Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam
TCCS - Ngày 12-6-2020, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, sợi cao cấp, linh kiện động cơ, lốp ô-tô ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho hơn 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, địa phương đã thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam do đã chủ động, quyết liệt, có đối sách đúng và luôn đi trước một bước so với tình hình thực tiễn, nên đã kiểm soát dịch thành công, đưa cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dần trở lại bình thường. Trong các bệnh nhân người nước ngoài, có cả các bệnh nhân người Trung Quốc đã được các y, bác sĩ Việt Nam chữa khỏi thành công và đã về nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã sớm có cuộc trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, bàn giải pháp hợp tác và chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống COVID-19; hỗ trợ Trung Quốc trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch.
Tại buổi tiếp, các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; đặc biệt trân trọng cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh thành công, giúp các doanh nghiệp trở lại hoạt động. Các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào quyết tâm của Chính phủ, chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu kép cũng như các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Năm 2019, kim ngạch hai chiều đạt 120 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu trên 30 tỷ USD.
Đến thời điểm hiện nay, lũy kế đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam có gần 3.000 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 7 trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Hiện rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn hiệu quả tại Việt Nam, đầu tư đa lĩnh vực. Ngoài ra, hai nước hợp tác tốt trong lĩnh vực du lịch với khoảng 6 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.
Với việc dịch COVID-19 đang được hai nước kiểm soát hiệu quả, Việt Nam đang xem xét mở lại một số tuyến bay thương mại với Trung Quốc, trước mắt là Quảng Châu, để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, người qua lại giữa hai nước.
Lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết, tạo điều kiện về xuất, nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao của các nước, trong đó có Trung Quốc.
Thủ tướng đánh giá cao năng lực, thái độ đầu tư nghiêm túc và hiệu quả của các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc, trong đó có việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, quan tâm đến công nhân, đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đóng góp cho Việt Nam. Đặc biệt ngay trong bối cảnh khó khăn bởi COVID-19, Thủ tướng hoan nghênh những doanh nghiệp không cắt giảm lao động. Với các doanh nghiệp này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để qua đó khuyến khích các doanh nghiệp khác của Trung Quốc học tập, làm theo.
Lắng nghe các kiến nghị của các doanh nghiệp tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó có việc sớm mở trở lại các chuyến bay, tạo thuận lợi về dịch vụ logistic... Đối với các kiến nghị cụ thể thuộc thẩm quyền các địa phương, bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành sớm giải quyết cho doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển./.
Thanh Hải (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam  (01/06/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về phát triển vùng kinh tế trọng điểm  (27/05/2020)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/05/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự quốc tang Đại tướng Lào Sisavath Keobounphanh  (14/05/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên