Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2021
TCCS - Ngày 2-3-2021, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2021, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong tháng đầu tiên của năm mới Tân Sửu, đồng thời, thảo luận về các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp đánh giá kết quả công tác chuẩn bị cho nhân dân đón tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; cho rằng công tác tổ chức phục vụ tết Nguyên đán của Chính phủ thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, lo cho người dân, hướng về người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, vùng khó khăn, vùng thiên tai để bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có Tết đầy đủ, không để bất cứ một người nào, gia đình nào khó khăn, đứt bữa.
Nhận xét kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, một phần của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, căn bản chúng ta đã kiểm soát được tình hình, trừ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, vẫn còn xuất hiện một số ca nhiễm mới, những địa phương trọng điểm đã được kiểm soát tốt, nhất là những thành phố lớn.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung thảo luận một số nội dung, trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm: vắc-xin cùng với thông điệp 5K là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn một cách hiệu quả dịch bệnh COVID-19 cho gần 100 triệu người dân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, tôn vinh những chiến sĩ áo trắng đi đầu trong trận tuyến phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan. Nếu phát hiện những dấu hiệu nghi nhiễm, cần nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, thần tốc hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo tiếp tục khoanh ổ dịch ở Kim Thành, Hải Dương mạnh mẽ hơn nữa để cả nước không còn vùng lây nhiễm. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng đầu năm và cả năm 2021, đặc biệt ngay trong quý II-2021 là phải có kết quả tích cực.
Đề cập đến những tín hiệu đáng mừng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá. Đặc biệt, xuất nhập khẩu của 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 96 tỷ USD, tăng gần 25%; trong đó xuất khẩu tăng gần 24%. Tình hình phát triển doanh nghiệp khá tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4% với số vốn đăng ký tăng 52%. Những hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu trở lại sôi động trong trạng thái bình thường mới trên tinh thần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ngay sau Tết, trong công tác đối ngoại, Việt Nam đã có những hoạt động ở Liên hợp quốc với các đối tác quan trọng.
Đề cập đến việc thực hiện chương trình công tác của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung bàn về những công việc quan trọng, cấp bách cần thực hiện ngay của Chính phủ; đồng thời đề nghị trong phạm vi trách nhiệm của mình, các bộ trưởng phải tập trung xử lý, giải quyết những công việc còn tồn tại, không để kéo dài.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 2-2021, CPI tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12-2020. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2-2021 diễn biến tương đối thuận lợi. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%). Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
Như vậy, Chính phủ đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu là: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7%, cao hơn so với số đã báo cáo là khoảng 1%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,88%, thấp hơn so với số đã báo cáo là 4,39% và có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội.
Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt hơn, tốc độ tăng GDP đạt 2,91%, quy mô kinh tế đạt 271 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.779 USD, đều cao hơn báo cáo trước đó. Tổng thu ngân sách đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 158 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Giải ngân vốn đầu tư công năm ngoái đạt xấp xỉ 96,6% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt hơn 97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là mức giải ngân cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận về các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là phòng, chống hiệu quả dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các nội dung, như: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2021; kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, về việc tiếp tục sử dụng số vốn còn lại chưa giải ngân và chưa phân bổ để thực hiện các dự án đầu tư cơ quan đại diện ở nước ngoài trong giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, mà phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ. Mỗi thành viên Chính phủ dù sẽ ở cương vị mới hay nghỉ chế độ công tác vẫn phải phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, làm việc đến giờ phút cuối cùng.
Đánh giá về kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Các chỉ tiêu đều vượt so với báo cáo Quốc hội trước đó, trong đó các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn, đặc biệt nợ công, bội chi ngân sách, thu ngân sách, dự trữ và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, chúng ta thắng lợi thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bảo đảm hoạt động khá bình thường của xã hội trong bối cảnh mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cũng như nâng cao đời sống của người dân.
Có được thành quả quan trọng này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ khóa này sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật. Tinh thần là bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc và công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, tất cả vì nhân dân mà làm việc.
Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đón bắt thời cơ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cũng như năm 2021. Trước hết là tập trung quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cùng với đó là tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, trên tinh thần “vắc-xin+5K”, không được chủ quan. Nhanh chóng tiêm vắc-xin cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5%. Đặc biệt thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng trong bối cảnh thời cơ đến với Việt Nam khi có xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ ràng.
Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Đặc biệt phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam Bộ...
Về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sắp tới, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội theo đúng thời hạn quy định…/.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thường trực Chính phủ họp về mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng  (02/03/2021)
Khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân  (25/02/2021)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh  (10/02/2021)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc với Sư đoàn Phòng không Hà Nội  (09/02/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam