Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
TCCS - Hòa chung không khí của cả nước chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 - 1-5-2022), ngày 30-4-2022, tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông năm 2022.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, tỉnh Quảng Trị; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh, người dân và du khách.

Trong không khí trang nghiêm, trên nền nhạc Quốc ca hào hùng khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên Kỳ đài Hiền Lương thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, các đại biểu và hàng vạn người dân đã kính cẩn nghiêng mình ôn lại ký ức về một thời kỳ lịch sử hào hùng, đầy oanh liệt, vẻ vang, nhưng cũng thấm đẫm máu xương và nước mắt của quân và dân ta. Để có được độc lập, tự do ngày hôm nay, các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương và tuổi xuân của mình chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình và hạnh phúc của nhân dân, làm nên những bản anh hùng ca bất tử của chủ nghĩa yêu nước cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hiệp định Geneve được ký kết ngày 21-7-1954 đã chia đất nước ta thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách. Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất. Kẻ thù đã thực hiện nhiều cuộc hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng chiến lược chiến tranh ác liệt nhằm đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”, biến Quảng Trị trở thành vùng “đất lửa”. Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh đầy gian nan, thử thách, dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, lá cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng của ý chí và khát vọng thống nhất. Quân và dân Quảng Trị đã kiên cường chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, nhiều địa danh đã được khắc ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta như: “Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”; “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận”; Đường 9 - Khe Sanh; Làng Vây - Hướng Hóa; chiến khu Ba lòng - Đakrông; Cồn Tiên - Dốc Miếu - Cửa Việt; Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Hải… rực lửa chiến công.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Trị - Thiên, quân và dân Quảng Trị đã tận dụng thời cơ, nổi dậy cùng với sức mạnh của các quân, binh đoàn chủ lực, dũng mãnh tiến công vào sào huyệt quân thù để giải phóng quê hương. Ngày 1-5-1972, Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Cùng với việc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, đặc biệt là sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã đánh dấu một mốc son vẻ vang Quảng Trị cùng cả nước, vì cả nước vượt qua muôn trùng thử thách, chông gai viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975. Từ đó, non sông quy về một mối, người dân hạnh phúc sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc.
Tròn 50 năm, kể từ ngày quê hương được giải phóng, từ xuất phát điểm thấp của vùng đất hoang tàn sau chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã từng bước khắc phục những khó khăn, thử thách, xây dựng, phát triển quê hương ngày càng đi lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, kinh tế, văn hoá, xã hội không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ngày được nâng cao, bộ mặt miền núi, nông thôn, đô thị đã có nhiều đổi thay quan trọng. An ninh chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh và khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Quảng Trị đã tạo dựng được nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Ngay sau Lễ thượng cờ, các đại biểu và đông đảo người dân đã tham dự nhiều hoạt động ý nghĩa trong Ngày hội thống nhất non sông, như Lễ duyệt binh, Lễ hội đua thuyền trên dòng sông Bến Hải...
Trung Duy (tổng hợp)
Phát huy sức mạnh tinh thần của bộ đội Phòng không - Không quân trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 (25/04/2022)
- Phát triển nhân lực khoa học, công nghệ Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
- Góc nhìn chuyên gia - Dự báo chiều hướng chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ: Tác động và một số vấn đề đặt ra
- Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
- Hoàn thiện thể chế thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước - lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước
- Ngoại giao không gian mạng: Kinh nghiệm của một số quốc gia và gợi mở đối với Việt Nam
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay