1. Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 15

Ngày 15-6, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 15 với chủ đề “Tăng cường công tác ngoại vụ địa phương phục vụ triển khai hiệu quả nền ngoại giao toàn diện” với sự tham gia của gần 250 đại biểu công tác tại Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định: Mỗi địa phương là một chủ thể, một lực lượng cấu thành trong các lực lượng đối ngoại của đất nước; có vai trò, trách nhiệm triển khai cụ thể trên địa bàn các vấn đề trọng tâm của ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, công tác Việt kiều; là “cánh tay nối dài” của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đối ngoại ở Trung ương trong việc đôn đốc, thực hiện các chức năng quản lý thống nhất, tham mưu đóng góp cho việc hoạch định, triển khai công tác đối ngoại chung. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngoại giao toàn diện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phải làm tốt 3 hướng là: kế hoạch, mạng lưới và cán bộ.

2. Kỷ niệm 15 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga

Ngày 16-6-2009, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (16-6-1994 - 16-6-2009), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Liên bang Nga V. Pu-tin, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga X. Láp-rốp trao đổi thư chúc mừng, nhấn mạnh, đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong những điều kiện lịch sử mới. Mười lăm năm qua, quan hệ Việt Nam - Nga đã có những bước phát triển mạnh về chất với việc xác lập và củng cố quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác có hiệu quả trên mọi lĩnh vực: Chính trị, phối hợp hành động trên trường quốc tế, kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục... đáp ứng lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

3. Phát động đợt cao điểm phòng, chống ma túy

Ngày 16-6-2009, tại Quảng trường Cung văn hóa tỉnh Hòa Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm "Toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy, giúp đỡ người nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy năm 2009". Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Vấn nạn ma tuý là thách thức của toàn thế giới, của mỗi quốc gia, chúng ta coi tệ nạn ma tuý là loại giặc "ngoại xâm", vì vậy toàn dân phải chung tay ngăn chặn. Trong những năm qua Ðảng, Nhà nước và toàn dân đã nỗ lực thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy,giảm đến mức thấp nhất những hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra. Ðợt cao điểm phòng, chống tệ nạn ma tuý năm nay là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21CT-T.Ư của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống ma túy, hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26-6 hằng năm.

4. Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)

Ngày 16-6, tại Hội nghị cấp cao của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về khủng hoảng việc làm toàn cầu diễn ra ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp và chính sách quan trọng để ngăn chặn tình trạng mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp, chính sách quan trọng nhằm ngăn ngừa lạm phát và ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và tăng cường thực thi các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, trong đó, triển khai gói kích thích kinh tế tám tỉ USD; tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp, hoạch định những kế hoạch phát triển dài hạn cho thời kỳ tới với tầm nhìn chiến lược dài hạn, trong đó ưu tiên phát triển thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực và kỹ năng, nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường quan hệ lao động và đối thoại xã hội, cải cách chính sách tiền lương, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động.

5. Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á)

Trong hai ngày 18-6 và 19-6-2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) tổ chức thủ đô Xơ-un (Hàn Quốc). Tham dự Hội nghị có trên 300 đại biểu từ hơn 20 nước trong và ngoài khu vực tham dự. Với chủ đề "Ý nghĩa của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với Đông Á", Hội nghị WEF Đông Á năm nay tập trung thảo luận mô hình phát triển Đông Á, vai trò của châu Á đối với tiến trình phục hồi kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Đông Á, những thách thức, rủi ro về tài chính, kinh tế và an ninh khu vực v.v. Hội nghị cho rằng, tuy chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tại nhiều nền kinh tế Đông Á đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực bước đầu và có khả năng dẫn dắt tiến trình phục hồi kinh tế thế giới trong những năm tới. Tuy nhiên, Đông Á cần xem xét và điều chỉnh mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, tích cực khai thác thị trường nội địa rộng lớn và nhiều tiềm năng, chú trọng hơn tới lĩnh vực dịch vụ, y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng. Mô hình phát triển xanh, thân thiện môi trường cũng là chủ đề được quan tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị.

