Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội
TCCS - Ngày 18-11-2021, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội (11-10-1951 - 11-10-2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Buổi lễ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Cách đây 70 năm, ngày 11-10-1951, Trường Sư phạm Cao cấp (tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội) được thành lập tại huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp III phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục mới. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội còn có nhiệm vụ là "pháo đài" chống Mỹ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất. Trong giai đoạn này, trường tiếp tục là cơ sở chủ lực đào tạo cán bộ giảng dạy cho hệ thống các trường đại học trên toàn miền Bắc.
Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, Đại học Sư phạm Hà Nội cùng với 5 đại học khác là trọng điểm giữ vai trò trung tâm đào tạo giáo viên, đầu tàu trong cuộc đổi mới giáo dục của đất nước. Qua 70 năm xây dựng và phát triển, trường đã đào tạo được khoảng 100.000 cử nhân, 23.000 thạc sĩ và trên 1.700 tiến sĩ. Các trường cấp 3, cấp 2 thuộc hệ thống Đại học Sư phạm cũng có nhiều thành tích xuất sắc trong đào tạo học sinh giỏi tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Truyền thống, thành tựu và di sản của Đại học Sư phạm Hà Nội 70 năm qua là bệ đỡ vững chắc cho nhà trường trong quá trình xây dựng trường sư phạm “Chuẩn mực - sáng tạo - tiên phong”.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai cho lãnh đạo, thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên, sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng đến các thế hệ cán bộ, thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học viên, sinh viên, học sinh Đại học Sư phạm Hà Nội nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và Ngày truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển.
Chủ tịch nước đánh giá, suốt 70 năm qua, Đại học Sư phạm Hà Nội đã đóng góp trọn vẹn cho đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhà trường đã được ngành giáo dục và xã hội ghi nhận vai trò là cái nôi đào tạo ra lớp lớp thầy cô giáo mang tri thức truyền bá cho các thế hệ ở khắp mọi vùng miền của đất nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp giáo dục; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước cho rằng, với vai trò là cơ sở đầu tiên đề xuất và triển khai thành công một phương châm lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn trong giáo dục đại học, đó là: "Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo" theo tư tưởng của Bác Hồ “lấy tự học làm cốt”, trường đã tự đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đầu tiên trong nước, đi tiên phong trong đào tạo đại học theo học phần, đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học có trình độ đại học, đào tạo trẻ khuyết tật có trình độ đại học,...
Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là điểm sáng trong công tác giáo dục sinh viên từng giai đoạn theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, thực hiện lời kêu gọi “tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt” của Bác Hồ. Trường là nơi khởi nguồn của phong trào “Ba sẵn sàng” (năm 1964), một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi nhất, rộng lớn nhất của tuổi trẻ cả nước. Trường cũng là nơi đầu tiên phát động phong trào xây dựng các “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa”. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ trên bản đồ giáo dục và đào tạo tài năng trẻ cho đất nước. Hàng chục học sinh trong hệ đào tạo chuyên của trường đã mang về các giải thưởng cao quý, huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, đánh dấu sự phát triển vượt trội về chất của trường. Theo Chủ tịch nước, thành công đó được hun đúc từ một tập thể đoàn kết, dù trong khó khăn gian khổ hay điều kiện thuận lợi, các thế hệ thầy, cô giáo nhà trường luôn cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người; nhờ có sự tâm huyết ấy mà góp phần đưa “con thuyền tri thức” đến được bến bờ vinh quang như hôm nay.
Nhắc đến những thách thức của đất nước cũng như nền giáo dục trong kỷ nguyên chuyển đổi số, đặc biệt là giai đoạn hiện nay, khi đại dịch COVID-19 buộc các nước phải định hình lại toàn diện phương thức làm việc, học tập, Chủ tịch nước mong muốn với vai trò là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, Đại học Sư phạm Hà Nội cần thích ứng mạnh mẽ để trang bị những kỹ năng, kiến thức mới mà các thế hệ tương lai đang đòi hỏi. Trong quá trình giảng dạy, phải luôn đổi mới toàn diện về phương pháp và nội dung đào tạo; đổi mới phương thức đào tạo theo hướng tăng cường năng lực nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh chuyên môn vững vàng. Sinh viên tốt nghiệp từ trường phải là những người vừa hồng vừa chuyên, giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng giáo dục và phẩm chất cao quý của người thầy; yêu nước, yêu nghề, yêu trẻ; sáng tạo và cống hiến cho công việc, cho cộng đồng trong môi trường hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, con người, cán bộ, giảng viên là tài sản quý giá nhất của nhà trường chứ không phải trường to, lớp rộng, giảng đường đẹp, vì vậy, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ then chốt, lâu dài và chiến lược của Đại học Sư phạm Hà Nội.
“Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để các em nỗ lực học tập tốt, rèn luyện tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc 5 châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em””, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai tốt công tác quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là mạng lưới các trường cao đẳng, đại học sư phạm. Bởi đây là mạng lưới các trường đặc thù, có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Chủ tịch nước cũng dặn dò nhà trường chống dịch, nhưng cũng cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các em học sinh, sinh viên có thể đến trường được an toàn, học tập trực tuyến cũng được thuận lợi, hiệu quả. Nhắn nhủ đến các học sinh, sinh viên, Chủ tịch nước cho rằng, việc học trực tuyến chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định nhưng đây chỉ là những khó khăn trong ngắn hạn, Chủ tịch nước mong muốn các em học tập, tu dưỡng tốt để lập thân, lập nghiệp, xứng đáng với nghề dạy học - “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Quốc phòng  (19/11/2021)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Học viện Chính trị khu vực I  (18/11/2021)
Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đến từng cấp ủy, chính quyền và người dân  (18/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển