Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39
TCCS - Sau 3 ngày làm việc sôi nổi, thực chất, hiệu quả, chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN, tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 26 - 28-10-2021, dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch ASEAN năm 2021 Brunei Darussalam, đã hoàn thành toàn bộ chương trình hoạt động. Chiều ngày 28-10-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022 cho Vương quốc Campuchia.
* Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 18, bằng hình thức trực tuyến có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Hai bên đánh giá cao quan hệ ASEAN - Ấn Độ, đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN và đứng thứ 7 trong số các nước đầu tư vào ASEAN với dòng vốn tăng gần gấp 4 lần so với năm 2018, đạt 2,06 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau ứng phó đại dịch và thúc đẩy phục hồi toàn diện thông qua tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng khu vực, tạo thuận lợi thương mại và hàng hóa, giúp doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau, thực hiện hiệu quả Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí xác định năm 2022 là Năm hữu nghị ASEAN - Ấn Độ, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ vào năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ASEAN và Ấn Độ là đối tác lâu đời và láng giềng gần gũi, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Ấn Độ đã hỗ trợ vaccine và vật tư y tế cho các nước ASEAN, nhất là đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp dược. Thủ tướng kêu gọi hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi bền vững; đề nghị Ấn Độ tích cực hỗ trợ các nước ASEAN phát triển công nghiệp dược, tiếp cận đầy đủ và kịp thời các nguồn vaccine, thuốc điều trị COVID-19, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác có thể xuất hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực thiết yếu cho phục hồi như chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, tận dụng hiệu quả cơ hội và tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ của ASEAN cũng như của Ấn Độ; tiếp tục ủng hộ nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN và khuôn khổ hợp tác Mê Công - Sông Hằng đóng vai trò quan trọng giúp ASEAN thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững và bao trùm, nhất là trước các tác động phức tạp của dịch bệnh và các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ấn Độ tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực cho nỗ lực của ASEAN duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, giải quyết các tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và quy trình ngoại giao nhằm bảo đảm Biển Đông là vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển, Thủ tướng đề nghị cần đẩy mạnh hợp tác biển, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, bảo tồn môi trường biển, sinh thái biển, kết nối biển, tăng cường cứu hộ, cứu nạn trên biển, chống đánh bắt bất hợp pháp, chống cướp biển.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Ấn Độ về Hợp tác triển khai tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
* Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga lần thứ 4 có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thư ký ASEAN. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện kỷ niệm 30 năm ASEAN - Nga, hoan nghênh những tiến triển trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nga và thông qua Kế hoạch hành động toàn diện giai đoạn 2021 - 2025. ASEAN và Nga khẳng định hợp tác chặt chẽ đẩy lùi dịch COVID-19, phối hợp trong các nỗ lực phân phối vaccine an toàn, hiệu quả và công bằng đến người dân trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là Đối tác chiến lược toàn diện và bạn bè hữu nghị truyền thống của Nga, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Nga. Thủ tướng cảm ơn Nga hỗ trợ vaccine và vật tư y tế cho khu vực, trong đó có Việt Nam và hoan nghênh Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, góp phần nâng cao năng lực tự chủ vaccine. Thủ tướng đề nghị Nga tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng người dân các nước ASEAN, trong đó có người Việt Nam tại Nga, sinh sống, làm việc và học tập ổn định, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây nên, đồng thời phối hợp thúc đẩy du lịch, giao lưu kết nối, gắn kết hai bên.
Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục khai thác những tiềm năng to lớn, nhất là về hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ, môi trường, năng lượng, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học cơ bản, hợp tác văn hóa, du lịch...; đồng thời tận dụng những kênh kết nối sẵn có như Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Nga, Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg và Diễn đàn Kinh tế viễn Đông… giúp thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh, như năng lượng, dầu khí và năng lượng tái tạo, cùng hướng tới các mục tiêu xanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Nga đối với duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Mong muốn Nga tiếp tục tham gia tích cực vào các diễn đàn do ASEAN chủ trì, ủng hộ vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, ứng phó hiệu quả với các thách thức nảy sinh, duy trì hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố ASEAN - Nga về Xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và bền vững và Tuyên bố ASEAN - Nga về Hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh và giải quyết vấn đề ma túy toàn cầu.
* Kết thúc chuỗi Hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự 14/17 hoạt động chính gồm các Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39; các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Nga, ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022 cho Vương quốc Campuchia.
Phát biểu tổng kết với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021, Quốc vương Brunei Darussalam khẳng định, bất chấp những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh. Phát huy nỗ lực chung của cả khối trên tinh thần: “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta phát triển thịnh vượng”, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng, ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện, nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, chăm lo phúc lợi, sức khỏe tinh thần cho người dân, thông qua chiến lược tổng thể tận dụng thành quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Hướng tới tương lai, Quốc vương Brunei Darussalam đề nghị cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cơ sở thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cấu trúc vững mạnh tại khu vực.
Tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022, Thủ tướng Campuchia công bố chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2022 là: “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức” vì hòa hợp, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực, đẩy mạnh xây dựng một cộng đồng đồng đều, vững mạnh và bao trùm, phù hợp với tinh thần cốt lõi của ASEAN cùng nhau thúc đẩy một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng.
Theo đó, Campuchia sẽ cùng các nước ASEAN triển khai các ưu tiên chính trong năm 2022, gồm: Bảo đảm đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; triển khai hiệu quả tất cả các sáng kiến, biện pháp về hợp tác kinh tế đã được nhất trí và các thỏa thuận tự do hóa thương mại, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy liên kết khu vực, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội; thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào kiến tạo và duy trì hóa bình và phát triển; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nâng cao tinh thần và bản sắc ASEAN cũng như thúc đẩy các nỗ lực xây dựng một tầm nhìn ASEAN sau năm 2025./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác  (28/10/2021)
Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ  (27/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39  (27/10/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên