Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
TCCS - Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019) và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2019), ngày 29-11-2019, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”.
Ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng Sam Cao, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng. Suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua gian lao thử thách, chấp nhận hy sinh, anh dũng chiến đấu, Quân đội ta đã cùng nhân dân đấu tranh giành chính quyền thắng lợi, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VI) ra Chỉ thị số 381-CT/TW lấy ngày 22-12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22-12 hằng năm trở thành ngày hội bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Quân đội ta sinh ra và lớn lên trong quá trình đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lý tưởng và mục đích chiến đấu của đội quân cách mạng được xác định ngay từ buổi ban đầu khi mới thành lập, thể hiện trong 10 lời thề danh dự mà 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghiêm trang tuyên thệ trước cờ đỏ sao vàng năm cánh dưới tán rừng Việt Bắc: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”. Để tiếp tục phát huy truyền thống của quân đội anh hùng, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, việc Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) lấy ngày 22-12 - ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - là Ngày hội Quốc phòng toàn dân là một quyết định đúng đắn, phản ánh tư duy sáng tạo của Đảng, phù hợp với thực tiễn đất nước; góp phần quan trọng vào việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để tăng cường tiềm lực của đất nước nói chung, tiềm lực quốc phòng nói riêng.
Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng 75 năm qua của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh không ngừng. Từ 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế, đến thời kỳ cả nước bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Quân đội ta ngày càng trưởng thành lớn mạnh, hoàn thiện về cơ cấu, có sức mạnh tổng hợp, với các quân chủng, binh chủng hiện đại, các binh đoàn chủ lực cơ động mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nghệ thuật quân sự, phương pháp tác chiến đã có những phát triển vượt bậc, vừa kết hợp giữa nghệ thuật, cách đánh truyền thống, vừa bổ sung những phương pháp tác chiến hiện đại, góp phần đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi nhất của các thế lực thù địch. Đó là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ; xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng làm rõ Ngày hội Quốc phòng toàn dân là kết quả tư duy sáng tạo của Đảng, là nét độc đáo trong văn hóa giữ nước thời đại Hồ Chí Minh. Sau 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Việt Nam đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các tham luận cũng phân tích khẳng định, việc lấy ngày 22-12 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân là quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước; phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, truyền thống đánh giặc giữ nước, tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc tổ chức Ngày hội Quốc phòng toàn dân còn mang tính hình thức, chương trình còn đơn giản, nội dung còn sơ sài, chưa thật sự tạo được khí thế sôi nổi của ngày hội, vì vậy chưa lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, nhất là lực lượng trẻ, đoàn viên, thanh niên... dẫn đến hiệu quả hạn chế. Trên cơ sở tổng kết những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, các tham luận rút ra những kinh nghiệm nhằm vận dụng để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Ngày hội Quốc phòng toàn dân trong xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Ban Tổ chức Hội thảo nhận được hơn 90 bài tham luận. Mỗi tham luận đi sâu nghiên cứu theo từng vấn đề cụ thể, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện, luận giải sâu sắc hơn về nội dung chủ đề của Hội thảo. Theo đó, Hội thảo tập trung làm nổi bật các vấn đề cơ bản sau:
Một là, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hai là, tôn vinh thành tựu, chiến công; làm sâu sắc hơn những vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc về quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; đúc rút những bài học kinh nghiệm quý vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Ba là, khẳng định vai trò, thành tựu của Ngày hội Quốc phòng toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, làm rõ vai trò, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Hội thảo “Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh” một lần nữa đã làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn giá trị của những chiến công, bài học của chiến thắng, ý nghĩa những thành tích của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; làm rõ những thành tựu sau 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đồng thời rút ra những kinh nghiệm sâu sắc, là cơ sở quan trọng để tiếp tục vận dụng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển