hợp tác quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại hội thảo _ Ảnh: Thu Thanh

Kết luận hội thảo, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ khẳng định, với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết, hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp các luận cứ khoa học, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, khẳng định bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng lực lượng lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước có những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, đã và đang xuất hiện các nguy cơ, thách thức mới đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Tình hình trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, vẫn là vấn đề gây bức xúc trong xã hội phải tập trung giải quyết.

Trước tình hình đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng Cảnh sát nhân dân rất nặng nề. Phát huy truyền thống vẻ vang hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, 60 năm Ngày truyền thống, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thế trận an ninh nhân dân dân, phát động các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Kết hợp chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm với các chiến lược, chính sách về xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại của đất nước.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội.

Thượng tướng, PGS, TS. Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu kết luận, bế mạc hội thảo _ Ảnh: Thu Thanh

Ba là, nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá tình hình tội phạm và trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa là chính kết hợp với liên tục, quyết liệt tấn công, truy quét tội phạm trên mọi địa bàn, lĩnh vực, ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Làm tốt công tác quản lý, giáo dục các loại đối tượng, đặc biệt là những người phạm tội được đặc xá, tha tù, người mắc tệ nạn xã hội, người lầm lỗi đã cải tạo tốt để trở lại cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Năm là, nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra. Nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Sáu là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên các lĩnh vực. Phát huy vai trò của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân để phục vụ công tác quản lý xã hội và phòng, chống tội phạm.

Bảy là, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện có trách nhiệm các cam kết mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về phòng, chống tội phạm. Tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, khoa học, kỹ thuật phục vụ phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm.

Tám là, tăng cường tiềm lực về mọi mặt, nhất là khoa học, công nghệ, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Hoàn thành mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân vững về chính trị, tư tưởng, đạo đức và giỏi về pháp luật, nghiệp vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình./.