Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội
TCCS - Chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 12-5-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Hội nghị tổ chức trực tuyến tại trụ sở Quận ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận Đống Đa kết nối trực tuyến đến quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng với 56 điểm cầu và trên 1.200 cử tri đại diện cho cử tri của các quận.
Tại hội nghị, cử tri đã nghe đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận trong kỳ tiếp xúc trước.
Các cử tri đánh giá, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự kịp thời ban hành những quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giám sát hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trong toàn hệ thống và trên tất cả các lĩnh vực.
Các cử tri kiến nghị một số nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Các cử tri cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai để quản lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Khi xây dựng dự thảo sửa đổi luật, các cơ quan tham mưu cần tăng cường trách nhiệm, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính ổn định lâu dài, tránh tình trạng luật đưa vào thực hiện sau một thời gian ngắn lại sửa đổi, bổ sung. Trong quy hoạch, sử dụng đất cần quan tâm đến quỹ đất dành cho việc xây dựng trường học, công trình phục vụ các hoạt động ở địa bàn dân cư. Cử tri đề nghị cần tăng cường quản lý nhà nước đối với tình trạng khai thác trái phép tài nguyên cát, sỏi; đồng thời cần quy trách nhiệm rõ ràng đối với các cấp được phân quyền quản lý.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, các cử tri kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để phát huy, phát triển tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, chỉ đạo có những biện pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước tại các sông trong nội đô, ô nhiễm không khí…
Để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, các cử tri kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri lần này, các cử tri cũng quan tâm đặc biệt đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, mặc dù công tác phòng, chống dịch COVID-19 rất khó khăn, phức tạp, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng vẫn được tiến hành đồng thời, thể hiện sự quyết tâm cao, đã và đang thu được nhiều kết quả. Cử tri bày tỏ đồng tình với việc, mới đây, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Trung ương đã thống nhất rất cao về chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn với tình hình thực tế hiện nay.
Với tư cách thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến ngắn gọn, tập trung, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm của cử tri.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đất đai là vấn đề quan trọng, là tư liệu sản xuất cơ bản. Đây cũng là một trong sáu nội dung trong Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa kết thúc. Trên cơ sở nghị quyết này của Trung ương về đất đai, Quốc hội nghiên cứu, xem xét, sửa đổi Luật đất đai theo tinh thần mới để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của đất nước. “Nhưng sửa thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai thì không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng phải thiết thực, phải bảo đảm đời sống của người dân, nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề làm dần từng bước, hoàn thiện dần”, Tổng Bí thư nói.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Trung ương đã thống nhất rất cao, nhất trí thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua, tạo sự thống nhất, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện các trường hợp thoái hóa, biến chất… dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, không phải chỉ có chống tham nhũng mà chống cả tiêu cực. Tiêu cực thì rộng nhưng trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Cái đó làm “hư hỏng con người” và là vấn đề mới.
Từ tháng 1 đến tháng 4-2022, đã chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, kịp thời, xử lý một số vụ, việc nổi cộm, bức xúc: Điều tra 1264 vụ/2038 bị can; truy tố 742 vụ/594 bị can; xét xử sơ thẩm 737 vụ/1567 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi 4 vụ án/23 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can. Khởi tố nhiều bị can là cán bộ cao cấp cả đương chức, nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang, trong đó có 8 cán bộ diện Trung ương quản lý...
Về sửa đổi Luật Thủ đô, tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư đề nghị, thành phố Hà Nội tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết. Trung ương đã chỉ đạo Quốc hội phải quan tâm xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển. Hà Nội cũng phải xây dựng chương trình hành động khoa học, bài bản, từ kinh nghiệm trước đây để triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, công dân Thủ đô thực sự là những người tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa; cùng nhau truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị quý báu, như: Văn hiến, anh hùng; hào hoa, thanh lịch; “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, Thành phố vì hòa bình; đồng thời xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội hãy phấn đấu phát triển mạnh mẽ, ngày càng nâng tầm vị thế không thua kém các thủ đô trên thế giới./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (12/05/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio  (02/05/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  (27/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển đồng bằng sông Cửu Long xanh, bền vững và toàn diện  (23/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla  (21/04/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển