Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
TCCS - Ngày 29-4-2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 12 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”.
Cùng dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự phiên họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau hơn 7 năm thực hiện, Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt; từng bước mở rộng quy mô đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư trọng điểm. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng đào tạo chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao…
Việc thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” cũng có những bước phát triển mới cả về quy mô đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và cơ hữu. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đặt ra mới chỉ ở mức trên trung bình; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện chưa cao.
Ban Chỉ đạo cũng tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, nhất là trong bối cảnh các trường tự chủ, việc đào tạo cử nhân luật theo nhu cầu thị trường, có sự cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở đào tạo luật hiện nay, khi cả nước hiện có đến 95 cơ sở đào tạo luật. Tuy nhiên, Đề án chưa có những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những bất cập đang nổi lên trong đào tạo cử nhân luật thời gian qua.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai các đề án trên có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo và xây dựng được thương hiệu, uy tín của các trường trong lĩnh vực đào tạo pháp lý, các chức danh tư pháp.
Chủ tịch nước cũng nhận xét, việc thực hiện các đề án trên còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, một số lĩnh vực chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Một số chức danh tư pháp chưa được đặt vấn đề đào tạo; vấn đề đạo đức, phẩm chất các chức danh tư pháp chưa thực sự được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo…
Tán thành ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về việc cần tiếp tục chú trọng thực hiện 2 đề án này, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đối với các cơ sở đào tạo. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng đề án sao cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới. Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với Đề án: “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Riêng đối với Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, Chủ tịch nước yêu cầu xây dựng lại theo định hướng mà các thành viên của Ban Chỉ đạo đã góp ý. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước theo hướng không bổ sung mới; quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo; ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, giáo viên, giáo án, giáo trình…, từ đó đối chiếu, rà soát. Những cơ sở không bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra thì phải dừng đào tạo lĩnh vực này.
Đặc biệt, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương lưu ý đến yêu cầu về đào tạo phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy và học tập tại Đại học luật Hà Nội; Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp sao cho bảo đảm hình thành nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp trong sạch, lành mạnh, có chất lượng cao. Đi liền với đó là đẩy mạnh hơn nữa mô hình đào tạo theo hướng: Nhà nước đưa ra các tiêu chí đào tạo đi đôi với kiểm định chất lượng chặt chẽ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương chung là Đảng, Nhà nước bảo đảm các nguồn lực cho hoạt động đào tạo pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, quan điểm định hướng là tiếp tục xây dựng hai Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp của cả nước và phục vụ tốt hơn các nhu cầu của xã hội.
Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch nước đề nghị, quá trình thực hiện cần chú ý đến việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo này phát triển quy mô, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh phối hợp giữa hệ thống tòa án, viện kiểm sát và các trường để phát huy kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giảng viên, hoạt động thực tiễn của các chức danh tư pháp và pháp luật trong đời sống thực tiễn./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp  (13/12/2019)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên