TCCS -  Ngày 14-12-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Hội nghị trực tiếp tại đầu cầu hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội _ Ảnh VGP

Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đại sứ và tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; các đồng chí nguyên lãnh đạo: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội...

Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã tham quan triển lãm: "Thành tựu đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tại hội nghị _ Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tập trung vào giai đoạn 5 năm vừa qua (2016 - 2021), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ. Đặc biệt, trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia...

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Quá trình định hình lại cấu trúc chính trị, kinh tế thế giới đang diễn ra ngày càng nhanh với những tập hợp lực lượng đa dạng, phức tạp, đan xen, tác động nhiều chiều đến hòa bình, an ninh và phát triển của các nước. Bối cảnh đó tạo ra những thách thức và cơ hội cho các nước, trong đó có nước ta. Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy, nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỷ USD và gần 100 triệu dân.

Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Ổn định chính trị - xã hội được bảo đảm trên cơ sở củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường vững chắc. Đất nước hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, 5 năm qua, trong bối cảnh tình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hóa giải được thách thức, tiếp tục tạo những kết quả toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Tại hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương đã trình  bày tham luận về các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị _ Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, tư tưởng tiến bộ của thời đại, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc, độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách của dân tộc Việt Nam. Để góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất đỗi vẻ vang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng", "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc. Trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, Tổng Bí thư chỉ rõ, một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành ngoại giao là những người đi đầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đề nghị mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh với các nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực; tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước; triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng điều hành hội nghị _ Ảnh: dantri.com.vn

Tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện cả về đường lối, lý luận và thực tiễn, nêu rõ những hướng lớn, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, cùng các nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại nhằm thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, ngay sau hội nghị, các cơ quan làm công tác đối ngoại, các cấp ủy, tổ chức đảng, ban, bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương và địa phương phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng và các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thống nhất nhận thức, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; chú trọng việc phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị./.

Thùy Linh (tổng hợp)