6. Mười thủy thủ Việt Nam được xử trắng án

Ngày 19-6-2009, tại Prê-tô-ri-a, Kếp Tao, Tòa án Nam Phi đã đồng ý để phía chủ tàu đánh cá Be-li-na của Ðài Loan (Trung Quốc), rút hồ sơ khiếu kiện và trả tự do cho mười thủy thủ Việt Nam. Theo kế hoạch, các thủy thủ trên rời Nam Phi vào ngày 20-6-209 và về đến Việt Nam vào ngày 22-6-2009 bằng đường hàng không. Sau nhiều lần tạm hoãn, phiên tòa xét xử mười thủy thủ Việt Nam với cáo buộc "bắt cóc" và "cướp tàu" đã được nối lại vào ngày 19-6. Sau phần tranh tụng của các bên hữu quan, trong đó có sự tham gia của đại diện Ðại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, tòa đã tuyên bố các thủy thủ Việt Nam trắng án do phía chủ tàu Be-li-na xin rút đơn kiện về hai tội danh trên và cam kết hỗ trợ tài chính cho họ trở về Việt Nam an toàn. Trước đó, do bị buộc làm việc quá sức (khoảng 12 giờ/ngày) trên chiếc tàu đánh cá cũ, thiếu phương tiện sinh hoạt và thường xuyên bị ngược đãi, một số thủy thủ Việt Nam đã có phản ứng tự vệ. Sau khi nhận được tín hiệu cứu trợ, lực lượng đặc nhiệm Nam Phi đã đưa tàu Be-li-na vào hải phận nước này và tạm giữ các thủy thủ Việt Nam.

7. Bế mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII
 
Ngày 19-6-2009, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự và bế mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng khác; xem xét và thông qua 11 dự án luật, góp phần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế; thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và cho ý kiến về 6 dự án luật khác để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau; xem xét thông qua hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách Nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ năm 2009 và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân và giao Chính phủ xây dựng chiến lược quốc gia đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn từ 2011-2020.

8. Diễn đàn "Thương hiệu biển Việt Nam: Kết nối địa phương và quốc tế"

Ngày 20-6-2009, tại Hạ Long (Quảng Ninh) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Diễn đàn "Thương hiệu biển Việt Nam: Kết nối địa phương và quốc tế" với sự tham gia của đại diện một số bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương có biển. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định một trong những mục tiêu cơ bản là "Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển". Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, với các sản phẩm "hàng hóa" từ biển phải có khối lượng lớn và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đồng nghĩa với việc xây dựng "thương hiệu biển" ở tầm khu vực và quốc tế. Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng chỉ ra những thách thức trong việc xây dựng thương hiệu biển hiện nay, góp ý để xây dựng một thương hiệu biển Việt Nam mạnh như: Thương hiệu biển Việt Nam - Phương pháp tiếp cận mới trong khai thác tiềm năng biển đảo Việt Nam; Những đặc thù, độc đáo của biển Việt Nam so với các vùng biển khác trên thế giới từ góc độ tài nguyên và môi trường biển; Xây dựng thương hiệu biển Việt Nam- nhìn từ đặc trưng văn hoá biển; Vai trò của chính quyền địa phương trong xây dựng và truyền bá thương hiệu biển Việt Nam - Chia sẻ kinh nghiệm với Quảng Ninh...

9. Khánh thành Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Quốc

Ngày 20-6-2009, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) diễn ra Lễ khánh thành Nhà trưng bày với các tư liệu hình ảnh, hiện vật cũ và mới được bổ sung trên cơ sở chỉnh lý, nâng cấp phục vụ khách tham quan. Ðồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến dự lễ. Việc chỉnh lý, nâng cấp Nhà trưng bày lần này có sự giúp đỡ của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, các đơn vị thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ nước ta, đồng thời, giới thiệu cho khách tham quan hiểu rõ hơn lịch sử đấu tranh giành tự do, độc lập của dân tộc ta là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

10. Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 3

Ngày 21-6-2009, Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ 3 đãđược tổ chức tại Hà Nội. Với 146 tác phẩm báo chí được tuyển chọn từ 977 tác phẩm của 83 đơn vị trong cả nước ở 8 loại giải của các loại hình là báo in, báo nói và báo hình, Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia năm 2008 đã chọn được 52 giải chính thức gồm 3 giải A, 12 giải B, 37 giải C và 28 giải khuyến khích để trao tặng. Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao các nhà báo, các tập thể tác giả được trao giải báo chí lần này bởi các tác phẩm đã phản ánh được những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, những sự kiện nóng bỏng của đất nước được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Batác phẩm đạt giải A gồm"Cuộc chiến chống than lậu ở Quảng Ninh" của nhóm tác giả Ngô Mai Phong, Đinh Công Thắng, Báo Lao Động (thể loại báo in);"Cảnh báo nạn bạo hành trẻ em" của nhóm tác giả Minh Thu, Lê Kiệt, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai (thể loại báo hình); "Tìm mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp" của nhóm tác giả Lê Văn Phúc, Nguyễn Tuyết Yến, Hồ Minh Khánh, Đài Tiếng nói Việt Nam (thể loại phát thanh)./.

*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 8-6-2009 đến 14-6-2009)