Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội
TCCS - Ngày 27-9-2021, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Các ý kiến của tọa đàm là kênh thông tin quý để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tham dự tọa đàm có: Chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, một số ủy ban của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội, đại diện các ban của Đảng và một số bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam có: quyền Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp...
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của tọa đàm là kênh thông tin quý giá để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội. Diễn đàn cũng là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý bày tỏ quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn, mang tính xây dựng của mình để phát triển kinh tế - xã hội đạt chất lượng, bền vững. Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong có được nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia, các cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế.
Tại tọa đàm, các đại biểu trong nước và quốc tế phát biểu tham luận, trao đổi, thảo luận nêu bật những nhận định, đánh giá về bối cảnh đặc biệt của tình hình quốc tế, trong nước, những khó khăn, thách thức, những vấn đề lớn, trọng tâm, từ đó tham vấn ý kiến, đưa ra những giải pháp, kiến nghị xác đáng cho năm 2022 và những năm tiếp theo...
Các ý kiến cho rằng, Việt Nam kiên định "mục tiêu kép" nhưng có ưu tiên về thời điểm và địa bàn cụ thể cho phòng, chống dịch, phát triển kinh tế. Cần đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng cùng xét nghiệm - điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và xã hội. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có chương trình tái thiết, phục hồi kinh tế phân chia theo từng giai đoạn (giai đoạn giảm thiểu, giai đoạn phục hồi, giai đoạn phát triển); chú ý đến việc đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh hệ sinh thái cho kinh tế số phát triển, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế và tổ chức rà soát để tăng cường năng lực quản trị quốc gia, năng lực thực thi chính sách, kể cả tầm nhìn, năng lực quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp và thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học hàng đầu đã có nhận định là chưa thể khắc phục được ngay được dịch COVID-19 trong các năm 2021 - 2022, mà có thể còn kéo dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tốc độ và phạm vi tiêm chủng, hiệu quả của vaccine ứng phó với những chủng mới của virus… Nhiều ý kiến cho rằng ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19, chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách… là chính, sang các biện pháp tăng nhanh tiêm chủng vaccine, giảm tỷ lệ tử vong thay vì giảm ca nhiễm. Điều kiện là tiêm chủng ít nhất phải đạt khoảng 60-70%; hạ tầng kinh tế phải khá phát triển và có tình trạng sẵn sàng cao; nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng trong quá trình phòng, chống dịch...
Các đại biểu cũng đề xuất Quốc hội tăng cường hơn nữa năng lực hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho quản trị quốc gia, cho tăng trưởng xanh, các mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…; tăng cường giải trình ở cấp các ủy ban của Quốc hội về những vấn đề quan tâm để đồng hành nhiều nhất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mở lại Diễn đàn kinh tế sau sự gián đoạn từ năm 2017. Tọa đàm là một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ ý kiến đóng góp của chuyên gia với nhận định rằng việc phục hồi kinh tế trên thế giới vẫn chưa được bảo đảm, kể cả với những nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao, trong khi vẫn còn có những nước chưa được an toàn. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nêu thông điệp là cần có sự chia sẻ bình đẳng về vaccine cho những nước nghèo hơn, những nước có tiềm lực kinh tế thấp hơn. Điều lưu ý nữa là những nước thuộc nhóm 2 (nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam) có thể có suy giảm tăng trưởng trong trung và dài hạn. Các diễn giả dự báo về "rủi ro kép". Thứ nhất là chiến lược vaccine trên toàn cầu chậm hơn dự kiến, độ bao phủ không được đầy ở những nước này. Thứ hai là chính sách tài chính, tài khóa, tiền tệ toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước tiên tiến thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro có thể gia tăng lạm phát do chính sách siêu nới lỏng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, giải pháp mà đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều diễn giả đề xuất cần phải tiếp tục giãn cách và có hạn chế di chuyển nhưng cần thông minh hơn. Tức là phải áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động. Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, trong đó nhấn mạnh chính sách tài khóa cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho phù hợp với kinh tế - xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế, hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn. Khâu tổ chức thực thi chính sách cũng cần nhanh gọn, cần tăng cường giải ngân đầu tư công.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước hết phải chuẩn bị tốt đầu tư công và giao vốn đầu tư công. Công tác chuẩn bị đầu tư phải đẩy mạnh lên trong thời gian tới. Cùng với đó là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; tăng cường trợ giúp xã hội, nhất là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương để làm chậm lại, khắc phục tình trạng khó khăn do đại dịch mang lại. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (23/09/2021)
Bộ Chính trị cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước  (17/09/2021)
Khai mạc phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (13/09/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan  (12/09/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ  (10/09/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển