TCCS - Ngày 21-3-2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị tổng kết công tác hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2021 và triển khai công tác năm 2022. Hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Đây hội nghị thứ ba trong kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết công tác hội đồng nhân dân nhằm đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị _ Ảnh: TTXVN

Đồng chủ trì, điều hành hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị lắng nghe những ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị cho năm 2022 nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử, trong đó có HĐND cấp tỉnh; đánh giá mối quan hệ công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND cấp tỉnh; HĐND căn cứ thực tiễn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế cũng như tăng cường hoạt động giám sát trong việc thực hiện các luật, nghị quyết  của Quốc hội cũng như việc kiện toàn hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND…

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp nối thành công của hai hội nghị tổng kết công tác HĐND khu vực phía Bắc và khu vực miền Trung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm quan tâm và chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử, đặc biệt là chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. 

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các tỉnh, thành phố phía Nam chịu tác động nặng nề nhất cả nước, nhưng cả hệ thống chính trị rất nỗ lực, trong đó có sự đổi mới, sáng tạo của HĐND. HĐND các tỉnh, thành phố đã tiếp tục kế thừa, thể hiện bản lĩnh, tinh thần tìm tòi, khát khao cống hiến, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện tốt "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Tiêu biểu như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu đạt tổng số thu ngân sách rất lớn (381.531.937 tỷ đồng, tương đương 104,56% dự toán, cao hơn cùng kỳ năm 2020).

Qua báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và qua tham luận của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội khái quát một số kết quả chủ yếu trong công tác của HĐND trong năm 2021. Theo đó, HĐND các cấp đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong điều kiện bị tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,6% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu.

HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức rất thành công các kỳ họp của HĐND để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các khung khổ 5 năm cũng như các khung khổ cho kế hoạch năm 2021.

Ngoài việc tổ chức hai kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường, các kỳ họp chuyên đề để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ở khu vực phía Nam có tỉnh Bình Thuận đã tổ chức đến 9 kỳ họp, Sóc Trăng tổ chức 8 kỳ họp, nhiều địa phương đã tổ chức 7 kỳ họp… HĐND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, có nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành các khung khổ cho cả nhiệm kỳ.

HĐND các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt hoạt động giám sát; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại phiên họp thường trực HĐND và các ban của HĐND. HĐND tỉnh, thành phố đã nâng cao chất lượng và linh hoạt công tác tiếp xúc cử tri; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tỷ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri đạt bình quân cả nước đạt trên 85%. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là tín hiệu rất đáng mừng, vì HĐND đang thực hiện ngày càng hiệu quả hơn công tác dân nguyện. Cùng với đó là việc thực hiện tốt chức năng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động các ban của HĐND, việc giải quyết các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thường trực HĐND trong thời gian không họp HĐND theo Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị _ Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá cao kết quả hoạt động của thường trực HĐND, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tới đây cần nghiên cứu thêm về thẩm quyền của thường trực HĐND các tỉnh, thành phố...

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ của HĐND, thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với những đại biểu chuyên trách, đại biểu mới…

Cùng với đó là tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh, để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố; xây dựng đề án có tính chất khung cho cả 5 năm, nâng cao năng lực, hiệu quả của từng mảng nhiệm vụ. Những địa phương nào đã có đề án rồi thì rà soát lại, bổ sung, hoàn thiện; địa phương nào chưa có thì nên xây dựng để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến yêu cầu kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, đó là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động HĐND như là các kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết điện tử từ xa, giám sát bằng hình ảnh… cũng cần được tiếp tục tăng cường.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về giám sát hoạt động của HĐND.

Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp. Tăng cường sự gắn kết của cơ quan của Quốc hội với HĐND các cấp và dự thảo nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của HĐND trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo đề án và dự thảo nghị quyết khi được gửi xin ý kiến để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến công tác tăng cường công tác giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa HĐND các tỉnh, thành phố; giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND; tiếp tục tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả của hội nghị này và hội nghị khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung đã được tổ chức trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chính thức; đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của HĐND các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết./.

Thùy Linh (tổng hợp)