Bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV: Kỳ họp với nhiều dấu ấn quan trọng
TCCS - Chiều ngày 8-4-2021, sau 12 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV đã tiến hành phiên bế mạc. Quốc hội đã tổng kết sâu sắc, toàn diện công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, xem xét, quyết định công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIV đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đánh giá các báo cáo công tác của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội thống nhất đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn và biến động phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã cố gắng phấn đấu cao độ, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tạo nên những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, tạo nền tảng quan trọng để Quốc hội khóa sau tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chủ tịch nước đã khẳng định được vị thế của người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết quả thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống hiệu quả đại dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và các biểu hiện vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời nhiều cuộc tranh chấp, khiếu kiện, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vai trò tích cực trong việc góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, phục vụ tích cực cho hoạt động giám sát của Quốc hội, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời Quốc hội cũng phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021; trong đó, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực để các cơ quan nghiên cứu, tập trung triển khai thực hiện có chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới. Nhân dịp này, Quốc hội cũng nhiệt liệt biểu dương các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đã đồng lòng chung sức, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn nhân sự sau Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước, bảo đảm dân chủ, đúng quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận rất cao. Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, 5 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm 3 ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 12 thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách 3 Phó Chủ tịch, 7 ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia và danh sách Phó Chủ tịch và 3 ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Trước quốc kỳ, Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp, nguyện nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc hội bày tỏ niềm tin rằng, các đồng chí mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Quốc hội cũng ghi nhận, tri ân những cống hiến, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các vị lãnh đạo tiền nhiệm trong suốt thời gian qua và mong muốn các vị tiếp tục quan tâm, đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nói chung và hoạt động của Quốc hội nói riêng.
Tại kỳ họp này, Quốc hội nghe báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 kể từ khi thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia đến tháng 3-2021; đồng thời tiến hành kiện toàn nhân sự Hội đồng Bầu cử quốc gia để bảo đảm đồng bộ với việc kiện toàn các chức danh trong bộ máy nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thắng lợi công tác tổ chức bầu cử trong thời gian tới.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy. Đây là luật thứ 73 và cũng là luật cuối cùng được Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ khóa XIV.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Quốc hội xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để thành phố chủ động chuẩn bị cho việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sắp tới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Thủ đô trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Về công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri: Thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và tổng hợp được 1.907 kiến nghị của cử tri, trong đó có nhiều kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Từ sau kỳ họp thứ 10 đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc kiện toàn nhân sự tại kỳ họp 11 là bước chuyển giao quan trọng để các cơ quan nhà nước thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đến hết nhiệm kỳ. Đặc biệt cần tập trung cao độ cho việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 gắn với việc phòng, chống đại dịch COVID-19, công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm sự kiện chính trị trọng đại này diễn ra thành công tốt đẹp vào ngày 23-5-2021 tới đây, thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội về những đóng góp tích cực, góp phần làm nên một nhiệm kỳ Quốc hội thành công với nhiều dấu ấn sâu đậm, khó quên. Suốt chặng đường 5 năm qua, với trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và khát khao cống hiến, các vị đại biểu Quốc hội đã gắn bó mật thiết với cử tri, trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cũng như những vấn đề thực tiễn nóng bỏng, phản ánh và đề xuất những giải pháp sát thực, căn cơ, mang theo hơi thở của cuộc sống vào nghị trường trong từng nội dung để Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, đồng chí bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với niềm tin và sự ủng hộ quý báu của toàn thể đồng bào và cử tri cả nước; cảm ơn sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm, đóng góp đầy tâm huyết của các bậc lão thành cách mạng; sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự tận tụy, trách nhiệm của bộ máy tham mưu, giúp việc, sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí… đã tạo nhiều thuận lợi giúp Quốc hội hoàn thành trọng trách trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Tin tưởng rằng, những thành tựu và bài học kinh nghiệm quý báu của chặng đường vẻ vang hơn 75 năm qua sẽ tạo nền tảng vững chắc để Quốc hội khóa XV và các khóa sau tiếp tục kế thừa, phát huy, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021  (06/04/2021)
Đồng chí Phạm Minh Chính nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (05/04/2021)
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức  (05/04/2021)
Quốc hội thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ và chức vụ Chủ tịch nước  (02/04/2021)
Thông cáo báo chí số 5 kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV  (31/03/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên