Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Trân trọng, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng, hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Ngày 8-12-2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; thảo luận, cho ý kiến hoàn chỉnh dự thảo lần cuối các văn kiện, chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 14, Khóa XII xem xét, quyết định, hoàn tất việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng.
Cùng dự họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, đại diện Thường trực Tổ Biên tập của các Tiểu ban Đại hội XIII của Đảng và lãnh đạo các cơ quan liên quan.
Bộ Chính trị đã nghe các đồng chí Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo cáo chính trị, Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo cáo kinh tế - xã hội, Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình bày các báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Từ sau Hội nghị Trung ương 13 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các Tiểu ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện, gửi xin ý kiến của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 20-10-2020 để xin ý kiến rộng rãi của toàn dân.
Văn phòng Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp ý kiến góp ý của 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta định cư ở nước ngoài đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Các Tiểu ban, đặc biệt là các Tổ Biên tập đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, phân tích các ý kiến góp ý; nhiều lần tổ chức họp, thảo luận, nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoan nghênh, cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân và đất nước. Các Tiểu ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương hoàn thiện, công bố dự thảo lấy ý kiến của nhân dân; nghiêm túc tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng và phù hợp, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện trình Bộ Chính trị.
Đa số ý kiến đóng góp cho rằng, dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, có sự đổi mới, bảo đảm chất lượng cao, phản ánh khách quan, toàn diện, sát với tình hình thực tế những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới trong thời gian tới, từ đó xác định đúng và trúng những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khá cụ thể để phát triển đất nước nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng.
Nhiều ý kiến đề xuất bổ sung, sửa đổi những nội dung, câu chữ cụ thể hoặc kiến nghị phân tích sâu hơn những kết quả đã đạt được, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; rà soát, đối chiếu, thống nhất một số điểm chưa nhất quán giữa các văn kiện trong đánh giá, nhận định tình hình… Các dự thảo văn kiện đã được bổ sung, sửa đổi những câu chữ, nội dung cụ thể để làm rõ, bảo đảm chuẩn xác, thống nhất, đồng bộ hơn giữa các văn kiện.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cho rằng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hệ thống các dự thảo báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng đã có sự thống nhất cao, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta, dân tộc ta.
Bộ Chính trị yêu cầu các Tiểu ban chỉ đạo các Tổ Biên tập khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sớm hoàn thiện dự thảo các văn kiện và báo cáo tiếp thu, giải trình để kịp trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định, hoàn tất công việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Hệ thống các dự thảo báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng gồm: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm; các báo cáo chuyên đề là: Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (gọi chung là Báo cáo kinh tế - xã hội); Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Sau khi nghe các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu ý kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận cuộc họp, nêu rõ, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải thống nhất với báo cáo trung tâm. Thời gian còn lại rất ngắn, các Tổ Biên tập, các Tiểu ban cần tập trung, khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn kiện, bảo đảm nội dung chuẩn xác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, các Tổ Biên tập phải hết sức trân trọng, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của các nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thiện dự thảo các văn kiện; cần thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn xác, tập trung cao nhất cho công việc này, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Cán bộ, đảng viên, nhân dân rất quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, thể hiện quyền dân chủ thực sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp và cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân và đất nước, đồng thời nhấn mạnh “hết sức tiếp thu các ý kiến xác đáng”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng tình với báo cáo, giải trình của các Tiểu ban và nêu rõ, dự thảo các văn kiện đã được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe các ý kiến đóng góp; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Các báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng đã có sự thống nhất cao, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta, dân tộc ta. Cho rằng, trong thời gian ngắn, các Tiểu ban, Tổ biên tập đã làm việc khẩn tương, nghiêm túc, đồng chí lưu ý, phải hết sức trân trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của các nhà nghiên cứu, khoa học và tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng trong quá trình hoàn thiện văn kiện. Việc nhân dân đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện đã thể hiện đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và dân chủ thật sự.
Quá trình hoàn thiện các văn kiện cần thận trọng hơn nữa, chuẩn xác hơn nữa, rà đi, soát lại, cân nhắc kỹ lưỡng từng câu, từng chữ đối với từng báo cáo, trong đó Báo cáo chính trị phải thật sự xứng đáng là báo cáo trung tâm của Đại hội. Thuận lợi là các quan điểm, các định hướng lớn đều nhận được sự đồng tình cao, các ý kiến đóng góp chủ yếu tập trung vào câu chữ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Văn kiện là văn bia, lưu lại mãi về sau”, vì vậy việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện phải phản ánh tiếng nói chung, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dự thảo văn kiện Đại hội lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020  (08/12/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith  (06/12/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng cán bộ công an trong sạch, lành mạnh  (02/12/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị của Quân ủy Trung ương  (30/11/2020)
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng  (28/11/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Cuba  (26/11/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển